Đầu tư trực tiếp nước ngoài: Thu hút thế nào cho hiệu quả?

14:44 | 02/10/2013 Print
(TBTCVN) - PGS. TS. Phan Duy Minh – Trưởng khoa Tài chính Quốc tế, Học viện Tài chính nhấn mạnh: “Trong thời gian tới, Việt Nam cần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài theo hướng chọn lọc các dự án có chất lượng, có giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ hiện đại..."

Việt Nam cần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài theo hướng chọn lọc

* Là một chuyên gia nghiên cứu về lĩnh vực đầu tư nước ngoài, ông đánh giá ra sao về hiệu quả đầu tư lĩnh vực này trong thời gian qua?

- Tính đến tháng 6/2013, đã có 15.067 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký khoảng 218,8 tỷ USD, vốn thực hiện khoảng 106,3 tỷ USD. Đầu tư nước ngoài (ĐTNN) đã trở thành nguồn bổ sung quan trọng cho tổng vốn đầu tư xã hội (chiếm khoảng 23,3% tổng vốn đầu tư xã hội năm 2012).

Nguồn vốn này đã góp phần tăng năng lực sản xuất của một số ngành, đổi mới công nghệ, nâng cao trình độ quản lý kinh tế, quản trị doanh nghiệp, gia tăng kim ngạch xuất khẩu (chiếm khoảng 64% tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2012) và thay đổi cơ cấu mặt hàng xuất khẩu, cải thiện cán cân thanh toán quốc tế, đóng góp ngân sách (khoảng 3,7 tỷ USD năm 2012), phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo việc làm (trên 2 triệu lao động trực tiếp, từ 3-4 triệu lao động gián tiếp...)...

Cần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về thu hút ĐTNN theo hướng chọn lọc các dự án có chất lượng, có giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường...

PGS.TS. Phan Duy Minh - Trưởng Khoa Tài chính Quốc tế, Học viện Tài chính

Có thể nói ĐTNN thời gian qua đã có tác động lan tỏa đến các khu vực khác của nền kinh tế; khơi dậy nguồn lực đầu tư trong nước, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cải cách doanh nghiệp nhà nước, đổi mới thủ tục hành chính, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế.

Thông qua hợp tác đầu tư từ nước ngoài, Việt Nam đã tăng cường mối quan hệ chính trị, đối ngoại, phát triển quan hệ hữu nghị với nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ, đối tác trên thế giới.

Tuy nhiên, thu hút ĐTNN thời gian qua chưa đạt được một số mục tiêu kỳ vọng về thu hút công nghệ cao, công nghệ nguồn, công nghiệp hỗ trợ, đầu tư phát triển hạ tầng và chuyển giao công nghệ.

Chất lượng của dự án ĐTNN nhìn chung chưa cao, giá trị gia tăng thấp, chủ yếu là quy mô vừa và nhỏ, sự tham gia đầu tư theo chuỗi sản xuất của các tập đoàn xuyên quốc gia còn hạn chế; một số doanh nghiệp ĐTNN sử dụng công nghệ lạc hậu; gây ô nhiễm môi trường; một số doanh nghiệp ĐTNN có biểu hiện sử dụng phương thức chuyển giá để trốn thuế, gây thất thu ngân sách; không đảm bảo quyền lợi chính đáng của người lao động...

* Theo ông nguyên nhân nào đã dẫn đến những hạn chế nêu trên?

- Nguyên nhân chủ yếu là do hệ thống pháp luật, chính sách còn nhiều quy định chưa đồng bộ, chồng chéo, thiếu nhất quán. Việt Nam cũng chưa chủ động và chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết để đảm bảo cho ĐTNN vận hành một cách có hiệu quả như: Kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực, hệ thống doanh nghiệp trong nước, quy hoạch, rào cản kỹ thuật hợp lý...

Việc thẩm tra, cấp giấy chứng nhận đầu tư trong một số trường hợp còn thiếu chặt chẽ, chưa tuân thủ đầy đủ quy hoạch và khả năng đáp ứng của hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội... Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc triển khai dự án ĐTNN thiếu thường xuyên, chưa thực sự hiệu quả.

Phương thức xúc tiến đầu tư chậm được đổi mới, hoạt động xúc tiến đầu tư từ Trung ương tới địa phương chưa có sự điều phối thống nhất, chặt chẽ, kém hiệu quả. Hình thức xúc tiến đầu tư tại chỗ thông qua việc hỗ trợ cho các dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư triển khai một cách thuận lợi, nhưng chưa được chú trọng đúng mức. Môi trường đầu tư của Việt Nam đã bộc lộ một số hạn chế, làm cho tính cạnh tranh môi trường đầu tư Việt Nam giảm so với nhiều nước trong khu vực.

* Trước tình trạng trên, để phù hợp với tình hình mới, nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của môi trường đầu tư Việt Nam, thời gian tới, đầu tư nước ngoài cần theo định hướng như thế nào?

- Theo tôi, cần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về thu hút ĐTNN theo hướng chọn lọc các dự án có chất lượng, có giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ thông tin và công nghệ sinh học phục vụ nông nghiệp; phát triển kết cấu hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu và phát triển dịch vụ hiện đại...

Đồng thời, tăng cường thu hút các dự án quy mô lớn, sản phẩm có tính cạnh tranh cao, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn xuyên quốc gia; từ đó xây dựng, phát triển hệ thống các ngành, doanh nghiệp phụ trợ; khuyến khích các dự án công nghiệp chuyển dần từ gia công sang sản xuất; lựa chọn các nhà đầu tư lớn, có uy tín đầu tư phát triển thị trường tài chính; chú trọng đến các dự án có quy mô vừa và nhỏ phù hợp với từng ngành kinh tế, từng địa phương.

Ngoài ra, cần khuyến khích, tạo điều kiện và tăng cường sự liên kết giữa các doanh nghiệp ĐTNN với nhau và với các doanh nghiệp trong nước.

Đặc biệt, cần quy hoạch thu hút ĐTNN theo ngành, lĩnh vực, đối tác, phù hợp với lợi thế của từng vùng, phù hợp với quy hoạch chung, đảm bảo lợi ích tổng thể quốc gia và tái cấu trúc nền kinh tế theo mô hình tăng trưởng mới./.

* Xin cảm ơn ông!

Hồng Sâm

Hồng Sâm

© Thời báo Tài chính Việt Nam