Dư nợ tín dụng của VietinBank tăng lên mức 1,06 triệu tỷ đồng

20:58 | 30/06/2021 Print
6 tháng đầu năm 2021, VietinBank tiếp tục đạt kết quả kinh doanh tích cực, trong đó dư nợ tín dụng tại ngày 30/6 ước đạt 1,06 triệu tỷ đồng, tăng 4,8% so với cuối năm 2020; lợi nhuận hết 6 tháng đầu năm 2021 ước đạt 13 nghìn tỷ đồng…

vietinbank

Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát đến nay, VietinBank đã trao tặng hơn 160 tỷ đồng cho công tác phòng, chống đại dịch. Ảnh: Q.M

Ngày 30/6/2021 tại Hà Nội, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) tổ chức Hội nghị sơ kết công tác Đảng, sơ kết hoạt động kinh doanh 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2021.

Báo cáo của VietinBank cho biết, cùng với sự chỉ đạo của Đảng, quyết tâm và nỗ lực của toàn hệ thống, VietinBank đã đạt được những kết quả tích cực trong công tác xây dựng Đảng cũng như trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, thực hiện thành công “mục tiêu kép” vừa đồng hành hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn do bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, khôi phục sản xuất kinh doanh, vừa đẩy mạnh đổi mới, cải cách, tái cấu trúc hoạt động trong giai đoạn 6 tháng đầu năm 2021.

Theo đó, kết quả hoạt động kinh doanh của VietinBank 6 tháng đầu năm 2021 đã có những chuyển biến tích cực: dư nợ tín dụng tại 30/6 ước đạt 1,06 triệu tỷ đồng, tăng 4,8% so với cuối năm 2020, tổng nguồn vốn huy động ước đạt 1,2 triệu tỷ đồng, tăng 3,4% so với năm 2020. Nguồn vốn CASA bình quân có sự cải thiện đáng kể. Thu thuần hoạt động dịch vụ đạt hơn 3 nghìn tỷ đồng, tăng 27,6% so với cùng kỳ, trong đó các khoản thu dịch vụ đạt kết quả tốt là thu bảo lãnh và thu từ mảng ngân hàng điện tử; thu XLRR tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2020.

Hiệu quả kinh doanh được cải thiện, hiệu quả sử dụng chi phí tiếp tục được nâng cao, chất lượng tăng trưởng được quản lý tốt, chất lượng tài sản của VietinBank tiếp tục được quản trị tốt, tỷ lệ nợ xấu/dư nợ tín dụng ở mức 1,38%, là mức thấp so với trung bình ngành, tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt 109%. Lợi nhuận hết 6 tháng đầu năm 2021 ước đạt 13 nghìn tỷ đồng.

Bên cạnh thực hiện tốt nhiệm vụ kinh doanh, VietinBank là một trong những ngân hàng tiên phong thực hiện có hiệu quả các chương trình an sinh xã hội và đặc biệt là chung tay, chia sẻ cùng Chính phủ và cộng đồng trong việc phòng, chống, đẩy lùi dịch Covid-19.

Thông tin từ VietinBank cho biết, từ khi dịch bệnh bùng phát đến nay, VietinBank đã trao tặng hơn 160 tỷ đồng cho công tác phòng, chống đại dịch. Đồng thời, VietinBank đang miễn phí cho toàn bộ giao dịch chuyển tiền của khách hàng cá nhân và tổ chức tới các tài khoản tiếp nhận ủng hộ kinh phí phòng, chống dịch Covid-19.

Bằng các hành động cụ thể, thiết thực, hiệu quả trong công tác phòng, chống Covid-19, đảm bảo duy trì hoạt động an toàn, VietinBank đã và đang góp phần thực hiện thành công “mục tiêu kép” của Chính phủ; góp phần quan trọng, đắc lực để nền kinh tế khắc phục khó khăn, ổn định tình hình, tiếp tục phát triển.

Trên cơ sở những thành tựu đã đạt được, tiếp tục triển khai mạnh mẽ, quyết liệt các công tác trong 6 tháng cuối năm 2021, ông Lê Đức Thọ - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT VietinBank cho biết: Những kết quả tích cực trên đến từ sự nỗ lực của toàn hệ thống, là kết quả của quá trình kiên định trong tái cấu trúc toàn diện hoạt động, thực hiện chiến lược phát triển 10 năm giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2045 đã được Thường vụ Đảng ủy, HĐQT phê duyệt.

Trong đó, tập trung chuyển đổi mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, thay đổi phương thức cạnh tranh, phát triển giải pháp ngân hàng, tài chính hiện đại, tổng thể, toàn diện cho khách hàng, cung ứng dịch vụ theo chuỗi liên kết, chuyển đổi số mạnh mẽ, nâng cao năng lực tư vấn, đáp ứng tối đa nhu cầu tài chính của khách hàng.

Tuy nhiên, ông Lê Đức Thọ cũng cho rằng, nhiệm vụ của Chiến lược 10 năm, kế hoạch kinh doanh trung hạn 3 năm cũng như từ nay tới cuối năm 2021 là hết sức thách thức và nặng nề để phát triển bứt phá, đòi hỏi toàn hệ thống VietinBank cần tiếp tục nỗ lực nhiều hơn nữa, không ngừng đổi mới sáng tạo, nắm bắt cơ hội thị trường, khắc phục khó khăn, hạn chế; tiếp tục nâng cao năng lực tài chính để tạo nguồn lực cho phát triển dài hạn; cơ cấu mạnh mẽ hoạt động kinh doanh; điều chỉnh cơ cấu tài sản có sinh lời, tài sản có rủi ro; tiếp tục đổi mới về quản trị điều hành, kiểm soát theo hướng thực chất để nâng cao chất lượng tăng trưởng, cải thiện mạnh mẽ hiệu quả kinh doanh và phát triển bền vững./.

Quỳnh Mai

Quỳnh Mai

© Thời báo Tài chính Việt Nam