Giảm lãi suất hỗ trợ khó khăn do Covid-19: Chưa thể ảnh hưởng rộng lên mặt bằng lãi suất

10:59 | 13/06/2021 Print
(TBTCVN) - Trong nội dung văn bản của Ngân hàng Nhà nước về việc tháo gỡ khó khăn do Covid-19 gần đây có nội dung đề nghị các ngân hàng giảm lãi vay, nhưng việc này có thể chưa đủ gây ảnh hưởng giảm lãi suất trên diện rộng.

nh

Xu hướng lãi suất giai đoạn đầu năm có chiều hướng giảm đôi chút, nhưng không nhiều

Lãi suất khó tiếp tục giảm them

Theo văn bản của Ngân hàng Nhà nước, từng tổ chức tín dụng căn cứ năng lực, khả năng tài chính của mình để tính toán thực hiện giảm lãi suất cho vay và các biện pháp hỗ trợ khác.

Tuy nhiên, theo một số nhà quan sát, việc giảm lãi suất sẽ có sự chọn lọc nên ảnh hưởng chỉ giới hạn trong một số đối tượng nhất định được hưởng chính sách ưu đãi. Theo đó, sức ép tạo giảm lãi suất trong thời gian tới có thể sẽ không lớn.

Trao đổi với phóng viên TBTCVN mới đây, ông Lê Thành Hòa - Chuyên viên phân tích thuộc Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho biết, nhìn lại xu hướng lãi suất giai đoạn đầu năm có thể thấy có chiều hướng giảm đôi chút, nhưng không nhiều.

Liên quan đến lãi suất đầu vào, hiện nay chưa có bất cứ yếu tố gì khiến các ngân hàng phải giảm lãi suất đầu vào. Ông Hòa cho biết, với quy mô trong phạm vi một số đối tượng chọn lọc, các ngân hàng thương mại hoàn toàn có thể tự điều phối chi phí để vẫn giữ mặt bằng lãi suất đầu vào không giảm thêm nữa.

Quan sát động thái lãi suất huy động thời gian gần đây có thể thấy nhóm Big4 (4 ngân hàng thương mại lớn gồm VietinBank, Vietcombank, BIDV và Agribank) đều vẫn “im hơi lặng tiếng” chưa hề có sự nhúc nhích gì về lãi suất huy động. Trong khi đó, một số ngân hàng thương mại nhỏ thậm chí có còn có động thái nhúc nhích tăng lãi suất huy động, nhưng cũng chỉ mang tính đơn lẻ, chưa thành một trào lưu trên diện rộng.

Việc tăng nhẹ lãi suất đầu vào lác đác ở một số ngân hàng nhỏ do nhu cầu của từng ngân hàng để thu hút lại dòng tiền khi lượng tiền đổ vào thị trường thị trường chứng khoán thời gian gần đây vẫn khá lớn. Giá trị giao dịch cổ phiếu bình quân tại Sở Giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh trong vòng 1 tuần qua vẫn duy trì mở mức khoảng 24 đến 28 nghìn tỷ đồng.

Áp lực “ngược” về trung hạn

Bối cảnh lãi suất ngắn hạn là vậy, trong khi đó, sức ép lãi suất về trung hạn thậm chí có thể còn tăng do nhiều lý do khác nhau. TS. Châu Đình Linh thuộc Học viện Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh cho biết, những áp lực khiến lãi suất gia tăng cũng đang manh nha xuất hiện (có thể hiểu là đốm lửa nhỏ) và những tác động bên ngoài cũng dần trở thành tác nhân (lạm phát, tăng trưởng tín dụng cuối năm, cạnh tranh dòng tiền với thị trường chứng khoán...).

Ngoài ra, theo dự đoán của ông Hòa, khi dịch bệnh đẩy lùi, các hoạt động kinh doanh phục hồi trở lại dẫn đến nhu cầu vay vốn tăng cùng có thể là yếu tố khiến lãi suất có thể tăng trở lại vào cuối năm.

Bản thân các ngân hàng cũng mong mỏi thời cơ nhu cầu vay tăng trở lại để đẩy mạnh tín dụng nhằm tối ưu mục tiêu tăng trưởng tín dụng của toàn ngành Ngân hàng trong năm 2021.

Năm 2021, Ngân hàng Nhà nước đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng tín dụng, trong đó kịch bản lạc quan nhất lên tới 14% và kịch bản bi quan nhất là 7%. Ngoài ra, theo kế hoạch của từng ngân hàng, đơn lẻ có một số ngân hàng đưa kịch bản tăng trưởng rất giàu tham vọng và đương nhiện họ rất kỳ vọng vào những tín hiệu thuận lợi từ thị trường sẽ sớm xuất hiện.

Chẳng hạn, Ngân hàng Tiên Phong đặt kế hoạch dư nợ cho vay lên tới 165,4 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 25%; Ngân hàng Phát triển Nhà TP. Hồ Chí Minh đưa ra mục tiêu tín dụng 2021 lên tới 236,8 nghìn tỷ, tăng trưởng tới 26% so với năm 2020. Tương tự, Ngân hàng Hàng hải cũng gây ấn ượng với kế hoạch tín dụng 2021 lên tới 106,2 nghìn tỷ, tăng trưởng 25%...

3 kịch bản tăng trưởng tín dụng năm 2021

Năm 2021, Ngân hàng Nhà nước đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng tín dụng ứng với tình hình diễn biến Covid-19.
Kịch bản 1, tăng trưởng tín dụng 12 - 13%, tối đa có thể lên 14% nếu dịch Covid-19 dừng trong quý I và tiêm chủng vắc-xin đại trà. Kịch bản 2, mức tăng trưởng tín dụng là 10 - 12% trong trường hợp Covid-19 kéo dài đến tháng 6/2021 và Việt Nam vẫn tiếp tục phải thực hiện giãn cách xã hội, phải chờ tiêm vắc-xin. Kịch bản 3 là Covid-19 kéo dài đến hết năm, tín dụng tăng 7 - 8%.


Chí Tín

Chí Tín

© Thời báo Tài chính Việt Nam