Hết biên độ điều chỉnh, tỷ giá có giữ được cam kết đến cuối năm?

08:46 | 08/05/2015 Print
Động thái điều chỉnh tỷ giá 1% của Ngân hàng Nhà nước được đánh giá là cần thiết, hợp lý, nhằm giảm thâm hụt thương mại, giảm sức ép với thị trường ngoại hối. Sau điều chỉnh, vấn đề đang được quan tâm là liệu tỷ giá có giữ được mức ổn định này trong 8 tháng cuối năm?

tygia

Mức điều chỉnh hợp lý

Đây là lần điều chỉnh tỷ giá thứ 2 của NHNN trong hơn 4 tháng qua, và cũng là vừa hết biên độ điều chỉnh tỷ giá 2% trong năm 2015 như NHNN đã tuyên bố hồi đầu năm.

Quyết định này của NHNN mặc dù sớm hơn dự báo nhưng không gây ngạc nhiên khi tình hình tỷ giá VND/USD đã tăng liên tục trong một vài tuần vừa qua, đặc biệt những ngày đầu tháng 5. Việc tỷ giá tăng đụng trần cho thấy nhu cầu USD trên thị trường rất lớn.

Theo ông Cao Sĩ Kiêm, cựu Thống đốc NHNN, việc điều chỉnh tỷ giá thời điểm này là hợp lý bởi tình hình cung cầu ngoại tệ đang căng thẳng, nếu để tiếp tục sẽ ảnh hưởng xấu đến sản xuất kinh doanh. Có thể thấy rằng, biến động tỷ giá các tháng đầu năm vừa qua đã gây thiệt hại cho hoạt động xuất khẩu, trong khi làm tăng nhập siêu.

Bên cạnh đó, sức ép tỷ giá thời gian qua cũng do yếu tố tâm lý khiến người dân có xu hướng găm giữ, làm thị trường thêm nóng. Vì vậy việc điều chỉnh tỷ giá là cần thiết để ổn định tâm lý, tạo niềm tin cho thị trường.

“Hơn nữa, mức điều chỉnh này là phù hợp, không quá cao hay quá thấp, vừa đủ để tạo sự hỗ trợ cho xuất khẩu mà vẫn nằm trong dư địa đã định”, ông Cao Sĩ Kiêm nói.

Bình luận về tác động của quyết định này, ngân hàng HSBC cho rằng đây là một biện pháp chủ động nhằm giúp thu hẹp thâm hụt thương mại và kìm hãm suy thoái nhẹ trong cán cân thanh toán của Việt Nam. Từ đầu năm nay đến nay, thâm hụt thương mại đã lên đến 3,3 tỷ USD, cao nhất kể từ năm 2011. Gần đây, NHNN đã phải dùng dự trữ ngoại tệ để đáp ứng nhu cầu USD tăng cao trong nước bắt nguồn từ việc nhập khẩu hàng hoá tăng và sự chảy vốn ra ngoài không rõ ràng.

Cùng quan điểm này, ngân hàng ANZ cũng cho rằng việc điều chỉnh tỷ giá sẽ giúp thu hẹp thâm hụt thương mại. Sức ép đối với tiền đồng gần đây bắt nguồn từ mức thâm hụt thương mại tăng mạnh, cho dù dòng vốn FDI vẫn cao.

Mặc dù việc giảm giá tiền đồng thường được coi sẽ hỗ trợ chính cho xuất khẩu nhưng HSBC lại có quan điểm khác. “Chúng tôi tin rằng những lo ngại về việc mất năng lực cạnh tranh xuất khẩu đang bị phóng đại quá mức”, báo cáo của ngân hàng này viết.

Theo HSBC, đồng Việt Nam yếu sẽ giúp Việt Nam tăng trưởng, làm nhẹ bớt một số gánh nặng nợ trong nước, nhất là khi gánh nặng nợ trong nước đang tăng.

ANZ dự báo tỷ giá có thể đạt 22.050 VND/USD vào cuối năm

Khi tỷ giá đã được điều chỉnh đến 2% trong 4 tháng đầu năm, vấn đề đặt ra trong những tháng còn lại, tỷ giá liệu có biến động?

Theo ông Cao Sĩ Kiêm, thông thường tỷ giá sẽ nóng vào thời điểm cuối năm, khi nhu cầu thanh toán, giao dịch tăng cao. Khi đó, nếu cần thiết có thể “hãm” lại và thực hiện điều chỉnh vào đầu năm tới, như đã thực hiện đầu tháng 1/2015.

“Nếu tăng đến 3% trong năm nay thì có thể ảnh hưởng đến niềm tin của thị trường đối với tuyên bố của NHNN, làm DN kém chủ động trong sản xuất kinh doanh”.

Một chuyên gia kinh tế khác nhận định, trong bối cảnh sức ép trên thị trường ngoại hối vẫn lớn, thị trường tài chính thế giới còn biến động khó lường, việc giữ tỷ giá ổn định ở mức hiện nay mà không cần điều chỉnh trong gần 8 tháng còn lại của năm là rất khó khăn.

Dự báo về biến động tỷ giá từ nay đến cuối năm, HSBC cho rằng tiền đồng ít có khả năng suy yếu mạnh. Với chu kỳ tín dụng tốt, lạm phát thấp và lãi suất thực cao hơn, chính sách ngoại hối sẽ trở nên linh động hơn trong khả năng quản lý các thời điểm có nhu cầu USD cao. Vì vậy, tỷ giá cuối năm được dự báo ở mức 21.750 VND/USD, cao hơn 0,35% so với tỷ giá bình quân mới và không cao hơn nhiều so với mức giá hiện tại ở các ngân hàng thương mại.

Theo HSBC, mặc dù NHNN đã sử dụng một phần dự trữ ngoại tệ nhưng vẫn còn tốt hơn so với một số thời điểm trước đây. Vì vậy, tỷ giá VND/USD khó có khả năng lên cao trong một vài tháng tới.

Trong khi đó, ANZ vẫn dự báo rằng tỷ giá có thể đạt mức 22.050 VND/USD vào cuối năm nay, và như vậy là tiền đồng suy giảm 3,1% so với mức 1,4% trong năm 2014. Mặc dù dự trữ ngoại hối của VN đang tăng (35 tỷ USD), nhưng vẫn chỉ đạt tỷ lệ tương đối thấp là khoảng 2,5 tháng nhập khẩu, dưới mức khuyến cáo bình quân là 3 – 4 tháng, ANZ cho biết./.

Hoàng Yến

Hoàng Yến

© Thời báo Tài chính Việt Nam