Xuất khẩu sang Hàn Quốc: Cách nào hiệu quả?

11:08 | 25/11/2013 Print
Tổng Giám đốc một công ty chế biến thực phẩm xuất khẩu có vùng nguyên liệu và nhà máy chế biến tại Bắc Giang cho rằng, muốn xuất khẩu được sang thị trường Hàn Quốc, doanh nghiệp Việt Nam cần đảm bảo chất lượng sản phẩm từ khâu gieo trồng đến khâu sơ chế, chế biến… Phải kiên trì, nhẫn nại làm hài lòng khách hàng.

Doanh nghiệp Hàn Quốc cần những thông tin thật cụ thể của doanh nghiệp Việt Nam.

Tại buổi giao thương giữa doanh nghiệp nông sản, thực phẩm của Việt Nam với đối tác Hàn Quốc diễn ra chiều 21/11, nhiều doanh nghiệp đã rút ra được những kinh nghiệm quý báu khi muốn thâm nhập vào thị trường này.

Lấy lượng bù giá

Ông Phan Văn Thường - Tổng Giám đốc Công ty CP Chế biến thực phẩm xuất khẩu G.O.C có vùng nguyên liệu và nhà máy chế biến tại Bắc Giang cho rằng, muốn xuất khẩu được sang thị trường Hàn Quốc, doanh nghiệp Việt Nam cần đảm bảo chất lượng sản phẩm từ khâu gieo trồng đến khâu sơ chế, chế biến,… Phải kiên trì, nhẫn nại làm hài lòng khách hàng từ đầu đến cuối.

Hiện nay, G.O.C đang xuất khẩu sang Hàn Quốc khoảng 5-6 triệu USD/năm, chiếm 40% tổng tỷ trọng xuất khẩu sang các thị trường Nhật, Canada, Mỹ, Australia, Thụy Sĩ, Anh, Pháp, Đan Mạch, Nga, Nam Phi, Isarel… Mỗi năm, tổng sản lượng xuất khẩu khoảng 1.000 container, tương đương 20.000 tấn.

Ông Thường chia sẻ, trong quá trình làm việc với đối tác Hàn Quốc, cần thường xuyên trao đổi thông tin về những điều kiện, tiêu chuẩn của họ khi họ nhập hàng bởi phía Hàn Quốc thường xuyên đánh giá hàng hóa đủ tiêu chuẩn mới nhập.

“Càng những khách hàng khó tính thì càng dễ làm. Bởi như vậy, khi được làm hài lòng đối tác sẽ không bỏ được mình. Người ta càng đòi hỏi cao, đòi hỏi tốt thì càng tốt cho mình” - ông Thường cho biết.

Tuy nhiên, ông Thường cũng khuyến nghị các doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc cần chủ động quy trình sản xuất, từ đất, nước, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… phải được phân tích, kiểm soát kỹ lưỡng, đạt đúng tiêu chuẩn đối tác đưa ra.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần phấn đấu xuất được số lượng hàng hóa càng nhiều càng tốt cho đối tác, để bù lại với phần giá thành họ thường không trả cao so với các thị trường khác. “Nếu không phấn đấu xuất hàng nhiều về số lượng thì không ổn” - ông Thường cho hay.

Càng cụ thể càng có lợi

Tại buổi giao thương giữa doanh nghiệp Hàn Quốc và Việt Nam diễn ra chiều ngày 21/11, các nhà nhập khẩu nông sản Hàn Quốc không những muốn xem tận mắt sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam, mà họ còn muốn tận mắt thấy được vùng nguyên liệu, nhà xưởng, máy móc, thiết bị cũng như quy trình sản xuất của doanh nghiệp sau khi đã có những thông tin sơ bộ ban đầu.

Sau khi tiếp cận và trao đổi sơ bộ với bà Nguyễn Phương Dung - Giám đốc Công ty TNHH Thành Phương - Công ty chuyên sản xuất và phân phối các sản phẩm rau, củ quả có trụ sở tại Long Biên, Hà Nội, ông Nam Hyung Kim - Trưởng nhóm đại diện phía Công ty Pulmuone, Hàn Quốc yêu cầu được thăm vùng nguyên liệu và cơ sở sản xuất của Thành Phương. Đồng thời muốn phía doanh nghiệp Việt Nam cung cấp những tài liệu bằng tiếng Anh một cách chi tiết nhất và gửi qua email, tên và khối lượng sản phẩm hàng hóa trước đây Thành Phương đã giao dịch với đối tác Hàn Quốc…

Còn ông Ho Yeon Lee - Giám đốc marketting của công ty CJ Cheiljedang, một doanh nghiệp chuyên về hàng nông sản chế biến cho biết, công ty sẽ tổng kết điều tra thị trường, trong đó tập hợp tất cả các doanh nghiệp Việt Nam đã gặp và trao đổi cụ thể để so sánh mức độ cung ứng sản phẩm giữa các công ty.

“Chúng tôi sẽ ưu tiên những công ty lớn hơn để liên lạc lại, sau đó bộ phận nghiên cứu thị trường của công ty sẽ liên lạc trực tiếp với phía đối tác Việt Nam để tìm hiểu khả năng liên kết của doanh nghiệp đến mức nào” - ông Lee cho hay.

Qua cách thức tiếp cận của các nhà nhập khẩu Hàng Quốc cho thấy, các doanh nghiệp Việt Nam cần tận dụng thật tốt cơ hội khi doanh nghiệp Hàn Quốc chủ động giao thương và trực tiếp nghiên cứu, đánh giá sản phẩm cần nhập khẩu./.

Hà Anh

Hà Anh

© Thời báo Tài chính Việt Nam