Muốn cứu doanh nghiệp phải tạo ra thị trường

16:13 | 06/11/2013 Print
Chúng ta vẫn cho rằng, vốn là khó khăn lớn nhất mà DN đang phải đối mặt và tìm kiếm những giải pháp giúp tiếp cận được dòng vốn từ ngân hàng. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất hiện nay lại là làm thế nào để tạo ra được thị trường cho DN.

Ngân hàng- doanh nghiệp: Giải pháp vốn luẩn quẩn

Có chuyên gia kinh tế cho rằng: hiện nay, ngân hàng hoàn toàn đủ khả năng hỗ trợ cho DN trong giai đoạn khó khăn.Tuy nhiên vấn đề là hỗ trợ như thế nào? Hỗ trợ đến đâu? Hỗ trợ với những điều kiện gì?

"Bản thân ngân hàng cũng là DN, nếu họ không thấy "chắc ăn" thì họ sẽ không giải ngân, không ai muốn mình bị mắc kẹt trong hoàn cảnh khủng hoảng như thế này', ông Lê Văn Lợi - Viện trưởng Viện tin học doanh nghiệp (VCCI) nhận định.

Muốn cứu doanh nghiệp phải tạo ra thị trường
Không có thị trường, hỗ trợ vốn chỉ là "muối bỏ bể". Ảnh: T.L

Việc hỗ trợ vốn cho DN của ngân hàng đang bị luẩn quẩn ở chỗ, ngân hàng thì rất muốn cho vay, nhưng DN phải chứng minh được năng lực của mình. Tức là, trong hoàn cảnh khó khăn như hiện nay, DN buộc phải cho ngân hàng thấy, việc sản xuất là khả thi và tiềm năng ở đầu ra cũng như khả năng thu hồi vốn cao. Nếu không chứng minh được thì DN phải có tài sản thế chấp.

Muốn cứu doanh nghiệp phải tạo ra thị trường
Gốc then chốt là phải tạo ra được thị trường. Sự sống còn của các doanh nghiệp chính là thị trường. Ông Lê Văn Lợi

Còn về phía DN, năng lực tài chính của họ tương đối yếu, đặc biệt là những DN vừa và nhỏ. Trong khi đầu ra của hàng hóa đang gặp nhiều khó khăn như hiện nay, nếu ngân hàng chỉ tiến hành đánh giá chung chung thì sẽ không tin tưởng vào DN. Khi ngân hàng tiếp tục cho DN vay đồng nghĩa với việc ngân hàng phải đối mặt với nỗi lo sợ nợ xấu tăng lên.

Không có thị trường, hỗ trợ vốn chỉ là "muối bỏ bể"

Làm thế nào để tháo gỡ nút thắt trong mối quan hệ giữa ngân hàng và DN, hài hoà lợi ích của cả hai bên nhằm giúp DN có thể tiếp cận nguồn vốn. Câu trả lời là có tạo ra được thị trường cho DN không?

"Gốc then chốt là phải tạo ra được thị trường. Sự sống còn của các DN chính là thị trường. Nếu không có thị trường mà vẫn vay vốn để kinh doanh, sản xuất...thì sẽ làm cho DN bế tắc thêm", ông Lợi nhấn mạnh.

"Chính phủ cần có cơ chế để tạo ra thị trường. Nếu không có thị trường thì mọi sự hỗ trợ vốn đều chỉ là muối bỏ bể. Bởi DN không có thị trường, họ sản xuất cũng không tiêu thụ được. Chính vì vậy, trong quá trình giúp DN vượt qua khó khăn và khủng hoảng như hiện nay, thì hỗ trợ về vốn chỉ là bước thứ hai", ông Lợi cho biết thêm.

Tạo ra thị trường cho DN bằng dự án của Chính phủ

Muốn tạo ra thị trường thì Chính phủ phải tạo ra dự án, dự án chính là thị trường. Ví dụ như trong ngành giao thông vận tải thì có thể tạo ra những dự án làm đường. Khi đó, DN về sắt, thép xi măng sẽ đi theo dự án đó để cùng phát triển,ông Lợi chia sẻ.

Cũng theo ông Lợi, nếu tạo ra thị trường để DN hoạt đông tốt, người lao động có công ăn việc làm và có đầu ra cho sản phẩm hàng hóa. Khi đó, mới cần có bước thứ hai là hỗ trợ vốn. Và vào thời điểm này, ngân hàng cũng có đủ cơ sở để không còn e ngại cho vay. Từ cách làm đó, DN sẽ sống và phát triển theo guồng dự án.

Hiện nay ở Việt Nam chỉ có Nhà nước, Chính phủ mới có đủ khả năng tạo ra thị trường. Các DN, thậm chí là đại DN phần lớn chỉ là DN dịch vụ. Việt Nam chưa có nhiều DN sản xuất . Bên cạnh đó, tuy có số lượng lớn DN xuất khẩu nhưng lại chủ yếu là xuất khẩu thô. Vì vậy mà khả năng tạo ra thị trường của DN rất yếu trong khi DN sống nhờ vào thị trường trong nước là chính./.

Tố Uyên

Tố Uyên

© Thời báo Tài chính Việt Nam