Phải có 50 tỷ đồng mới được làm môi giới xuất nhập khẩu

15:53 | 28/08/2013 Print
Dự thảo Thông tư quy định về phạm vi, điều kiện đối với thương nhân Việt Nam tham gia giao dịch mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa nước ngoài quy định: thương nhân phải có vốn pháp định tối thiểu 50 tỷ đồng trở lên mới đủ điều kiện làm môi giới.

Vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về Dự thảo Thông tư. Ảnh: MN.

Sáng nay (28/8) Bộ Công thương đã tổ chức Hội thảo “Đánh giá thực trạng và đề xuất, góp ý việc xây dựng, ban hành Thông tư quy định phạm vi, điều kiện đối với thương nhân Việt Nam tham gia giao dịch, mua bán qua Sở giao dịch hàng hóa nước ngoài”.

Theo Bộ Công thương, mục đích của việc ban hành Thông tư là nhằm hướng dẫn cụ thể, chi tiết Nghị định 185/2006/NĐ-CP về hướng dẫn Luật Thương mại và hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa nước ngoài. Qua đó hoàn thiện khung pháp lý đối với hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa nước ngoài (bên cạnh Sở giao dịch hàng hóa trong nước).

Ông Phạm Tuấn Long, Phó trưởng phòng, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, hoạt động mua bán trao đổi của các thương nhân Việt Nam với các đối tác nước ngoài ngày một tăng, đòi hỏi phải có hành lang pháp lý để phòng hộ, ngăn ngừa rủi ro, nhất là đối với các doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh xuất nhập khẩu các mặt hàng nông sản, nhiên liệu, kim loại… Do đó, việc ban hành Thông tư này là rất cần thiết.

Nhiều ý kiến tại hội thảo đồng tình với việc cần thiết phải có một hành lang pháp lý cho hoạt động thương mại. Tuy nhiên, còn có nhiều ý kiến khác nhau về nội dung Thông tư, thẩm quyền ban hành Thông tư.

Ông Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (Bộ Tài chính) cho rằng, với Thông tư quy định về điều kiện thì thẩm quyền ban hành phải là Chính phủ. Điều này đã được thể hiện trong Luật ban hành văn bản Quy phạm pháp luật. Hơn nữa, Thông tư liên quan rất nhiều đến các hoạt động của các Bộ ngành khác, do đó cần phải ở tầm Chính phủ mới bao quát được nhiều lĩnh vực, tránh chồng chéo.

Đối với quy định điều kiện khi thương nhân thực hiện dịch vụ môi giới trong Dự thảo Thông tư, ông Sơn đề nghị, ngoài quy định vốn pháp định tối thiểu 50 tỷ đồng như trong Dự thảo thì cần phải bổ sung một số điều kiện khác như: Phải có chứng chỉ hành nghề, phải tuân thủ bộ quy tắc nghề nghiệp cũng như quy ước của thị trường.

Đại diện khối doanh nghiệp, ông Trần Thanh Hải, Tổng Giám đốc Cty CP Kinh doanh và Đầu tư Vàng Việt Nam đã đề nghị sửa đổi, bổ sung nhiều quy định trong Thông tư. Cụ thể là đối với Điều 4 quy định về xuất nhập khẩu, ông Hải đề nghị phải bổ sung thêm điều kiện là “Thương nhân được phép bán khống theo tỷ lệ đã ký quỹ. Không bị hạn chế bởi Điều 34, Khoản 1 trong Nghị định 158/2006/NĐ-CP ban hành ngày 28/12/2006 về giao dịch không quá 50% khối lượng sản xuất trong năm trước đó”.

Theo ông Hải, sở dĩ phải bổ sung quy định trên vì trong thực tế, có những thương nhân họ ký quỹ nhưng không tham gia hoạt động mua bán. Do đó, họ có quyền chuyển nhượng đối với tài sản (tiền) của mình.

Với điều khoản thanh toán, ông Hải cho rằng Pháp lệnh Sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối còn hạn chế các giao dịch vãng lai (xuất-nhập). Do đó, việc chuyển tiền ký quỹ sẽ gặp không ít khó khăn, nhất là khi giao dịch trên các Sở Giao dịch hàng hóa nước ngoài là giao dịch thường xuyên, liên tục từng giờ từng phút. Trong Điều 5 của Thông tư chưa giải quyết được vấn đề này. Do đó cần phải nghiên cứu, đưa ra những quy định cụ thể hơn…/.

Nhật Minh

Nhật Minh

© Thời báo Tài chính Việt Nam