Doanh nghiệp sẽ niêm yết chính thức ngay sau khi IPO

10:00 | 01/01/2015 Print
(TBTCVN) - “Việc cần phải cổ phần hóa các doanh nghiệp (DN) 100% vốn nhà nước gắn với niêm yết, giao dịch trên thị trường chứng khoán là công việc đương nhiên, bắt buộc thay vì khuyến khích như trước đây”.

IPO

Đây là ý kiến của ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính Doanh nghiệp – Bộ Tài chính trong cuộc trao đổi với phóng viên TBTCVN về chủ đề tăng tốc cổ phần hóa (CPH), phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) để thu hút nhà đầu tư đến với thị trường Việt Nam.

*Thưa ông, trong năm qua hoạt động CPH, IPO các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đã được tăng tốc và sẽ còn được đẩy nhanh hơn nữa trong năm tới. Liệu đây có phải là cơ hội lớn để thu hút các nhà đầu tư đến với Việt Nam?

- Đây đúng là cơ hội đầu tư, nhưng hấp dẫn hay không còn do người bán chứ không hẳn chỉ là hàng hóa. Nhiều nhà đầu tư lớn chưa đến được với DN vì DN chưa thực sự minh bạch thông tin, thực sự mở lòng. Vừa qua, khi chúng tôi tiếp xúc với Tập đoàn JX Nippon Oil & Energy của Nhật, điều họ quan ngại nhất là thông tin chưa rõ ràng.

Sau khi gặp gỡ các bộ, ngành để lấy thông tin nhiều chiều, họ đã không những trở thành cổ đông chiến lược mà còn kết hợp với Petrolimex để làm nhà máy lọc dầu lớn ở Vân Phong, hợp tác lâu dài cùng Petrolimex. Đó là cơ hội, tiềm năng đầu tư, nhưng nếu không biết kêu gọi sẽ rất khó.

Nhìn lại vấn đề khi Petrolimex CPH cách đây vài năm cho thấy chưa thực sự thành công, vấn đề đặt ra ở đây là phải thay đổi cách thức thực hiện. Hình ảnh của Petrolimex sau khi có cổ đông chiến lược lớn tham gia như JX sẽ giúp cho đợt chào bán cổ phần tới đây thành công hơn, giá trị cũng sẽ cao hơn.

* Đã có rất nhiều giải pháp được đưa ra để thúc đẩy IPO như các DNNN không cần nắm tỷ lệ chi phối, gia tăng tối đa tỷ lệ chào bán trong đợt IPO… Theo ông, đâu là những giải pháp quyết liệt hơn nữa để đẩy nhanh IPO trong thời gian tới ?

- Năm 2014, các giải pháp thể chế đã được mở ra thông thoáng. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã có nhiều giải pháp kỹ thuật như: Rút ngắn thời gian thẩm định hồ sơ trong việc đấu giá, thoái vốn; nghiên cứu để có quy trình đảm bảo thành công của các đợt IPO như phải có các đánh giá hàng hóa chào bán có đúng giá trị thực hay giá trị bong bóng; phải có bước thăm dò thị trường xem IPO có được mong đợi hay không, nếu thị trường không “mặn mà” thì phải xem lại. Hình ảnh DN phải được quảng bá, giới thiệu rộng rãi.

Doanh nghiệp sẽ niêm yết chính thức ngay sau khi IPO
 Việc cần phải cổ phần hóa các doanh nghiệp (DN) 100% vốn nhà nước gắn với niêm yết, giao dịch trên thị trường chứng khoán là công việc đương nhiên, bắt buộc   Ông Đặng Quyết Tiến

Với DN lớn, để CPH thành công, đạt giá trị cao càng phải chuẩn bị thật tốt. Thậm chí, có thể áp dụng lộ trình gia tăng giá trị DN như kêu gọi nhà đầu tư (cổ đông chiến lược) vào trước để cùng DN tái cơ cấu quản trị, bộ máy quản lý, gia tăng hiệu quả hoạt động, qua đó làm tăng hình ảnh của DN, tăng khả năng thu hút các nhà đầu tư như với Petrolimex thì hiệu quả thu về sẽ cao.

* Nhiều nhà đầu tư đề nghị Chính phủ sửa đổi quy định theo hướng gia tăng thời gian công bố thông tin, kế hoạch CPH, IPO để họ có thời gian xem xét chuẩn bị nhiều hơn. Ông đánh giá thế nào về điều này?

- Đây cũng là một giải pháp kỹ thuật mà UBCKNN sẽ đưa ra. Các sở giao dịch chứng khoán khi nhận hồ sơ phải rà soát lại, nếu đủ điều kiện để IPO, trong đó, có điều kiện về công bố thông tin thì mới được làm. Về nguyên tắc hiện nay với DNNN, không phải khi CPH mới công khai thông tin mà vừa qua Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN đã có một chương quy định bắt buộc về minh bạch, công khai thông tin như DN đại chúng. Đồng thời theo quy định tại Nghị định 61, từ năm 2014 DN phải thực thi công khai minh bạch.

* Các nhà đầu tư cũng đề nghị Chính phủ định kỳ công bố thông tin về DN chuẩn bị CPH, để họ nắm bắt thông tin khi DN tiến hành IPO. Vấn đề liệu có được thực hiện trong thời gian tới không, thưa ông?

- Việc công khai danh mục và thông tin về DN chuẩn bị CPH sẽ là một nội dung quan trọng trong công tác CPH; theo đó, các bộ, ngành phải chủ động về công tác này.

Năm 2014, điều này chưa làm được vì Chính phủ đã ra Quyết định 37 về tiêu chí phân loại danh mục DNNN, trong đó mở rộng thêm những DN đã CPH rồi mà Nhà nước nắm dưới 65%, xét thấy không cần thiết nắm giữ, thì sẽ cho phép thoái vốn hết. Còn những DN hiện nay theo phê duyệt của Chính phủ là giữ ở mức chi phối, nhưng theo Quyết định 37 là không cần thiết nữa thì tiếp tục rà soát để đưa vào danh mục sẽ tiến hành CPH.

Năm 2015, Chính phủ sẽ tính toán công bố danh mục để các nhà đầu tư tìm hiểu trước. Một mặt các DN phải chủ động, một mặt các nhà đầu tư trên cơ sở dựa trên danh mục của Chính phủ công bố sẽ chủ động tìm đến, tạo thêm cơ hội thu hút đầu tư vào Việt Nam. Đây là kiến nghị hợp lý.

* Quyết định 51 gắn IPO, CPH với đăng ký niêm yết, giao dịch trên thị trường chứng khoán (TTCK). Tuy nhiên, một số DN lớn không muốn đăng ký giao dịch trên sàn UPCOM, mà xong IPO thì muốn bước thẳng lên sàn niêm yết luôn, điều này có hợp lý không, thưa ông?

- Mục tiêu của Chính phủ cũng như Bộ, ngành là sau khi CPH xong DN phải thực hiện niêm yết ngay trên TTCK. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật về chứng khoán, sau khi IPO, DN phải đạt những điều kiện nhất định theo quy định của TTCK mới có thể niêm yết. Những DN lớn chuẩn bị tốt từ khâu CPH sẽ đủ điều kiện ngay.

Chẳng hạn như những DN lớn có 3 năm không lỗ, có kế hoạch 5 năm sau khi CPH khả thi, tỷ suất lợi nhuận tốt, chiến lược kinh doanh rõ ràng thì không cần qua sàn UPCOM mà có thể đăng ký để niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán. Tới đây, UBCKNN sẽ rà soát lại quy trình này, DN nào đạt sẽ đưa lên luôn, không cần thiết qua sàn UPCOM, DN còn lại sẽ thực hiện ngay việc đăng ký qua sàn UPCOM để quản lý giao dịch và chuẩn bị đủ điều kiện để niêm yết theo đúng Luật Chứng khoán.

Đồng thời, để tăng cường kỷ luật đối với DN sau CPH gắn với TTCK, trong năm 2015 Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu để có quy định giám sát, xử lý các trường hợp DN sau CPH nhưng còn chần chừ, tránh việc giao dịch theo luật chứng khoán. Chúng tôi cho rằng, sau khi đã CPH, đăng ký giao dịch tại sàn UPCOM sau 1 đến 2 năm mà vẫn không đủ điều kiện niêm yết thì cần xem lại quá trình CPH về việc thay đổi “chất” của DN, đây chính là một tiêu chí thước đo chính xác nhất về chất lượng của CPH.

Việc đưa DN CPH xong vào ngay sàn đăng ký, UPCOM hoặc niêm yết là một trong những giải pháp mang tính đột phá, đổi mới quyết liệt để đưa DN có vốn nhà nước hoạt động minh bạch, nâng cao hiệu quả đồng vốn nhà nước gắn với thị trường. Tóm lại, việc cần phải CPH các DN 100% vốn nhà nước gắn với niêm yết, giao dịch trên TTCK là công việc đương nhiên, bắt buộc thay vì khuyến khích như trước đây và chúng tôi cũng khuyến nghị UBCKNN nên có hình thức khen thưởng, biểu dương để khích lệ DN thực hiện.

* Xin cảm ơn ông ./.

Hoàng Yến

Hoàng Yến

© Thời báo Tài chính Việt Nam