Cách nào thu hút 123,8 tỷ USD đầu tư cho ngành điện?

20:12 | 14/12/2013 Print
Dự báo tốc độ tăng trưởng tiêu thụ điện toàn quốc giai đoạn 2016-2030 là 11,4%, 8,3% và 7,3% tương ứng với các giai đoạn 2016-2019; 2021-2025 và 2026-2030. Để đáp ứng nhu cầu điện, tổng nhu cầu vốn đầu tư cho toàn ngành điện trong giai đoạn 2011-2030 ước tính khoảng 123,8 tỷ USD.

Ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội năng lượng Việt Nam đã cho biết như vậy tại hội thảo khoa học "Vốn đầu tư cho các dự án điện của đất nước và những vấn đề cấp bách" diễn ra sáng 13/12.

Tại hội thảo, các chuyên gia và nhà khoa học đã thảo luận và đánh giá cụ thể về khả năng, hiệu quả cùng những hạn chế, tồn tại, vướng mắc trong việc huy động và sử dụng nguồn vốn đầu tư trong các công trình điện hiện nay.

“Đến nay việc triển khai các dự án còn rất chậm. Nguyên nhân chủ yếu là tình trạng thiếu vốn trầm trọng trong từng dự án, một số dự án chưa rõ nguồn vốn”, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Năng luợng – Bộ Công thương khẳng định.

Ông Dương Quang Thành, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết: Thời gian qua, EVN đã nỗ lực và tập trung mọi nguồn lực trong công tác thi công xây dựng các dự án điện. Về vốn, EVN rất tích cực và chủ động tìm kiếm, đàm phán với các ngân hàng, các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước để huy động các nguồn vốn, đảm bảo đáp ứng nhu cầu đầu tư các dự án điện. Nhìn chung, các dự án điện do tập đoàn đầu tư cơ bản đáp ứng tiến độ đề ra, đảm bảo cung ứng đủ điện cho nhu cầu sản xuất, sinh hoạt.

Tuy nhiên, do tổng nhu cầu đầu tư các công trình điện rất lớn, nên EVN đã gặp không ít khó khăn. Các ngân hàng đã ngừng giải ngân làm cho các dự án thiếu vốn đầu tư nghiêm trọng. Năm 2014 và các năm tiếp theo, EVN nhận định vẫn còn rất nhiều khó khăn trong việc huy động vốn để đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư theo Qui hoạch điện VII, đặc biệt đối với các dự án nguồn điện đảm bảo cấp điện cho miền Nam từ nay đến năm 2020.

Chình vì vậy, theo ông Thành, để huy động được nguồn vốn đáp ứng đủ cho các dự án điện cần một số giải pháp như: Thực hiện lộ trình điều chỉnh giá điện theo cơ chế thị trường nhằm đảm bảo cho EVN cân bằng được tài chính, bổ sung cho nguồn vốn đầu tư. Đồng thời sẽ khuyến khích được các thành phần kinh tế khác trong nước và ngoài nước tham gia đầu tư các dự án nguồn điện. Tiếp tục ưu tiên nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, vốn ODA cho các dự án điện và thực hiện bảo lãnh cho các hợp đồng vay vốn nước ngoài của EVN và các đơn vị thành viên. Cho phép các ngân hàng thương mại cho EVN vay vốn mà không bị giới hạn tỷ lệ 15% vốn tự có đối với một khách hàng và 25% vốn tự có đối với nhóm khách hàng và các dự án điện được vay vốn tín dụng ưu đãi…

Để góp phần tháo gỡ khó khăn trong việc huy động vốn của các dự án điện, ông Cát Quang Dương, Vụ Tín dụng - Ngân hàng Nhà nước đề xuất một số giải pháp như: Rà soát, đánh giá lại quy hoạch điện, cân đối tiến độ đầu tư của dự án, tránh đầu tư dàn trải, dừng các dự án công trình điện không hiệu quả. Việc lựa chọn chủ đầu tư phải được đánh giá một cách kỹ lưỡng, chỉ giao các dự án điện cho các chủ đầu tư thực sự có năng lực tài chính và kinh nghiệm đầu tư xây dựng quản lý trong lĩnh vực điện năng…

“Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp, tháo gỡ các khó khăn trong việc cho vay của các ngân hàng đối với các dự án ngành điện. Ngân hàng sẽ tiếp tục đồng hành thu xếp vốn cho các dự án điện trong tất cả các khâu từ sản xuất, truyền tải và phân phối điện. Đặc biệt là các dự án điện cấp bách, quan trọng quốc gia, các dự án sử dụng nguồn năng lượng sạch như điện gió, điện mặt trời...”, ông Dương khẳng định./.

Tố Uyên

Tố Uyên

© Thời báo Tài chính Việt Nam