Thị phần tín dụng ngân hàng: Chênh lệch sẽ thu hẹp khi các “bank nhóm dưới” bứt tốc

10:25 | 29/03/2021 Print
(TBTCVN) - Chênh lệch về thị phần tín dụng giữa các ngân hàng tư nhân và nhóm ngân hàng quốc doanh dự kiến sẽ tiếp tục bị thu hẹp, nhưng tốc độ sẽ chậm lại nhờ nguồn vốn cải thiện.

nh

Thứ hạng thị phần tín dụng các ngân hàng dự báo sẽ có nhiều thay đổi.

Tuy vậy, các chuyên gia kỳ vọng sẽ có sự thay đổi về thứ hạng thị phần tín dụng khi các ngân hàng lớn thuộc nhóm thứ hai mở rộng với tốc độ nhanh và có bộ đệm tốt hơn để duy trì đà tăng so với các ngân hàng khác.

Áp lực cho những ngân hàng lớn

Theo các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), trong 5 năm gần đây, ngành Ngân hàng chứng kiến sự phát triển của các ngân hàng tư nhân về thị phần tín dụng. Theo đó, 26 ngân hàng niêm yết tính đến năm 2020 đã tăng tổng thị phần tín dụng từ 65,4% cuối năm 2015 lên 71,3% năm 2020. Tuy nhiên, phần lớn thị phần gia tăng những năm qua thuộc về các ngân hàng thương mại tư nhân, trong khi thị phần tín dụng của các ngân hàng quốc doanh bị thu hẹp.

thi

“Chúng tôi cho rằng, một trong những nguyên nhân là yêu cầu về vốn, tạo cơ hội cho các ngân hàng có nguồn lực tốt và gây áp lực lên các ngân hàng còn lại. Trong quá trình phát triển của ngành Ngân hàng nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, chúng tôi kỳ vọng sẽ có sự phân hóa hơn nữa trong ngành” – chuyên gia của VDSC lý giải.

Thị trường tín dụng có thể được chia thành các nhóm, lần lượt là nhóm ngân hàng quốc doanh, nhóm ngân hàng tư nhân nắm giữ trên 2% thị phần và nhóm còn lại có thị phần tín dụng trên 1%.

Theo phân tích của VDSC, các ngân hàng quốc doanh đã mất -142 điểm cơ bản thị phần tín dụng trong 5 năm qua. Tuy nhiên, Vietcombank (VCB) là một ngoại lệ, với mức tăng +64 điểm cơ bản. Các ngân hàng quốc doanh chủ yếu dựa vào khoản cho vay khách hàng để tăng trưởng dư nợ tín dụng.

Đối với các ngân hàng tư nhân nắm giữ trên 2% thị phần tín dụng, triển vọng là khác nhau giữa các ngân hàng trong nhóm. Nhóm này đã tăng +3,5% thị phần tín dụng kể từ cuối năm 2015. Các chuyên gia của VDSC nhận thấy có sự chuyển dịch mạnh mẽ sang trái phiếu doanh nghiệp vào năm 2020 để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, trong một năm mà nhu cầu vay vốn bị ảnh hưởng.

Còn đối với các ngân hàng còn lại thì đều có tăng trưởng tín dụng cao trong giai đoạn 2016 - 2020, nhưng Tienphongbank là ngân hàng duy nhất có tốc độ tăng trưởng kép hàng năm trên 30%.

Các ngân hàng tư nhân lớn có thể sẽ tăng tốc

Theo chuyên gia của VDSC, nền kinh tế Việt Nam hiện vẫn phụ thuộc nhiều vào tín dụng, do đó, để duy trì tốc độ tăng trưởng GDP 6 - 8% trong những năm tới, ước tính tăng trưởng tín dụng của ngành ngân hàng vẫn ở mức hai con số. Riêng năm 2021, VDSC dự báo tăng trưởng tín dụng 11,4% - 14,7%, trung bình là 13,1%. Các ngân hàng tư nhân lớn dự kiến sẽ duy trì xu hướng tăng trưởng của họ, đạt trên mức trung bình của ngành.

Chuyên gia của VDSC dự đoán rằng, ACB sẽ duy trì hoạt động cho vay cốt lõi vốn là điểm mạnh của mình, trong khi trái phiếu doanh nghiệp vẫn sẽ đóng góp lớn vào tăng trưởng tín dụng của Techcombank. Nhóm ngân hàng quốc doanh được dự báo sẽ vẫn bị áp lực về yêu cầu vốn, ngoại trừ VCB. Tuy nhiên, các chuyên gia này đánh giá việc phát hành cổ phần là quan trọng để có thể đạt tăng trưởng tín dụng hai con số trong những năm tới.

“Nhìn chung, việc tăng vốn và nâng cao hiệu quả là cần thiết đối với các ngân hàng quốc doanh. Mặc dù vậy, chúng tôi cho rằng thị phần tín dụng của các ngân hàng này trong ngắn hạn sẽ duy trì xu hướng giảm do thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng trưởng cao. Chúng tôi cũng kỳ vọng sẽ có sự thay đổi về thứ hạng thị phần tín dụng khi các ngân hàng lớn thuộc nhóm thứ hai mở rộng với tốc độ nhanh và có bộ đệm tốt hơn để duy trì đà tăng so với các ngân hàng so sánh” – chuyên gia của VDSC cho biết thêm.


Hải Băng

Hải Băng

© Thời báo Tài chính Việt Nam