Bổ sung thủ tục giảm vốn điều lệ của ngân hàng thương mại

13:51 | 12/04/2021 Print
Ngân hàng Nhà nước vừa công bố dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 50/2018/TT-NHNN, nhằm bổ sung thủ tục giảm vốn điều lệ của ngân hàng thương mại cổ phần và một số nội dung khác.

th

Ảnh T.L

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, thời gian qua đã có ngân hàng thương mại cổ phần có nhu cầu giảm mức vốn điều lệ theo quy định tại Điều 29 Luật các Tổ chức tín dụng. Vì vậy, NHNN cần có hướng dẫn để thực hiện quy định này tại Luật các Tổ chức tín dụng.

Theo đó, dự thảo Thông tư được xây dựng dựa trên các định hướng sau: sửa đổi, bổ sung phạm vi điều chỉnh của Thông tư 50 theo hướng bổ sung thủ tục giảm vốn điều lệ của ngân hàng thương mại cổ phần (trừ trường hợp ghi giảm vốn điều lệ của ngân hàng thương mại trong trường hợp chuyển giao bắt buộc ngân hàng thương mại được kiểm soát đặc biệt); sửa đổi, bổ sung các quy định về trách nhiệm của Cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng, NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tại Thông tư số 50 cho phù hợp với việc bổ sung thủ tục giảm vốn điều lệ tại dự thảo Thông tư. Ngoài ra, dự thảo Thông tư cũng sửa đổi một số nội dung khác tại Thông tư 50 cho phù hợp với thực tiễn.

Cụ thể, dự thảo bổ sung Điều 14a vào sau Điều 14 của Thông tư 50, với nội dung quy định “giảm mức vốn điều lệ của ngân hàng thương mại cổ phần thông qua việc mua lại cổ phần của cổ đông theo quyết định của ngân hàng”.

Hồ sơ đề nghị trong trường hợp này gồm: văn bản đề nghị, trong đó ghi rõ lý do giảm mức vốn điều lệ, mức vốn điều lệ hiện tại; mức vốn điều lệ dự kiến giảm, cam kết việc giảm mức vốn điều lệ không làm giá trị thực của vốn điều lệ thấp hơn mức vốn pháp định, không dẫn đến vi phạm các tỷ lệ, giới hạn an toàn hoạt động, tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông theo quy định của Luật các Tổ chức tín dụng và các văn bản hướng dẫn Luật; thời gian dự kiến hoàn thành việc giảm mức vốn điều lệ; nghị quyết hoặc quyết định của đại hội đồng cổ đông thông qua phương án giảm mức vốn điều lệ của ngân hàng thương mại cổ phần thông qua việc mua lại cổ phần của cổ đông.

Phương án giảm mức vốn điều lệ tối thiểu phải có các nội dung là: Kế hoạch mua lại cổ phần (gồm: số lượng cổ phần dự kiến mua lại, nguyên tắc xác định giá, giá dự kiến mua lại, thời điểm thực hiện dự kiến; nguồn dự kiến sử dụng để mua lại cổ phần); danh sách cổ đông và tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông có tỷ lệ sở hữu từ 5% tổng số cổ phần phổ thông trở lên so với vốn điều lệ thời điểm hiện tại và dự kiến sau khi giảm vốn điều lệ. Cùng với đó là danh sách người sở hữu cổ phiếu hạn chế chuyển nhượng; danh sách cổ đông hoặc người có liên quan có tỷ lệ sở hữu cổ phần từ 20% trở lên so với vốn điều lệ thời điểm hiện tại và dự kiến sau khi giảm vốn điều lệ ; thông tin về tổng mức sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài hiện tại và dự kiến sau khi giảm vốn điều lệ (nếu có); đánh giá tác động của việc giảm vốn điều lệ đối với tình hình hoạt động, an toàn hoạt động của ngân hàng thương mại (trước và dự kiến sau khi giảm vốn điều lệ).

Ngoài ra, hồ sơ cũng phải bao gồm báo cáo tài chính của năm liền kề trước năm đề nghị của ngân hàng thương mại đã được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán độc lập trong trường hợp thời điểm dự kiến mua lại cổ phần từ 6 tháng trở xuống kể từ thời điểm kết thúc năm tài chính và trong trường hợp thời điểm dự kiến mua lại cổ phần quá 6 tháng kể từ thời điểm kết thúc năm tài chính.

Trong thời hạn 25 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, NHNN có văn bản chấp thuận đề nghị giảm mức vốn điều lệ của ngân hàng thương mại; trường hợp không chấp thuận, NHNN có văn bản trả lời và nêu rõ lý do. Văn bản chấp thuận giảm mức vốn điều lệ có hiệu lực trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày ký.

Để thống nhất với quy định của pháp luật về kiểm soát đặc biệt đối với tổ chức tín dụng, tránh chồng chéo, Thông tư quy định rõ “việc ghi giảm vốn điều lệ của ngân hàng thương mại được kiểm soát đặc biệt thực hiện theo quy định của pháp luật về kiểm soát đặc biệt đối với tổ chức tín dụng”.

Hoàng Yến

Hoàng Yến

© Thời báo Tài chính Việt Nam