Lạm phát tăng nhưng vẫn trong vòng kiểm soát

08:42 | 05/09/2013 Print
Mặc dù lạm phát tháng 8 tăng vọt nhưng con số lạm phát từ nay đến cuối năm có thể vẫn duy trì dưới mức 8% so với cùng kỳ năm trước nhờ vào một hiệu ứng thích hợp và nhu cầu nội địa còn thấp.

Đây là nhận định từ báo cáo Kinh tế vĩ mô triển vọng thị trường Việt Nam tháng 8 của ngân hàng HSBC.

Lạm phát dưới 8%

Trong những năm gần đây, mức lạm phát cao ở Việt Nam đều xuất hiện trong tháng 8. Cụ thể như hai mức lạm phát đỉnh điểm trong thập niên qua đều xuất hiện trong tháng 8 là 23,8% năm 2008 và 23% năm 2011. Vì vậy, khi giá cả tiêu dùng tăng lên mức 7,5% trong tháng 8 thì những lo ngại về lạm phát tăng vọt lại xuất hiện.

Tuy nhiên theo nhận định của ngân hàng HSBC, con số lạm phát so sánh cùng kỳ năm ngoái có vẻ sẽ được duy trì dưới mức 8% từ nay cho đến cuối năm do nhu cầu nội địa yếu, cho dù chi phí giáo dục, chăm sóc sức khoẻ và năng lượng có khả năng tăng hơn trong tháng 9.

Lam phat
Lạm phát từ nay đến cuối năm có thể vẫn duy trì dưới mức 8%. Ảnh: Đ.T

Giá cả thực phẩm tăng nhẹ nhưng vẫn kiềm chế được. Chi phí dịch vụ tăng trong tháng 8 và sẽ còn tiếp tục tăng trong tháng 9 nhưng tác động của việc tăng chi phí dịch vụ sẽ dần dần được kiềm hãm sau tháng 9.

Theo báo cáo Kinh tế vĩ mô triển vọng thị trường Việt Nam tháng 8 của ngân hàng HSBC, sau tháng 9, áp lực lạm phát sẽ xuất phát từ việc chi phí vận chuyển tăng cao khi giá dầu mỏ có khả năng tăng mạnh trong vài tuần tới do những căng thẳng chính trị trên thế giới.

Bên cạnh đó, mặc dù lạm phát tháng 8 cao nhất kể từ tháng 5/2012 nhưng môi trường kinh tế vĩ mô của Việt Nam đã cải thiện kể từ năm 2011. Cán cân thương mại đều thặng dư trong năm 2012 và thâm hụt thương mại từ đầu năm đến nay đều nằm trong tầm quản lý được ở mức 577 triệu USD.

Thâm hụt thương mại giảm là kết quả của việc đầu tư trực tiếp nước ngoài ngành điện tử và sản xuất tăng cao sẽ thúc đẩy xuất khẩu và tăng trưởng nhập khẩu giảm do nhu cầu tiêu dùng thấp hơn.

Về vấn đề nợ xấu, câu hỏi đặt ra là liệu các nhà làm chính sách sẽ giải quyết vấn đề này như thế nào? Nhiều nỗ lực cải cách quan trọng vẫn đang trong quá trình thực hiện, bao gồm Nghị định 11, Quyết định 254 về cải tổ ngân hàng và Kế hoạch cải cách nền kinh tế trong giai đoạn 2013 đến 2020.

"Mặc dù việc thành lập công ty quản lý tài sản chưa được đánh giá cao về hiệu quả, nhưng Việt Nam đã ngày càng thể hiện cam kết đối với phát triển bền vững", HSBC nhận xét.

Cần những cải cách hơn nữa

Việt Nam đang thực hiện một quá trình cải cách để chấn chỉnh hoạt động đầu tư quá đà trong quá khứ. Nhu cầu tiêu dùng và đầu tư đều giảm. Về mặt tài chính, Chính phủ cũng đã cắt giảm bớt các hạng mục chi tiêu, đặc biệt là trong việc phát triển đầu tư. Tính từ đầu năm tới nay, tín dụng chỉ tăng 5,3%.

Lĩnh vực xuất khẩu được dòng vốn FDI hỗ trợ đang giúp sức cho nền kinh tế Việt Nam phát triển, đặc biệt là nguồn đầu tư từ các nhà đầu tư Nhật Bản. Điều này giúp cân bằng sự sụt giảm hoạt động đầu tư trong nước đồng thời hỗ trợ các điều kiện thị trường lao động.

Tỷ lệ nợ xấu giảm, tuy nhiên nếu nợ xấu vẫn chưa được giải quyết dứt điểm và nhu cầu tiêu thụ công và tư còn thấp thì tăng trưởng vẫn ở dưới mức khuynh hướng.

Theo HSBC, chính phủ Việt Nam đã đi một quãng đường dài để kéo nền kinh tế trở lại nhằm bảo đảm nền kinh tế phát triển bền vững, những cải cách hơn nữa là rất cần thiết để giúp nền kinh tế đạt được tiềm năng phát triển của mình./.

Hoàng Yến

Hoàng Yến

© Thời báo Tài chính Việt Nam