Nhanh chóng triển khai chính sách hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp

16:18 | 26/07/2021 Print
(TBTCVN) - Thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg về hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, Bảo hiểm Xã hội TP. Hà Nội đang khẩn trương triển khai, nhằm đưa chính sách hỗ trợ của đến đúng đối tượng thụ hưởng nhanh nhất.

13

Bộ phận làm thủ tục bảo hiểm tại Bảo hiểm Xã hội TP. Hà Nội

Hơn 1 triệu lao động được giảm mức đóng bảo hiểm

Dịch Covid-19 đã tác động không nhỏ đến tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp (DN). Nhiều DN phải ngừng hoạt động, giải thể, doanh thu sụt giảm. Nhiều người lao động (NLĐ) phải ngừng việc, giãn việc, đời sống vô cùng khó khăn. Ngay khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg về hỗ trợ NLĐ và DN gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam đã có công văn hướng dẫn BHXH các tỉnh, thành phố về quy trình hỗ trợ NLĐ và DN.

Thực hiện theo hướng dẫn của BHXH Việt Nam, BHXH TP. Hà Nội đã tổ chức hội nghị trực tuyến với BHXH các quận, huyện, thị xã nhằm phổ biến, tập huấn, hướng dẫn quy trình nghiệp vụ thực hiện các chính sách hỗ trợ NLĐ và DN; đồng thời đưa ra các biện pháp đẩy mạnh công tác thu và phát triển người tham gia BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) trong 6 tháng cuối năm.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Đức Hòa - Giám đốc BHXH TP. Hà Nội, đã quán triệt tinh thần, phải làm sao để khoản kinh phí hỗ trợ đến tay NLĐ và DN gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 một cách nhanh chóng, hiệu quả nhất. Để thực hiện việc này, ông Nguyễn Đức Hòa yêu cầu Văn phòng BHXH thành phố và BHXH các quận, huyện, thị xã phải ưu tiên tiếp nhận, giải quyết hồ sơ ngay tại bộ phận "Một cửa", bố trí để NLĐ và DN đến nộp hồ sơ một cách dễ dàng, thuận tiện.

Đến ngày 18/7, các đơn vị trong toàn hệ thống của BHXH TP. Hà Nội đã gửi thông báo về số tiền được giảm mức đóng vào Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đến 87.563 đơn vị sử dụng lao động, đạt 100% số đơn vị. Trong đó, số lao động được giảm mức đóng là 1.439.694 người với tổng số tiền (tạm tính) được giảm trong 12 tháng (từ ngày 1/7/2021 đến ngày 30/6/2022) là hơn 643 tỷ đồng.

Là doanh nghiệp làm về du lịch, Công ty APT Travel từ năm ngoái đến nay đã kiệt quệ vì ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Để duy trì hoạt động, công ty đã phải tìm kiếm các việc làm tạm thời, cố gắng tiết giảm tối đa chi phí quản lý, chỉ giữ lại 20% nhân sự. Ông Nguyễn Hồng Đài - Giám đốc Công ty APT Travel cho biết, những chính sách hỗ trợ kịp thời của Chính phủ nói chung, của ngành BHXH nói riêng đã góp phần giúp công ty trụ vững đến thời điểm hiện tại.

“Giảm mức đóng các loại BHXH, hỗ trợ DN đào tạo nghề sẽ giúp DN giảm được chi phí, có thêm kinh phí xoay xở trong thời điểm khó khăn này” - ông Đài cho biết.

Công ty cổ phần CDC Hà Nội, doanh nghiệp làm về xây dựng, trong chiều 18/7 cũng đã nhận được thông báo về số tiền được giảm đóng vào Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Công ty đánh giá cao sự vào cuộc nhanh chóng của cơ quan BHXH trong việc hỗ trợ DN và NLĐ.

Hỗ trợ nhanh chóng,kịp thời, đúng đối tượng

Cùng với việc thực hiện chính sách điều chỉnh mức đóng vào Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, BHXH TP. Hà Nội đang tập trung triển khai chính sách hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; xác nhận danh sách NLĐ tham gia đào tạo; chi kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề. Việc xác nhận danh sách NLĐ tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, danh sách NLĐ ngừng việc... cũng được toàn ngành khẩn trương thực hiện.

BHXH TP. Hà Nội đã thành lập Tổ chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP. Tổ chỉ đạo có trách nhiệm giúp Giám đốc BHXH TP. Hà Nội chỉ đạo, điều hành việc phối hợp với các đơn vị có liên quan để triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19...

Bên cạnh đó, BHXH TP. Hà Nội cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho các phòng nghiệp vụ và BHXH quận, huyện, thị xã trong toàn hệ thống. Trong quá trình thực hiện, lãnh đạo các phòng nghiệp vụ thuộc BHXH TP. Hà Nội, giám đốc BHXH các quận, huyện, thị xã căn cứ chức năng, nhiệm vụ cần tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc và chịu trách nhiệm trước giám đốc BHXH thành phố về việc thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg.

BHXH TP. Hà Nội lưu ý, các phòng, ban, cơ quan chức năng thuộc ngành tiến hành tiếp nhận và giải quyết hồ sơ của người sử dụng lao động và NLĐ với tinh thần và trách nhiệm cao nhất, tạo điều kiện thuận lợi nhất, phối hợp kịp thời, linh hoạt, nhịp nhàng giữa các bộ phận, giảm thời gian tối đa để NLĐ, người sử dụng lao động sớm nhận được nguồn hỗ trợ. Các đơn vị trực thuộc BHXH thành phố cần chủ động trong việc xác nhận, tiếp nhận hồ sơ đề nghị hỗ trợ, không để tình trạng nhận hồ sơ rồi trả lại. Trong trường hợp hồ sơ cần đề nghị bổ sung hoặc hồ sơ không đủ điều kiện, thì người tiếp nhận phải nêu rõ lý do.

Để quy trình giải quyết hồ sơ, thủ tục đề nghị hỗ trợ diễn ra thuận tiện, các đơn vị sử dụng lao động có thể nộp hồ sơ cho cơ quan BHXH qua giao dịch điện tử, Cổng Dịch vụ công của BHXH Việt Nam, Cổng Dịch vụ công quốc gia hoặc gửi hồ sơ giấy (trường hợp chưa giao dịch điện tử).

“Triển khai hỗ trợ NLĐ và DN gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 phải nhanh, kịp thời, nhưng đảm bảo đúng đối tượng, đúng quy trình, tuyệt đối không phát sinh thủ tục, không để xảy ra trục lợi chính sách…” - ông Nguyễn Đức Hòa - Giám đốc BHXH TP. Hà Nội, quán triệt đến toàn thể cán bộ viên chức thuộc BHXH TP. Hà Nội.

Thủ tục hỗ trợ thuận tiện

Để quy trình giải quyết hồ sơ, thủ tục đề nghị hỗ trợ diễn ra thuận tiện, các đơn vị sử dụng lao động có thể nộp hồ sơ cho cơ quan Bảo hiểm Xã hội (BHXH) qua giao dịch điện tử, Cổng Dịch vụ công của BHXH Việt Nam, Cổng Dịch vụ công quốc gia hoặc gửi hồ sơ giấy (trường hợp chưa giao dịch điện tử).

Tư Duy

Tư Duy

© Thời báo Tài chính Việt Nam