Tái cơ cấu DNNN: Hiến kế 10 giải pháp

12:04 | 09/12/2013 Print
Bàn về cơ hội và thách thức phục hồi tăng trưởng và tái cơ cấu kinh tế, ông Hồ Sỹ Hùng - Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất 10 giải pháp nhằm tạo bước đột phá, biến đổi về chất, mang lại hiệu quả cao đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của DNNN.

Trong quá trình triển khai Đề án tái cơ cấu, nhiều tập đoàn, tổng công ty còn lúng túng khi áp dụng các quy định, cơ chế chính sách liên quan. Ảnh minh họa.

Ông Hùng cho biết, để đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu DN, bên cạnh sự chủ động của các tập đoàn, tổng công ty trong triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu đã được phê duyệt, thì Nhà nước cần hoàn chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách phù hợp trên cơ sở đối thoại, lắng nghe DN.

Ông Hùng đưa ra 10 giải pháp cho vấn đề này:

Thứ nhất, việc tái cơ cấu DNNN phải có nguồn lực hỗ trợ, xuất phát từ mục tiêu cụ thể của từng DN chứ không đi theo kế hoạch chung.

Nên chọn một vài tập đoàn, tổng công ty để tập trung thực hiện và hỗ trợ tái cơ cấu theo từng tình huống cụ thể của DN. Sau đó, mới tái cơ cấu DNNN trên diện rộng.

Buộc các tập đoàn, tổng công ty công bố thông tin kịp thời như các DN niêm yết: báo cáo tài chính đã kiểm toán, quyết định và nghị quyết của các chủ sở hữu, danh mục và tiến độ các dự án đầu tư, các giao dịch lớn, khoản vay lớn…

Ông Hồ Sỹ Hùng

Thứ hai, thực hiện phân loại, xác định danh mục ngành nghề kinh doanh chính của DNNN để công bố công khai danh sách DN phải cổ phần hóa, thoái vốn theo từng thời điểm, tình huống cụ thể và phù hợp với lợi ích của DN, Nhà nước và xã hội.

Thứ ba, có chính sách, quy định pháp lý phù hợp trong chuyển nhượng dự án, quyền sử dụng đất, bán tài sản… Không nhất thiết phải theo con đường duy nhất là cổ phần hóa.

Thứ tư, buộc các tập đoàn, tổng công ty công bố thông tin kịp thời như các DN niêm yết: báo cáo tài chính nửa năm, 1 năm đã kiểm toán, quyết định và nghị quyết của các chủ sở hữu, hội đồng quản trị, danh mục và tiến độ các dự án đầu tư, đang triển khai, các giao dịch lớn, khoản vay lớn…

Thông tin chuẩn mực về tiền lương, thưởng, thông tin về sắp xếp, đổi mới DN…

Thứ năm, điều chỉnh quy định về phương pháp tính giá trị và trách nhiệm của DN, của đơn vị tư vấn cổ phần hóa; bổ sung chế tài chặt chẽ hoặc có thêm sự giám sát, đánh giá việc xác định giá trị DN và thực hiện cổ phần hóa trong Nghị định 59/2011/NĐ-CP ngày 18/07/2011 của Chính phủ về chuyển DN 100% vốn Nhà nước thành công ty cổ phần.

Thứ sáu, xác định quyền sử dụng đất vào giá trị DN.

Thứ bảy, đối với các gói thầu tư vấn định giá có giá trị không quá 3 tỷ VND và không có từ 2 tổ chức tư vấn định giá tham gia trở lên, cơ quan có thẩm quyền quyết định phương án cổ phần hóa, chỉ định thầu, lựa chọn tổ chức tư vấn định giá.

Nếu gói thầu có giá trị trên 3 tỷ VND, DN cổ phần hóa phải tổ chức đấu thầu, việc quyết định phương án cổ phần hóa, lựa chọn tổ chức tư vấn định giá trên cơ sở kết quả đấu thầu.

Bổ sung chế tài kiểm tra, thanh tra việc tư vấn định giá kèm theo các biện pháp xử lý phù hợp.

Thứ tám, cho phép các tập đoàn, tổng công ty lựa chọn đơn vị sự nghiệp trong phương án cổ phần hóa.

Thứ chín, xây dựng cơ chế cụ thể để DN có thể sử dụng nguồn lực từ chính DN xử lý vấn đề phát sinh khi tái cơ cấu.

Thúc đẩy và tạo cơ chế hợp lý để DN tiếp cận nguồn tín dụng hỗ trợ tái cơ cấu nợ, thực hiện các dự án đầu tư ứng dụng công nghệ mới, phục vụ cho ngành nghề kinh doanh chính.

Thứ mười, tạo điều kiện cho các tập đoàn, tổng công ty chuyển chủ nợ khi sáp nhập, chia tách DN theo Đề án tái cơ cấu, được đầu tư tăng tỷ lệ vốn góp vào các công ty cổ phần thuộc ngành nghề kinh doanh chính để đạt tỷ lệ vốn nắm giữ theo quy định tại Quyết định số 929/QĐ-TTg./.

Hà Anh

Hà Anh

© Thời báo Tài chính Việt Nam