Nhân rộng mô hình sản xuất điện bằng rác thải

09:16 | 12/12/2013 Print
Xử lý rác thải kết hợp với phát điện, công nghệ mới này vừa bảo vệ môi trường lại giải quyết được bài toán thiếu hụt năng lượng. Vì thế, Bộ Công thương đang tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách để nhân rộng mô hình này.

Rác thải - nguồn năng lượng dồi dào

Ông Lê Anh Tùng - Chủ tịch HĐQT Cty Ecotech Việt Nam (đơn vị hoạt động trong lĩnh vực công nghệ môi trường) cho biết, rác là nguồn năng lượng sẵn có, có thể cung cấp cho hệ thống điện quốc gia một nguồn điện rất lớn, tới hàng nghìn MW mỗi năm.

Theo tính toán của ông Tùng, trong giai đoạn 2015 - 2020, với lượng rác trung bình thải ra của Hà Nội là từ 7.000 - 8.000 tấn/ngày, TP.Hồ Chí Minh 10.000 - 12.000 tấn/ngày, Hải Phòng và Đồng Nai khoảng 5.000 - 6.000 tấn/ngày… với lượng rác thải này có thể cung cấp nhiên liệu ổn định cho các nhà máy rác công suất 500 tấn/ngày, tương đương sản lượng gần 350 MW điện.

Nhân rộng mô hình sản xuất điện bằng rác thải
Thứ trưởng Bộ Công thương Lê Dương Quang. Ảnh: MN.

Thứ trưởng Bộ Công thương Lê Dương Quang cho biết, trong quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều vấn đề lớn, đó là tình trạng thiếu hụt năng lượng, vấn đề bảo vệ môi trường, nhất là việc xử lý chất thải (trong đó có chất thải rắn), rác thải đang trở nên rất bức thiết.

“Xuất phát từ tính bức thiết như vậy, cho nên Bộ Công thương đã nghiên cứu và chuẩn bị trình Thủ tướng Chính phủ cơ chế đối với các dự án điện dùng rác thải”, Thứ trưởng Quang cho biết.

Hiện nay, công nghệ này đã được áp dụng ở Việt Nam. Đó là nhà máy xử lý rác thải và phát điện Gò Cát (quận Bình Tân, TP.Hồ Chính Minh). Nhà máy này được xây dựng năm 2006, do Cty Môi trường Đô thị thành phố làm chủ đầu tư với công suất 2,4 MW.

Một nhà máy khác đang được xây dựng, đó là nhà máy xử lý rác thải Nam Sơn (Sóc Sơn, Hà Nội). Dự án này áp dụng công nghệ lò đốt của Nhật Bản để sử dụng nguyên liệu chất thải biến thành điện năng, công suất xử lý 75 tấn/ngày, công suất phát điện là 1.930 kW, khởi công 19/9/2013, dự kiến hoàn thành cuối năm 2014.

Thận trọng lựa chọn nhà thầu

Theo Quy hoạch phát triển Điện lực Quốc gia giai đoạn 2011 - 2020, có xét đến năm 2030 (Quy hoạch điện VII), thì từ nay đến năm 2015 nhu cầu điện khoảng 194 - 210 tỷ kWh, năm 2020 khoảng 330 - 362 tỷ kWh, năm 2030 khoảng 695 - 834 tỷ kWh.

Quy hoạch điện VII cũng chỉ rõ, việc quy hoạch phát triển nguồn điện phải sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên năng lượng trong nước, đa dạng hóa các nguồn năng lượng sơ cấp cho sản xuất điện, bảo tồn nhiên liệu và đảm bảo an ninh năng lượng cho tương lai.

Công nghệ xử lý rác thải kết hợp với phát điện dù đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng, nhưng đối với Việt Nam là rất mới, vì thế, việc lựa chọn nhà thầu phải hết sức thận trọng.

“Công nghệ xử lý rác thải kết hợp với phát điện là lĩnh vực hết sức mới mẻ, vì thế Bộ Công thương cũng đã nghiên cứu một cách rất nghiêm túc về vấn đề này, thông qua việc tìm hiểu công nghệ cũng như thực tế hoạt động của các nhà máy đang hoạt động trên thế giới. Từ đó có những lựa chọn nhà thầu thích hợp, làm sao để nhà máy khi đi vào hoạt động có hiệu quả cao nhất”, Thứ trưởng Quang nói.

Ông Lê Anh Tùng cho biết, hiện nay có nhiều công ty của nước ngoài, chuyên hoạt động trong lĩnh vực xử lý rác thải kết hợp với phát điện đang muốn tìm hiểu, đầu tư vào Việt Nam. Điển hình như Cty Malakoff (Malaysia), Cty Oschatz, Sumitumo, Eurec của CHLB Đức. Nếu được triển khai sẽ góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và làm sạch môi trường.

“Cũng như nhiều nhà đầu tư khác, nhóm các nhà đầu tư Malakoff, Oschatz, Sumitumo, Eurec của CHLB Đức rất quan tâm đến chính sách cũng như các quy định của Chính phủ Việt Nam đối với hoạt động này. Nếu các nhà máy xử lý rác thải kết hợp với phát điện được triển khai, chắc chắn sẽ góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và bảo vệ môi trường”, ông Tùng nói.

Cũng theo ông Tùng, mô hình sản xuất điện từ rác đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng, trong đó phải kể đến Đan Mạch (có 30 nhà máy, sử dụng 3,5 triệu tấn rác/năm, sản xuất khoảng 5% nhu cầu quốc gia về điện). Các nước Châu Phi cũng khá thành công trong việc sản xuất điện sinh hoạt từ rác thải./.

Nhật Minh

Nhật Minh

© Thời báo Tài chính Việt Nam