Cần sớm hoàn thiện khung khổ pháp lý cho phát triển ngân hàng số

16:25 | 25/03/2021 Print
Hiện khoảng trống trong hành lang pháp lý đối với phát triển ngân hàng số còn chậm ban hành, khung pháp lý thường đi sau so với sự phát triển công nghệ…, do đó chưa đáp ứng được yêu cầu tạo thuận lợi để hệ thống ngân hàng thích ứng với bối cảnh số hóa.

Đây là chủ đề được trao đổi, thảo luận tại Diễn đàn “Tương lai chiến lược ngân hàng số tại Việt Nam”, do Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh tổ chức ngày 25/3.

Chuyển đổi số đem lại nhiều lợi ích

Cung cấp “bức tranh” về hiện trạng chuyển đổi số ngân hàng tại Việt Nam hiện nay, bà Nguyễn Thùy Dương – Phó Tổng giám đốc Ernst & Young Việt Nam, Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ Fintech, Hiệp hội Ngân hàng cho biết, khảo sát về chuyển đổi số trong ngành ngân hàng tại Việt Nam cho thấy phần lớn các tổ chức tín dụng (TCTD) đều có nhận thức về chuyển đổi số. Trong đó, 42% ngân hàng đang xây dựng chiến lược chuyển đổi số, 28% ngân hàng đã và đang thực hiện triển khai chiến lược chuyển đổi số tích hợp với chiến lược kinh doanh và 11% ngân hàng đã phê duyệt và đang triển khai chiến lược chuyển đổi số riêng.

Cũng theo bà Dương, phần lớn các TCTD hiện không chỉ triển khai đa dạng dịch vụ cho khách hàng trên kênh số như dịch vụ chuyển tiền, tiết kiệm trực tuyến, thanh toán hóa đơn, thanh toán thương mại điện tử, mà còn tập trung số hóa các hoạt động nghiệp vụ, vận hành nội bộ, ví dụ như số hóa quy trình hoạt động liên tục, số hóa hệ thống quản lý quan hệ khách hàng, áp dụng chữ ký điện tử, chữ ký số nội bộ…

ngan hang so
Toàn cảnh diễn đàn. Ảnh: D.T

Chia sẻ sâu hơn về cơ hội, lợi ích đối với các ngân hàng khi thực hiện chuyển đổi số, ông Phạm Xuân Hòe – Nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, việc số hóa ngân hàng có thể làm thay đổi diện mạo của các ngân hàng và tạo ra nhiều giá trị mới như làm tăng trải nghiệm khách hàng; chất lượng vận hành, dịch vụ tốt hơn, hiệu quả hơn; giảm chi phí vận hành; nhiều dịch vụ sáng tạo hơn; an toàn bảo mật cao hơn….

“Một kết quả khảo sát tại các TCTD Việt Nam của NHNN cho thấy, số hóa giúp các ngân hàng tiết kiệm đến 60 - 70% chi phí và một khi đã tiếp cận với số hóa, các ngân hàng có xu hướng tiếp cận ngày càng sâu hơn với dịch vụ ngân hàng số, tích hợp đa chiều trong cung ứng dịch vụ tài chính trọn gói” – ông Hòe chia sẻ thêm.

Thách thức cũng song hành

Bên cạnh những cơ hội, lợi ích khi thực hiện chuyển đổi số, theo các chuyên gia tại hội thảo, các ngân hàng cũng gặp phải không ít khó khăn, thách thức trong quá trình thực hiện chuyển đổi số.

Khó khăn đầu tiên, theo bà Nguyễn Thùy Dương đó là, phần lớn các ngân hàng không xác định rõ tầm nhìn về số hóa ngân hàng và mối liên hệ với chiến lược kinh doanh của ngân hàng. Mặt khác, hầu hết các ngân hàng gặp thách thức với các hệ thống hiện tại và cần được giải quyết ở một chiến lược công nghệ thông tin.

Bên cạnh đó, theo ông Phạm Xuân Hòe, trong quá trình số hóa, các ngân hàng cũng gặp phải sự cạnh tranh mạnh mẽ trong kinh doanh từ nhiều đối thủ mới như các ngân hàng ảo, các công ty công nghệ tài chính lớn và các hoạt động ngân hàng nằm ngoài phạm vi các ngân hàng. Cùng với đó, các cuộc tấn công mạng lớn cũng là một quan ngại hàng đầu mà các TCTD phải đối mặt, rồi cả những quan ngại về chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế…

Đặc biệt, một trở ngại rất quan trọng theo ông Phạm Xuân Hùng – Trưởng Ban Nghiên cứu và Điều phối chính sách giám sát, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia đó là, khoảng trống trong hành lang pháp lý đối với phát triển ngân hàng số còn chậm ban hành, chủ yếu mới tập trung cho các hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt (như về chứng thực chữ ký số, xác định danh tính khách hàng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong dịch vụ tài chính, bảo vệ tính riêng tư dữ liệu người dùng…), nên chưa đáp ứng được yêu cầu tạo thuận lợi để hệ thống ngân hàng thích ứng với bối cảnh số hóa.

Từ thực trạng trên, các chuyên gia khuyến nghị, để tạo điều kiện thuận lợi cho tiến trình chuyển đổi số ngành ngân hàng, trước hết, về phía nhà nước, cần có quan điểm mở tạo hành lang pháp lý cho đổi mới sáng tạo, cân bằng giữa quản lý an toàn với đổi mới sáng tạo (đi liền với rủi ro); Chính phủ cũng cần sớm xây dựng các khuôn khổ pháp lý thử nghiệm trong lĩnh vực ngân hàng…

Cùng với đó, đề nghị Chính phủ sớm xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia để tạo điều kiện kết nối mở cho các TCTD truy xuất theo thẩm quyền được duyệt; có hành lang pháp lý đầy đủ về chia sẻ dữ liệu với bên thứ ba…

Đối với các TCTD, các chuyên gia khuyến nghị, các ngân hàng cần định hình chiến lược kinh doanh khi chuyển đổi số hóa theo kịch bản phù hợp với năng lực của ngân hàng mình.

Bên cạnh đó, các ngân hàng cần tính toán bài toán bước đi trong mở chi nhánh truyền thống hay kênh ngân hàng số phù hợp với bước đi chiến lược của ngân hàng mình. Ngoài ra, các TCTD cũng cần chú trọng thực hiện nghiêm ngặt các giải pháp về quản trị rủi ro, an ninh, bảo mật, đảm bảo dữ liệu người tiêu dùng và tăng cường đào tạo, đào tạo lại nguồn nhân lực thích ứng với thời kỳ số hóa…../.

Diệu Thiện

Diệu Thiện

© Thời báo Tài chính Việt Nam