Doanh nghiệp da giày có đủ sức cạnh tranh?

08:59 | 27/07/2013 Print
Nếu nâng cao được tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm và giải quyết tốt bài toàn lao động, ngành da giầy, túi xách mới có thể nắm bắt được nhiều cơ hội khi Hiệp định thương mại tự do FTA với EU và Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương có hiệu lực.

Sức ép nâng cao tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm

Da giày và túi xách là một trong những ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Dự kiến năm 2013, kim ngạch xuất khẩu da giày sẽ đạt 9,7 tỷ USD.

Kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này đang đứng trước cơ hội tăng trưởng cao, khi Việt Nam đang trong những vòng đàm phán cuối cùng tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định thương mại tự do FTA với Liên minh châu Âu (FTA-EU).

Tuy nhiên, cơ hội đó chỉ trở thành hiện thực khi ngành xuất khẩu da giày, túi xách có sự chuẩn bị tốt ngay từ bây giờ, nhất là trong việc nâng cao tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm và giải quyết tốt bài toán lao động.

Bởi để đủ điều kiện hưởng ưu đãi thuế quan khi gia nhập TTP hay FTA-EU, các doanh nghiệp da giầy Việt Nam phải đảm bảo được nguyên tắc về lao động, môi trường và quy tắc xuất xứ. Đặc biệt, tỷ lệ nội địa hóa và nhập vật tư trong khối phải đảm bảo các điều kiện để được thụ hưởng mức thuế ưu đãi từ TPP và FTA EU. Đây sẽ là thách thức lớn đối với ngành da giầy Việt Nam.

da giay

Tỷ lệ nội địa hóa ngành da giày còn thấp. Ảnh: Đức Minh

Hiện tỷ lệ nội địa hóa của ngành da giầy chỉ khoảng 40-45%, tập trung chủ yếu vào đế giày và chỉ khâu giày, trong khi nguyên liệu quan trọng nhất là da thuộc và da nhân tạo vẫn phải nhập khẩu.

Các doanh nghiệp (DN) trong nước thường mua nguyên phụ liệu từ các nước ASEAN, Trung Quốc để sản xuất hàng xuất khẩu. Nhiều doanh nghiệp cho biết, lý do nguyên phụ liệu Trung Quốc được quan tâm là vì có nhiều ưu thế về giá, chủng loại phong phú và khoảng cách vận chuyển hàng về Việt Nam gần, nhanh chóng.

Nguyên phụ liệu vốn chiếm tỷ trọng lớn trong sản phẩm giầy dép, khoảng 70-75% giá thành sản phẩm, nên việc phụ thuộc quá nhiều vào nguyên phụ liệu của nước ngoài đang làm ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm, sức cạnh tranh và lợi nhuận của DN, cũng như gia tăng xuất khẩu.

Giải bài toán về năng suất lao động

Nhân công rẻ được coi là một lợi thế cạnh tranh của ngành da giày Việt Nam, nhưng lợi thế đó đang dần bị mất đi.

Theo Hiệp hội da giày và túi xách Việt Nam (Lefaso), hiện ngành da giày có khoảng 720.000 lao động, chiếm 7% lao động công nghiệp của Việt Nam. So với các nước xuất khẩu da giày lớn trong khu vực, chi phí lao động trong ngành da giày của Việt Nam đã ngang bằng, thậm chí nhỉnh hơn với Ấn Độ, Indonexia.

Hướng đi bắt buộc với các DN Việt Nam khi giá nhân công và chi phí đầu vào cho sản xuất ngày càng tăng, là cải thiện năng suất lao động.

Tuy nhiên, quá trình tăng năng suất lao động trong ngành da giày, túi xách lại đang đối mặt với khó khăn lớn khi chất lượng nhân công không cao, thiếu chuyên nghiệp và thường tự ý bỏ việc.

Đại diện Lefaso cho biết: Để tăng cường tính cạnh tranh về chi phí nhân lực, các DN da giày đang có chiến lược chuyển may mũ giày, công đoạn chiếm 60% lao động vùng nông thôn cách xa thành phố và các trung tâm công nghiệp lớn.Tại các khu vực này, nguồn lao dộng dồi dào và chi phí nhân công cũng thấp hơn. Đồng thời nguồn nhân công chủ yếu là lao động tại địa phương nên tránh được tình trạng nhân công nghỉ việc hàng loạt vào các dịp sau tết hoặc nghỉ lễ.

Bà Đinh Mỹ Loan, thành viên Ủy ban Tư vấn chính sách thương mại quốc tế VCCI chia sẻ: Quy định về lao động, điều kiện xuất xứ và hàm lượng nội địa sản phẩm khi gia nhập các hiệp định thương mại quốc tế là thách thức lớn cho DN da giày. Nếu không cẩn thận thì sẽ tự làm vô hiệu hóa lợi ích về xuất khẩu mà chúng ta đang kỳ vọng.

Trung Ninh

Trung Ninh

© Thời báo Tài chính Việt Nam