Tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho doanh nghiệp bảo hiểm

21:58 | 14/03/2021 Print
(TBTCVN) - Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) đang được Bộ Tài chính bổ sung nhiều quy định mới đối với hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp bảo hiểm.

11

Doanh nghiệp bảo hiểm được chủ động hơn trong việc lựa chọn loại hình, phương thức kinh doanh phù hợp với năng lực.

Việc sửa đổi luật này sẽ cho phép các doanh nghiệp tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm; đổi mới mô hình tăng trưởng do chủ động lựa chọn loại hình, phương thức kinh doanh phù hợp với năng lực, đa dạng hóa các phương thức kinh doanh; tiết giảm chi phí do đơn giản hóa thủ tục hành chính và chủ động trong hoạt động kinh doanh; từ đó thúc đẩy sự phát triển của thị trường bảo hiểm.

Điều chỉnh pháp lý để doanh nghiệp phát triển, hội nhập

Theo số liệu thống kê, tính tới cuối năm 2020, thị trường bảo hiểm tại Việt Nam có 70 doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm phi nhân thọ, môi giới bảo hiểm, tái bảo hiểm và 1 chi nhánh DNBH phi nhân thọ nước ngoài. Tổng tài sản của toàn thị trường tăng trưởng bình quân 24%/năm, đạt 552.403 tỷ đồng (năm 2020). Tổng số tiền các DNBH đầu tư trở lại nền kinh tế tăng trưởng bình quân 24%/năm, đạt 460.457 tỷ đồng. Dự phòng nghiệp vụ tăng bình quân 23%/năm, đạt 355.240 tỷ đồng. Doanh thu phí bảo hiểm tăng bình quân 19%/năm, đạt 184.662 tỷ đồng.

Cùng với đó, vốn chủ sở hữu của các DNBH tăng bình quân 38%/năm, đạt 113.523 tỷ đồng năm 2020, trong đó vốn chủ sở hữu của các DNBH phi nhân thọ đạt 31.035 tỷ đồng, DNBH nhân thọ đạt 82.488 tỷ đồng.

Cũng tính đến hết năm 2020, mạng lưới hoạt động của thị trường bảo hiểm được mở rộng, các DNBH đã có tới hàng nghìn chi nhánh, văn phòng đại diện trên phạm vi cả nước nhằm tăng cường chất lượng phục vụ khách hàng từ khâu bán hàng, chăm sóc và thực hiện bồi thường. Hệ thống đại lý bảo hiểm và nhân viên được đào tạo bài bản và từng bước đi vào hoạt động chuyên nghiệp hơn; các kênh phân phối mới cũng đã bước đầu có đóng góp nhất định vào mở rộng thị trường, trong đó kênh phân phối bảo hiểm qua ngân hàng đóng góp không nhỏ vào tổng doanh thu phí toàn thị trường.

Theo thống kê của các DNBH, khoảng 80% các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng, công trình kinh tế lớn của Nhà nước đã được các DNBH bảo vệ về mặt tài chính trong trường hợp xảy ra sự kiện bảo hiểm mà không cần phải sử dụng đến nguồn kinh phí hỗ trợ thiệt hại từ ngân sách nhà nước, góp phần thực hiện chính sách tài khóa. Trong giai đoạn 2000 - 2020, các DNBH đã thực hiện bồi thường và chi trả quyền lợi bảo hiểm lên đến 340.000 tỷ đồng. Có thể nói, bảo hiểm đã thể hiện vai trò là một công cụ, giải pháp tài chính hữu hiệu giúp cho các nhà đầu tư yên tâm sản xuất kinh doanh mà không cần sử dụng đến các giải pháp tín dụng và dự phòng tài chính khác.

Tuy nhiên, trong bối cảnh sự phát triển mạnh mẽ của thị trường bảo hiểm các nước trên thế giới và khu vực, các cơ chế chính sách đối với DNBH cần được cập nhật, phù hợp với sự phát triển của thị trường trong nước và quốc tế. Cùng với đó, nền kinh tế nước ta ngày càng phát triển, đời sống của nhân dân ngày càng được nâng cao, nhận thức của các tổ chức, cá nhân về bảo hiểm càng ngày càng tăng. Sự phát triển của các dịch vụ tài chính mới, cách mạng công nghiệp lần thứ 4 dẫn đến nhu cầu tham gia bảo hiểm ngày càng lớn. Trong khi đó, một số DNBH chưa mạnh dạn đầu tư phát triển công nghệ thông tin nên việc ứng dụng thành tựu công nghệ còn chưa đồng đều, chưa sâu.

Tăng tự chủ nhưng cũng tăng tự chịu trách nhiệm

Theo dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến, việc sửa đổi luật sẽ cho phép các DNBH tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm; đổi mới mô hình tăng trưởng do chủ động lựa chọn loại hình, phương thức kinh doanh phù hợp với năng lực, đa dạng hóa các phương thức kinh doanh; tiết giảm chi phí do đơn giản hóa thủ tục hành chính và chủ động trong hoạt động kinh doanh; từ đó thúc đẩy sự phát triển của thị trường. Ngược lại, các tổ chức, cá nhân sẽ có thêm nhiều lựa chọn do mọi thông tin đều công khai, minh bạch, nhiều cách thức tiếp cận với DNBH; tiết kiệm được chi phí.

Theo đó, dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi đã bổ sung phạm vi hoạt động sang một số sản phẩm bảo hiểm thuộc lĩnh vực bảo hiểm khác cho DNBH; sửa đổi, bổ sung điều kiện cấp phép thành lập và hoạt động theo hướng cho phép các tập đoàn tài chính có hoạt động kinh doanh bảo hiểm, đơn giản điều kiện cho các DNBH đã được cấp giấy phép tại Việt Nam muốn thành lập DNBH mới.

Cùng với đó, dự thảo đã bổ sung toàn bộ các quy định về kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ, quản trị rủi ro theo thông lệ quốc tế, phù hợp với tính chất hoạt động kinh doanh bảo hiểm, nhằm bảo đảm tuân thủ pháp luật, phòng ngừa, phát hiện, xử lý kịp thời rủi ro, đánh giá độc lập về tính thích hợp và sự tuân thủ quy định, chính sách nội bộ, thủ tục, quy trình, xác định, đánh giá, đo lường, giám sát, kiểm soát và giảm thiểu rủi ro của DNBH.

Về hoạt động nghiệp vụ, dự thảo đã bổ sung toàn bộ các quy định về việc cho phép DNBH chủ động trong việc thiết kế, xây dựng sản phẩm bảo hiểm, Bộ Tài chính chỉ phê chuẩn phương pháp trích lập dự phòng nghiệp vụ và phương pháp tính phí; bổ sung quy định điều kiện trong trường hợp thuê ngoài và những điều không được phép trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm.

Dự thảo cũng bổ sung yêu cầu công khai thông tin định kỳ; bổ sung yêu cầu công khai thông tin thường xuyên; bổ sung yêu cầu công khai thông tin bất thường khi phát hiện gian lận, vi phạm pháp luật liên quan đến giải quyết quyền lợi bảo hiểm có thể ảnh hưởng đến toàn ngành bảo hiểm,..

Khuyến khích ứng dụng công nghệ thông tin

Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) bổ sung nội dung, nguyên tắc khuyến khích các doanh nghiệp bảo hiểm ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm; bổ sung các dịch vụ liên quan đến bảo hiểm có thể được cung cấp qua môi trường mạng và yêu cầu đối với tổ chức cung cấp dịch vụ.

Duy Thái

Duy Thái

© Thời báo Tài chính Việt Nam