Bảo hiểm thất nghiệp: Thể hiện rõ bản chất an sinh xã hội

10:26 | 13/01/2021 Print
(TBTCVN) - Năm qua, dịch Covid-19 đã tác động lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh, khiến nhiều lao động mất việc làm. Chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã thực sự trở thành điểm tựa của người lao động, giúp họ có nguồn tài chính vượt qua giai đoạn khó khăn, duy trì cuộc sống.

bh

Chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã thực sự là điểm tựa giúp người lao động vượt qua khó khăn thời kỳ Covid-19 .

Điểm tựa lúc thất nghiệp, khó khăn

Theo số liệu từ Ban Thu (Bảo hiểm xã hội - BHXH Việt Nam), tính đến hết năm 2020, có khoảng trên 13,29 triệu người người tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), chiếm tỷ lệ khoảng 27% lực lượng lao động trong độ tuổi, tăng gần 3 triệu người (29%) so với năm 2015 (có 10,3 triệu người). Điều này cho thấy, chính sách BHTN đã thành công, thu hút đông đảo người lao động và doanh nghiệp tham gia. Từ khi bắt đầu thực hiện năm 2010, chính sách BHTN đã thực hiện tốt vai trò là điểm tựa cho người thất nghiệp.

Trong năm 2020, hoạt động sản xuất kinh doanh chịu tác động nặng nề bởi đại dịch Covid-19, dẫn tới việc nhiều lao động mất việc làm, mất thu nhập. Tuy nhiên, với vai trò quan trọng, chính sách BHTN càng khẳng định rõ hơn vai trò của mình. Theo đó, những người lao động được tham gia BHXH, bảo hiểm y tế đầy đủ - dù phải thực hiện giãn cách xã hội thì vẫn đảm bảo một phần thu nhập, thậm chí được quỹ BHTN hỗ trợ tới 60% mức lương hằng tháng với thời gian hưởng tối thiểu 3 tháng và được cấp thẻ BHYT.

Ông Đào Duy Hiện - Phó Trưởng ban Thực hiện chính sách BHXH (BHXH Việt Nam) cho biết, trong năm 2020, số người lao động đến nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp trên cả nước vào khoảng 1,03 triệu người, tăng khoảng 24%. Số tiền chi trả trợ cấp thất nghiệp trong năm đã lên tới gần 16 nghìn tỷ đồng, tăng so với cùng kỳ năm 2019 khoảng 33%. Như vậy, BHTN đã giúp bảo đảm phần nào đời sống của một bộ phận người lao động và gia đình của họ trong dịch bệnh, góp phần ổn định kinh tế của đất nước.

Một trong 4 chế độ của chính sách BHTN là chính sách hỗ trợ học nghề. Thời gian qua, bên cạnh việc số người hưởng trợ cấp thất nghiệp gia tăng, số người được hỗ trợ học nghề cũng có xu hướng tăng qua từng năm. Cụ thể, theo thống kê từ Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) từ năm 2010 mới có 270 người được hỗ trợ học nghề, đến năm 2015 có 24.363 người được hỗ trợ học nghề; đến năm 2020, tổng số người được hỗ trợ học nghề là hơn 251 nghìn người, với tổng chi là hơn 482 tỷ đồng. Số người được hỗ trợ học nghề chiếm khoảng 5% số người hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Mở rộng độ bao phủ lên 28% lực lượng lao động

Nghị quyết 28 của Ban Chấp hành Trung ương đặt ra mục tiêu, đến năm 2021, mở rộng đối tượng BHTN đạt 28% lực lượng lao động trong độ tuổi; đến năm 2025 đạt 35% và đến năm 2030 đạt 40%... Có thể thấy, số người tham gia BHTN hiện đã tiệm cận chỉ tiêu năm 2021 theo Nghị quyết số 28. Tuy nhiên, với thực tế hiện nay, để phát triển, mở rộng đối tượng tham gia thì theo các chuyên gia, trước tiên cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, thực hiện việc đóng đúng, đóng đủ đối tượng. Đồng thời, Nhà nước cần sửa đổi quy định về mở rộng đối tượng là lao động có giao kết hợp đồng theo mùa vụ, từ đủ 1 tháng trở lên để đồng nhất với đối tượng tham gia BHXH hiện nay. Cùng với đó, cơ quan chức năng cần xem xét, phát triển, mở rộng đối tượng ở khu vực chính thức và ở khu vực phi chính thức. Cùng với đó, cơ quan chức năng cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính để có thể tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các đối tượng tham gia, qua đó có thể mở rộng đối tượng theo quy định, nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của các đối tượng liên quan khi tham gia chính sách này.

Từ góc nhìn cơ quan BHXH Việt Nam, ông Nguyễn Thế Mạnh - Tổng giám đốc BHXH Việt Nam cho biết, chính sách BHTN là một vấn đề được rất nhiều người lao động quan tâm trong đại dịch Covid-19. Với vai trò là cơ quan thực hiện chính sách này, thời gian tới, BHXH Việt Nam sẽ tiếp tục tổ chức thu, chi các chế độ BHTN, quản lý và sử dụng quỹ BHTN, theo quy định của Luật Việc làm và các quy định liên quan.

Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam sẽ kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền tăng cường giám sát việc thực hiện các chế độ BHTN nhằm đưa người lao động thất nghiệp sớm quay trở lại thị trường lao động, đánh giá lại công tác dạy nghề, tư vấn giới thiệu việc làm cho người lao động bị thất nghiệp (cả về mặt chính sách cũng như hiệu quả trong việc tổ chức thực hiện chính sách dạy nghề, hệ thống tư vấn giới thiệu việc làm cho người lao động bị thất nghiệp hiện nay). Từ đó, đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách về hỗ trợ học nghề, tư vấn giới thiệu việc làm cho người lao động; mở rộng điều kiện hỗ trợ để người sử dụng lao động dễ tiếp cận hơn với chế độ hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm; bổ sung thêm các khoản hỗ trợ khác ngoài hỗ trợ học nghề.

Chi phí quản lý quỹ bảo hiểm thất nghiệp thực hiện theo đúng quy định


Việc quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm thất nghiệp được quy định rõ trong Luật Việc làm. Quỹ được sử dụng chi trả các chế độ bảo hiểm thất nghiệp, hỗ trợ học nghề, hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm, đóng bảo hiểm y tế cho người hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Chi phí quản lý được thực hiện theo Luật Bảo hiểm xã hội, đầu tư để bảo toàn và tăng trưởng quỹ. Hoạt động đầu tư quỹ bảo hiểm thất nghiệp được thực hiện bảo đảm nguyên tắc an toàn, hiệu quả, thu hồi được khi cần thiết, thông qua các hình thức mua tín phiếu, trái phiếu, đầu tư vào các dự án quan trọng theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, cho Ngân hàng Nhà nước, ngân hàng thương mại do Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ vay.

Mai Lâm

Mai Lâm

© Thời báo Tài chính Việt Nam