Hàng tiêu dùng Thái Lan – mối lo lớn cho hàng Việt?

16:00 | 22/07/2013 Print
Việc hàng hóa Thái Lan tràn lan trên thị trường đã tạo thêm cơ hội lựa chọn cho người tiêu dùng. Nhưng doanh nghiệp trong nước lại đang phải đối mặt với một “đối thủ” cạnh tranh nặng ký...

Thành công vì giá rẻ, chất lượng tốt…

Vài năm gần đây, khi người tiêu dùng đang có xu hướng quay lưng với hàng Trung Quốc do chất lượng kém, còn hàng sản xuất trong nước lại chưa phong phú… đã tạo cơ hội cho hàng Thái Lan thâm nhập và chiếm lĩnh thị trường Việt Nam.

Tại Hà Nội có nhiều cửa hàng chỉ chuyên bán hàng tiêu dùng Thái Lan. Ảnh:HT

Hàng có xuất xứ Thái Lan nhanh chóng được ưa chuộng nhờ mẫu mã đẹp, chất lượng tốt và giá cả phù hợp với thu nhập của đa số người tiêu dùng Việt. Nhiều thương hiệu Thái đã xây dựng được uy tín và chiếm thị phần đáng kể như: nước uống tăng lực Red Bull, bột giặt Pao, nước trái cây Malee, giấy Collex…

Tại Hà Nội, hầu hết các cửa hàng bán lẻ hàng tiêu dùng đều có hàng Thái Lan. Thậm chí cửa hàng chỉ chuyên bán hàng Thái Lan xuất hiện nhan nhản. Hàng hóa ở những cửa hàng này hết sức phong phú. Từ thực phẩm, đồ uống, trái cây, đồ gia dụng, hàng dệt may, trang sức, điện gia dụng, mỹ phẩm, đồ trang trí, quà tặng lưu niệm….

Theo quan sát, mặt hàng được tiêu thụ nhiều nhất hiện nay là hóa mỹ phẩm (dầu gội đầu, xà phòng, sữa rửa mặt…); hàng điện lạnh; đồ nhựa (xô, chậu..); trái cây. Các sạp bán hoa quả cũng thường có mặt của hàng Thái Lan, thậm chí có không ít sạp hoa quả có đến 40% là hàng Thái Lan. Cũng do hàng trái cây Thái Lan được ưa chuộng, nên không ít trường hợp lấy hàng Trung Quốc đội lốt hàng Thái Lan để bán.

Sự hỗ trợ mạnh mẽ từ chính phủ

Có thể thấy rằng đằng sau sự “đổ bộ” của hàng Thái Lan vào Việt Nam là sự năng động của doanh nhân Thái và chiến lược hỗ trợ mạnh mẽ của Chính phủ Thái Lan.

Được biết, Chính phủ Thái Lan thời gian qua đã thực hiện nhiều chương trình ưu đãi, hỗ trợ kinh phí để để các doanh nghiệp thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại, đưa hàng ra nước ngoài. Chẳng hạn như, hỗ trợ toàn bộ kinh phí cho doanh nghiệp khi lần đầu tiên tham gia hội chợ tìm đối tác ở nước ngoài. Mức hỗ trợ này vẫn tiếp tục được duy trì trong những hội chợ sau đó, nhưng giảm dần tùy theo mức độ thâm nhập của doanh nghiệp vào nước sở tại.

Hơn 10 năm qua, mỗi năm Thái Lan đã tổ chức khoảng 4 hội chợ, triển lãm về hàng tiêu dùng tại Việt Nam. Đặc biệt hội chợ bán lẻ hàng tiêu dùng Thái được tổ chức thường niên hàng năm tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh luôn thu hút được nhiều người tiêu dùng tham gia mua sắm.

Mục đích của các hội chợ này không chỉ giới thiệu, quảng bá các mặt hàng thương mại và dịch vụ của Thái Lan, mà còn tạo cơ hội cho các doanh nghiệp của Thái Lan tiếp cận và nghiên cứu thị trường bán lẻ Việt Nam, thúc đẩy mối quan hệ giữa các nhà xuất khẩu và phân phối.

Ngay cả khi hàng Thái Lan đã có chỗ đứng tương đối vững chắc tại Việt Nam, nhưng chính phủ nước này vẫn không ngừng thực hiện các chiến lược hỗ trợ doanh nghiệp chiếm lĩnh thị trường sâu hơn.

Nhờ đó, các tập đoàn của Thái Lan cũng đang có những bước tiến mạnh mẽ vào thị trường Việt Nam bằng các thương vụ M&A ở nhiều lĩnh vực như: gạch ốp lát, nhựa, chuỗi cửa hàng bán lẻ…

“Ông trùm” về vật liệu xây dựng Thái Lan Siam Cement Group (SCG) đã thâu tóm Công ty cổ phần Prime Group (một nhà máy gạch men lớn nhất Việt Nam) và trở thành cổ đông lớn của 2 công ty nổi tiếng khác là Công ty cổ phần nhựa Tiền Phong, Công ty nhựa Bình Minh.

Tập đoàn Berli Jucker (BJC) vừa mua lại hệ thống chuỗi cửa hàng tiện lợi của Công ty cổ phần Phú Thái liên doanh với đối tác Nhật Bản - FamilyMart Việt Nam.

Trước đó, BJC và Mongkol Group thành lập công ty Thai Corp International Vietnam (TCI) để mở chuỗi siêu thị tại Việt Nam. Mục tiêu của TCI là trở thành công ty phân phối và bán hàng Thái Lan lớn nhất tại thị trường Việt Nam. Đây cũng là kênh hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa Thái Lan xâm nhập vào thị trường Việt Nam

Với sự hỗ trợ của chính phủ và sự phối hợp chặt chẽ giữa các doanh nghiệp Thái Lan đã tạo nên thành công cho hàng Thái.

Đây cũng có thể coi là một bài học kinh nghiệm cho các doanh nghiệp, các cơ quan chức năng của Việt Nam về công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường cho hàng hóa mang thương hiệu Việt Nam./.

Trung Ninh

Trung Ninh

© Thời báo Tài chính Việt Nam