Doanh nghiệp xăng dầu đầu mối chỉ được tăng giá tối đa 5%

08:10 | 01/10/2013 Print
Giá cơ sở giảm 5% so với giá bán lẻ hiện hành thì thương nhân đầu mối phải giảm giá tương ứng; thời gian tối thiểu giữa hai lần tăng giá là 10 ngày, trường hợp giảm giá tối đa là 10 ngày… đó là những điểm mới trong Nghị định kinh doanh xăng dầu vừa được Bộ Công thương trình Chính phủ.

Theo quy định mới, giá bán lẻ xăng dầu sẽ được điều chỉnh linh hoạt hơn. Ảnh: MN.

Tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Công thương diễn ra chiều 30/9, ông Nguyễn Xuân Chiến, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho biết, dự thảo Nghị định mới thay thế Nghị định 84/2009/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu đã hoàn tất và trình Chính phủ ban hành.

Nghị định mới này có 4 chương, 5 điều với nhiều điểm mới, được Ban soạn thảo điều chỉnh theo hướng đưa hoạt động kinh doanh xăng dầu gần với thị trường thế giới hơn và tăng tính cạnh tranh của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong nước.

Cụ thể, đối với trường hợp giảm giá, khi giá cơ sở giảm 5% so với giá bán lẻ hiện hành thì doanh nghiệp đầu mối phải giảm giá tương ứng. Trong trường hợp giá cơ sở giảm trên 5% so với giá bán lẻ hiện hành, sau khi cơ quan có thẩm quyền sử dụng các biện pháp tài chính như tăng thuế nhập khẩu, trích quỹ bình ổn giá… thì doanh nghiệp đầu mối tiếp tục phải giảm giá bán lẻ. Thời gian tối đa giữa hai lần giảm giá không quá 10 ngày.

Giá bán lẻ xăng dầu giữa các doanh nghiệp sẽ được điều chỉnh linh hoạt, có thể cùng một thời điểm, nhưng giá bán lẻ trên thị trường có sự khác nhau. Điều này sẽ góp phần tăng tính cạnh tranh, quyền lợi người tiêu dùng cũng được đảm bảo.

Đối với trường hợp tăng giá. Nghị định mới chỉ cho phép doanh nghiệp đầu mối tăng giá tối đa 5% (thay vì 7% như trước đây), đồng thời phải gửi phương án tính giá, quyết định điều chỉnh giá về cơ quan quản lý để giám sát.

Về quản lý chất lượng xăng dầu, ông Nguyễn Xuân Chiến cho biết, Nghị định mới quy định doanh nghiệp đầu mối chịu trách nhiệm giám sát đối với toàn hệ thống bán lẻ của mình. Đồng thời thông báo bằng văn bản cho cơ quan quản lý biết để kiểm tra, giám sát.

Để tránh tổng đại lý, đại lý lấy hàng từ nhiều doanh nghiệp đầu mối, Nghị định cũng quy định mỗi đại lý chỉ được ký hợp đồng mua hàng với một doanh nghiệp đầu mối. Đại lý bán lẻ chỉ được ký hợp đồng với một tổng đại lý, hoặc một doanh nghiệp đầu mối. Với quy định này, cơ quan quản lý sẽ dễ kiểm soát về nguồn gốc và chất lượng xăng dầu…

Trước ý kiến cho rằng, việc giao quyền chủ động điều chỉnh giá xăng dầu cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu sẽ dẫn tới tình trạng lạm dụng để tăng giá. Đại diện Bộ Công thương khẳng định sẽ không có chuyện đó. Việc điều chỉnh tăng, giảm giá bán lẻ xăng dầu vẫn chịu sự giám sát của cơ quan quản lý, doanh nghiệp không phải muốn làm gì thì làm.

Như vậy, với những điểm mới này trong Nghị định kinh doanh xăng dầu cho thấy, giá bán lẻ xăng dầu giữa các doanh nghiệp sẽ được điều chỉnh linh hoạt, có thể cùng một thời điểm, nhưng giá bán lẻ trên thị trường có sự khác nhau. Điều này sẽ góp phần tăng tính cạnh tranh, quyền lợi người tiêu dùng cũng được đảm bảo.

Nhật Minh

Nhật Minh

© Thời báo Tài chính Việt Nam