Nghị định 151: Phát huy mô hình SCIC trong giai đoạn mới

13:09 | 04/11/2013 Print
Ngày 1/11/2013, Chính phủ ban hành Nghị định số 151/2013/NĐ-CP về chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của TCT Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC). Đây là cơ sở pháp lý quan trọng, tiếp tục khẳng định hướng đi của Đảng và Chính phủ để phát huy mô hình SCIC trong giai đoạn mới.

Cụ thể hóa mô hình SCIC

Nghị định gồm có 5 chương, 39 điều, qui định đầy đủ về chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của SCIC dưới hình thức công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Chức năng, nhiệm vụ của SCIC được thể hiện cụ thể tại Điều 4, với 8 qui định cụ thể và 1 qui định chung là thực hiện “các nhiệm vụ khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, SCIC tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước tại các doanh nghiệp; Thực hiện quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu đối với doanh nghiệp và phần vốn do Tổng công ty tiếp nhận và trực tiếp đầu tư; Tiếp tục thực hiện các hoạt động sắp xếp, cổ phần hóa, bán vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp được chuyển giao theo quy định hiện hành; Đầu tư vốn vào các tập đoàn, tổng công ty, hoặc công ty mẹ hoạt động trong lĩnh vực, ngành nghề nhà nước nắm giữ quyền chi phối; Đầu tư vốn vào các dự án theo chỉ định của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ; Đầu tư và kinh doanh vốn vào ngành, lĩnh vực, dự án đem lại hiệu quả kinh tế theo quy định của pháp luật; Cung cấp các dịch vụ tư vấn đầu tư, tư vấn tài chính, tư vấn cổ phần hóa, tư vấn quản trị doanh nghiệp, tư vấn chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp, tư vấn mua bán sáp nhập doanh nghiệp, các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp khác theo quy định của pháp luật; Thực hiện một số nhiệm vụ liên quan đến Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.

Nghị định cũng qui định cụ thể về quyền và nghĩa vụ của SCIC. Theo đó, SCIC có nghĩa vụ quản lý, sử dụng có hiệu quả, bảo toàn và phát triển vốn Nhà nước đầu tư và vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp được giao quản lý; Báo cáo Bộ Tài chính thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tổng thể sắp xếp, đổi mới các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên 100% vốn nhà nước được giao quản lý…

SCIC

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh trao Quyết định bổ nhiệm Chủ tịch HĐTV SCIC cho Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu.

Đáp ứng yêu cầu nhà đầu tư chuyên nghiệp của chính phủ

Nghị định cho phép SCIC được lựa chọn và quyết định lĩnh vực, hình thức đầu tư và kinh doanh vốn theo nguyên tắc thị trường, bảo đảm hiệu quả, khả năng sinh lời và phù hợp với quy định của pháp luật; Góp vốn, tài sản với các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước để liên doanh, liên kết bằng các hình thức: Mua một phần hoặc toàn bộ công ty khác, đầu tư thành lập doanh nghiệp mới, ký hợp đồng hợp tác kinh doanh; các hình thức khác theo quy định của pháp luật.

SCIC cũng được quyền chủ động quyết định đầu tư thêm vốn, bán vốn tại các doanh nghiệp nhận chuyển giao từ các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo quy định của pháp luật hiện hành; chủ động lựa chọn các hình thức bán vốn mà Tổng công ty đã tiếp nhận hoặc đầu tư tại các doanh nghiệp theo quy định của Nghị định này và Điều lệ của Tổng công ty; được thỏa thuận mua lại cổ phần, vốn góp đã bán cho nhà đầu tư để đảm bảo các quyền và lợi ích của Nhà nước;

Nhận ủy thác các nguồn vốn đầu tư từ Nhà nước và các tổ chức, cá nhân trong, ngoài nước; được thành lập, tham gia góp vốn thành lập công ty con, công ty liên kết (bao gồm cả các công ty quản lý quỹ, quỹ đầu tư); thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện và các đơn vị trực thuộc trong và ngoài nước sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Theo Nghị định, SCIC có thể góp vốn, tài sản với các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước để liên doanh, liên kết bằng các hình thức: Mua một phần hoặc toàn bộ công ty khác, đầu tư thành lập doanh nghiệp mới, ký hợp đồng hợp tác kinh doanh; các hình thức khác theo quy định của pháp luật.

Quy định rõ về doanh thu, lợi nhuận của SCIC

Tại Chương 3, Nghị định đưa ra các qui định về tài chính của SCIC. Theo đó, doanh thu của SCIC được xác định rõ là gồm: Lợi nhuận, cổ tức được chia, tiền bán doanh nghiệp, tài sản, tiền bán cổ phần, vốn góp từ phần vốn mà Tổng công ty trực tiếp đầu tư; Lợi nhuận và cổ tức được chia từ phần vốn tiếp nhận; Tiền thu từ bán phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp tiếp nhận, kể cả tiền đặt cọc không phải trả lại cho nhà đầu tư; Thu từ hoạt động tài chính, dịch vụ và các khoản thu khác theo quy định của pháp luật.

Tại Điều 33, Nghị định qui định rõ: Lợi nhuận của SCIC thực hiện trong năm là kết quả kinh doanh của SCIC, bao gồm lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh chính và từ các hoạt động khác. Lợi nhuận của SCIC được xác định là khoản chênh lệch giữa tổng doanh thu trừ đi tổng các khoản chi phí theo quy định của pháp luật.

Về phân phối lợi nhuận, tại Điều 34 của Nghị định nêu rõ: Lợi nhuận của SCIC sau khi bù đắp lỗ năm trước theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, trích Quỹ phát triển khoa học và công nghệ theo quy định của pháp luật, nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, phần lợi nhuận còn lại được phân phối như sau: Chia lãi cho các thành viên góp vốn liên kết theo quy định của hợp đồng (nếu có); bù đắp khoản lỗ của các năm trước đã hết thời hạn được trừ vào lợi nhuận trước thuế thu nhập doanh nghiệp; trích lập các quỹ thưởng viên chức quản lý, quỹ khen thưởng, phúc lợi theo quy định…

SCIC
Ban Lãnh đạo SCIC nhận cờ Đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua năm 2012 của Chính phủ.

Cụ thể hơn, Nghị định cũng cho phép: trích lập quỹ thưởng thành tích bán vốn bằng 10% chênh lệch giữa tổng tiền thu bán vốn tiếp nhận trong năm với giá được xác định lại theo quy định, chi phí bán và thuế thu nhập doanh nghiệp nhưng không quá 3 tháng lương thực hiện.

Theo qui định của Nghị định này, Chính phủ là cơ quan ban hành Điều lệ, sửa đổi và bổ sung Điều lệ của Tổng công ty; Thủ tướng Chính phủ sẽ quyết định thành lập, mục tiêu, nhiệm vụ và ngành, nghề kinh doanh; tổ chức lại, chuyển đổi sở hữu, giải thể và yêu cầu phá sản…, quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, từ chức, khen thưởng, kỷ luật Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Tổng công ty…

Bộ Tài chính có trách nhiệm đề nghị Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, mục tiêu, nhiệm vụ và ngành, nghề kinh doanh; Đề nghị Thủ tướng Chính phủ quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, từ chức, khen thưởng, kỷ luật Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Tổng công ty...

Như vậy, sau hơn 8 năm ra đời và phát triển theo Quyết định thành lập số 151/2005/QĐ-TTg ngày 20/6/2005 của Thủ tướng Chính phủ, SCIC đã trở thành một mô hình quản lý, đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo một cách thức hoàn toàn mới, chưa có tiền lệ trên thế giới.

Nghị định số 151/2013/NĐ-CP với 39 điều qui định xuyên suốt đã tạo một hành lang pháp lý toàn diện và đầy đủ, giúp SCIC phát huy hiệu quả vai trò là một nhà đầu tư chuyên nghiệp của Chính phủ. Đồng thời cũng khẳng định khẳng định hướng đi của Đảng và Chính phủ về việc quản lý, đầu và kinh doanh vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời kỳ mới./.

Mai An

Mai An

© Thời báo Tài chính Việt Nam