Kịch bản nào cho lãi suất trong quý II?

15:48 | 30/04/2021 Print
(TBTCVN) - Theo nhiều chuyên gia, mặt bằng lãi suất cả huy động và cho vay toàn thị trường dự kiến vẫn duy trì tương đối ổn định trong quý II/2021. Tuy nhiên, từ cuối quý II, khi hoạt động kinh tế sôi động hơn khiến cầu tín dụng tăng thì nhiều khả năng mặt bằng lãi suất sẽ nhích dần lên.

17

Mặt bằng lãi suất tiền gửi vẫn tiếp tục ổn định trong hầu hết quý II, nhưng có thể nhích tăng trong nửa cuối năm 2021.

Nhiều ngân hàng rục rịch tăng lãi suất huy động

Thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, trong năm 2020, lãi suất huy động (LSHĐ) đã giảm tổng cộng từ 2 – 2,5 điểm phần trăm, với đợt giảm mạnh nhất vào quý III/2020. Bước sang quý I/2021, ghi nhận trên thị trường từ đầu tháng 3, mặt bằng lãi suất có biến động nhẹ khi một số ngân hàng thương mại điều chỉnh tăng LSHĐ, sau một thời gian dài các ngân hàng thực hiện giảm lãi suất.

b17

Đơn cử, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) đã điều chỉnh tăng lãi suất ở nhiều kỳ hạn, mức điều chỉnh tăng cao nhất tới 0,7 điểm phần trăm, theo đó, kỳ hạn 1 tháng tăng từ 2,75%/năm lên 3,1%/năm, kỳ hạn 6 tháng tăng mạnh 0,5 – 0,6 điểm phần trăm lên mức 4,4 - 4,7%/năm, các kỳ hạn 12 tháng, 24 tháng, 36 tháng cũng tăng thêm khoảng 0,5 – 0,6 điểm phần trăm. Tại Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), LSHĐ dành cho kỳ hạn 2 tháng, 3 tháng cũng được điều chỉnh tăng đồng loạt 0,1 điểm phần trăm. Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank) tăng từ 0,1 – 0,2 điểm phần trăm lãi suất tiền gửi ở tất cả các kỳ hạn. Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh vượng (VPBank) điều chỉnh tăng từ 0,2 – 0,4 điểm % ở một số kỳ hạn. Một số ngân hàng nhóm dưới nhỏ hơn như Ngân hàng TMCP Nam Á (NamABank), Ngân hàng TMCP Kiên Long (KienLongBank)… cũng tăng LSHĐ, với mức tăng khoảng 0,1% - 0,8%/năm tùy từng kỳ hạn khác nhau…

Bình luận về động thái trên, ông Cấn Văn Lực – Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV cho rằng, đây chỉ là động thái cục bộ tại một số ngân hàng chứ không phải là xu hướng chung của toàn thị trường.

Lý giải về những yếu tố khiến LSHĐ có dấu hiệu nhích tăng nhẹ tại một số ngân hàng, ông Lực cho rằng, do thanh khoản của hệ thống các tổ chức tín dụng không còn quá dư thừa trong bối cảnh NHNN tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, chỉ hỗ trợ thanh khoản của hệ thống ngân hàng khi cần thiết.

Bên cạnh đó, trong quý I/2021, tăng trưởng cung tiền đạt 1,5% và tăng trưởng huy động vốn đạt 0,5% so với cuối năm 2020. Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng quý I đạt 2,93%, cao hơn đáng kể so với mức tăng 0,7% cùng kỳ năm 2020. Tín dụng trong quý I/2021 tăng tốc nhiều hơn năm trước trong khi tăng trưởng huy động vốn không tăng cùng tốc độ có thể là nguyên nhân khiến LSHĐ tăng lên.

Ngoài ra, lãi suất thời gian vừa qua đã xuống mức rất thấp khiến một phần dòng tiền đã dịch chuyển giữa các kênh đầu tư, trong đó có sự dịch chuyển dòng tiền từ thị trường tiền tệ sang kênh bất động sản, chứng khoán… Vì vậy, một số ngân hàng phải tăng LSHĐ để hạn chế đà dịch chuyển dòng tiền…

Trước động thái tăng LSHĐ của một số ngân hàng từ đầu tháng 3, nhiều ý kiến lo ngại lãi suất cho vay cũng sẽ tăng theo trong quý II/2021, tuy nhiên, theo dự báo của chuyên gia Cấn Văn Lực, trong quý II, mặt bằng lãi suất cho vay nhiều khả năng sẽ không có biến động theo chiều hướng tăng lên mà vẫn giữ ổn định so với thời điểm cuối năm 2020.

Điều hành chính sách lãi suất cần thận trọng, linh hoạt

Giới chuyên gia cho rằng, mặt bằng lãi suất (cả huy động và cho vay) toàn thị trường dự kiến vẫn duy trì tương đối ổn định trong quý II/2021. Tuy nhiên, từ cuối quý II, khi hoạt động kinh tế sôi động hơn khiến cầu tín dụng tăng thì nhiều khả năng mặt bằng lãi suất sẽ nhích tăng dần lên.

Chuyên gia tài chính – ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, tín dụng kỳ vọng sẽ phục hồi nhanh trong nửa cuối năm 2021, trong kịch bản vắc-xin đang được khẩn trương triển khai với diện rộng hơn tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất kinh doanh trong nền kinh tế hồi phục tốt hơn, cùng với lạm phát cũng có thể tăng cao hơn trong nửa cuối năm khiến lãi suất tiền gửi tăng. Bên cạnh đó, lộ trình siết tỷ lệ huy động vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn có hiệu lực vào tháng 10/2021 sẽ đẩy mức độ cạnh tranh về tiền gửi và làm đảo chiều xu hướng lãi suất theo hướng nhích tăng dần lên. “Mặt bằng lãi suất tiền gửi vẫn tiếp tục ổn định trong hầu hết quý II, nhưng có thể nhích tăng trong nửa cuối năm 2021, với mức tăng khoảng từ 0,3 – 0,5%” – ông Hiếu dự báo.

Trong bối cảnh cầu tín dụng có thể tăng nhanh từ giữa năm 2021 và sự nhích tăng của mặt bằng LSHĐ, nhiều chuyên gia cho rằng, khả năng giảm thêm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp càng trở nên khó khăn hơn.

“Có thể nói, năm nay điều hành chính sách tiền tệ phải hết sức khéo léo. Nếu chặt quá có thể cản trở sự phục hồi của nền kinh tế, nhưng nếu nới quá thì rủi ro tài chính, lạm phát cao lên. Rủi ro tài chính có thể thấy qua việc thời gian qua, lãi suất thấp, dòng tiền đã chuyển sang các kênh đầu tư khác là chứng khoán, bất động sản. Dù chưa có dấu hiệu hình thành “bong bóng”, nhưng nếu hạ tiếp lãi suất thì rủi ro này là hiện hữu. Do vậy theo tôi, tốt nhất là giữ mặt bằng lãi suất như hiện nay” – chuyên gia Võ Trí Thành - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia nêu quan điểm.

Đồng quan điểm trên, ông Cấn Văn Lực cũng cho rằng, không nhất thiết phải tiếp tục giảm lãi suất vì mức lãi suất hiện nay đã rất thấp. Hơn nữa, lãi suất cũng không phải điểm nghẽn của tín dụng, vì tín dụng cũng đã tăng 12,13% trong năm 2020, cao hàng đầu khu vực. “Nếu tiếp tục giảm lãi suất sẽ quá thấp khiến dòng tiền chảy sang các kênh đầu tư khác rủi ro hơn. Điều này một mặt khiến thanh khoản hệ thống ngân hàng khó khăn hơn, một mặt khiến dòng vốn không đi vào sản xuất kinh doanh nên khó kích thích tăng trưởng kinh tế lâu dài. Chúng ta cũng nên đảm bảo chênh lệch LSHĐ – lãi suất cho vay ở mức khả quan (hiện nay khoảng 2,5%). Đây là mức trung bình thấp so với khu vực (khoảng 3%). Do đó, NHNN cần phải điều hành thận trọng lãi suất” – ông Lực nhấn mạnh.

Liên quan đến vấn đề điều hành lãi suất thời gian tới, Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, quan điểm của NHNN là duy trì sự ổn định đối với cả LSHĐ và lãi suất cho vay, tuy nhiên cũng phải cảnh giác với những dấu hiệu tác động của kinh tế thế giới, như giá nguyên liệu được dự đoán tăng 30% trong năm 2021, việc dịch chuyển dòng vốn từ thị trường tiền tệ sang trái phiếu, chứng khoán, bất động sản… Do đó, NHNN sẽ điều hành chính sách lãi suất một cách linh hoạt, hợp lý. Mặt khác, NHNN đã yêu cầu các tổ chức tín dụng tập trung tiết giảm chi phí, tạo điều kiện giảm tiếp lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân trong cả năm 2021.

Mạnh Nguyễn

Mạnh Nguyễn

© Thời báo Tài chính Việt Nam