Ngư dân vẫn chưa tiếp cận được nguồn vốn theo Nghị định 67

17:25 | 04/11/2014 Print
Đến thời điểm này, chưa có tỉnh, thành phố nào hoàn thành phê duyệt danh sách ngư dân được vay vốn theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản.

gg

Toàn cảnh buổi trực tuyến. Ảnh: Hồng Quyên

Đó là những thông tin được các khách mời đưa ra tại buổi đối thoại do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 4/11 với chủ đề: “Để ngư dân vững vàng vươn khơi”.

Sau hơn 2 tháng Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản có hiệu lực thi hành, đã có khoảng 10 Quyết định và 7 Thông tư hướng dẫn từ Bộ NN&PTNT, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước ban hành, nhằm đảm bảo chính sách sớm đi vào cuộc sống.

Nghị định 67 với các chính sách khuyến khích ngư dân vươn khơi bám biển tạo giá trị kinh tế cao hơn, dần thay đổi phương thức đánh bắt cũ và định hình phương hướng đánh bắt mới hướng đến hiện đại, nâng cao giá trị thủy sản.

Ông Phạm Ngọc Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản (Bộ NN&PTNN) cho biết, so với trước đây, chính sách cho phát triển thủy sản theo Nghị định 67 thông thoáng hơn nhằm hỗ trợ ngư dân đóng mới tàu, đầu tư khai thác hậu cần nghề cá. Về nguồn vốn cũng được thông thoáng hơn trong cơ chế rủi ro, lãi suất, thời hạn cho vay,…đáp ứng sự mong mỏi của bà con nhân dân.

Tuy nhiên, lý do hiện chưa có trường hợp nào được vay vốn theo Nghị định 67 được ông Tuấn cho biết, việc đăng ký và xét duyệt đối tượng đủ điều kiện vay vốn được đưa lên từ cấp xã, sau đó mới đưa lên huyện thẩm định và UBND tỉnh, thành phố thẩm định quyết định danh sách đối tượng cuối cùng.

“Khi chính sách đưa ra, ở địa phương ai cũng cần vay vốn, trong khi chưa hiểu hết được các điều kiện và cũng không loại trừ ở địa phương bị chi phối bởi tình làng nghĩa xóm, không biết bỏ ai, chọn ai. Điều này dẫn tới tắc ngay từ dưới cơ sở”, ông Tuấn chia sẻ.

Ngoài ra, ở khâu thẩm định đối tượng đủ điều kiện cũng gặp khó khăn, vì không phải Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nào ở các huyện cũng có cán bộ thẩm định thủy sản.

Ông Lê Trung Thành, Phó Tổng giám đốc BIDV cho biết, theo báo cáo của các chi nhánh BIDV thì đến hết ngày 27/10, chưa có địa phương nào phê duyệt danh sách cho vay. Đó là nguyên nhân bà con ngư dân chưa tiếp cận được vốn vay theo Nghị định 67.

Các ngân hàng thương mại và bản thân BIDV đã tham gia vào tổ giúp việc để xét duyệt các đối tượng đủ điều kiện vay vốn. Do đó, nếu các tỉnh, thành phố hoàn thiện danh sách xét duyệt, ngân hàng sẽ giải ngân cho vay ngay, rút ngắn thời gian, đảm bảo nguồn vốn đi vào hiệu quả.

Thêm lý do nữa khiến cho vay theo Nghị định 67 chậm là Bộ NN&PTNT mới công bố 21 mẫu tàu vỏ thép, phù hợp cho 4 vùng biển với 5 loại nghề vào ngày 15/10/2014, nên ngư dân không biết tàu vỏ thép đóng hết bao nhiêu tiền nên chưa tham gia đăng ký vay vốn.

Mặc dù được phía Bộ NN&PTNT xác nhận mẫu tàu vỏ thép đã được công bố ngày 15/10, tuy nhiên, ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch Hiệp hội Nghề cá TP. Đà Nẵng cho biết, trước khi dự buổi đối thoại này, phía Chi cục Thủy sản TP. Đà Nẵng cho biết, hiện nay chưa thấy mẫu tàu nào.

Cũng theo ông Lĩnh, Nghị định ra đời với chính sách thông thoáng, ngư dân rất vui mừng đăng ký đóng tàu để vươn khơi. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, cũng đã cố giải thích cho ngư dân hiểu rõ đây không phải là chương trình xóa đói giảm nghèo, cũng không phải là chương trình mang tính chất xã hội, mà là chương trình làm ăn kinh tế theo hướng hiện đại hóa. Ngân hàng, hoặc một tổ chức kinh tế cho vay ngư dân vay vốn dưới sự hỗ trợ của nhà nước, để cho ngư dân nhận thức rõ không bị tác động tâm lý ồ ạt đăng ký.

Tuy nhiên cho tới nay, việc thực hiện mới chỉ dừng lại ở việc đăng ký, vì vậy chưa thấy rõ những vướng mắc trong quá trình làm thủ tục vay vốn.

Như vậy, có thể thấy rằng, nguồn vốn của hệ thống ngân hàng đã sẵn sàng cho việc giải ngân cho vay theo Nghị định 67, nhưng để nguồn vốn đến được với ngư dân thì cần sự phối hợp tích cực của các bộ, ban ngành và địa phương trong thời gian tới./.

Hồng Quyên

Hồng Quyên

© Thời báo Tài chính Việt Nam