Các ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất huy động

11:26 | 11/10/2014 Print
Trong vài ngày trở lại đây, lãi suất huy động tiền đồng đã được các ngân hàng giảm đáng kể ở hầu hết các kỳ hạn.

Cụ thể, tại Vietcombank lãi suất huy động hiện giảm từ 0,2 - 0,5%/năm ở các kỳ hạn. Mức lãi suất cao nhất sau điều chỉnh chỉ còn 6,3%/năm, kỳ hạn 1 tháng giảm còn 4,5%/năm thay vì mức cũ là 4,8%/năm trước đó; kỳ hạn 2 và 3 tháng còn lần lượt là 4,5%/năm và 5%/năm. Lãi suất cao nhất được áp dụng cho kỳ hạn từ 24 - 60 tháng giảm từ 6,8%/năm xuống còn 6,3%/năm. Đây là lần thứ ba kể từ đầu năm Vietcombank đi đầu chủ động giảm lãi suất huy động.

Trong lần điều chỉnh này, Techcombank cũng áp dụng lãi suất với kỳ hạn từ 1 tháng đến 5 tháng là 5,24 – 5,48%/năm, giảm so với mức 5,3 – 5,58%/năm trước đó. Lãi suất các kỳ hạn từ 6 tháng đến 10 tháng giảm từ 5,78 - 6,29%/năm xuống còn 5,63 – 6,1%/năm. Đáng chú ý, từ đầu tháng 10 đến nay, ngân hàng này đã 3 lần giảm lãi suất huy động.

Một số ngân hàng khác cũng đã điều chỉnh lãi suất ở một số kỳ hạn ngắn như BIDV giảm 0,2%/năm lãi suất huy động ở các kỳ hạn 3-6 tháng, MB giảm 0,1-0,2%/năm các kỳ hạn dưới 12 tháng...

Nhận định về xu thế hạ lãi suất huy động hiện nay, TS Nguyễn Đức Thành – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cho rằng, trong bối cảnh ngân hàng dư thừa vốn lớn, không cho vay được nên cũng không có nhu cầu huy động vốn quá nhiều. Do đó, giảm lãi suất cũng là cách để ngân hàng tối đa hóa chênh lệch giữa mức lãi suất đầu vào, đầu ra. Thêm nữa, động thái hạ lãi suất của các ngân hàng gần đây cũng chính là sức ép cung - cầu thị trường, phải có được đầu ra rẻ hơn để khơi thông dòng vốn. Diễn biến này cũng sẽ tạo nên sự cạnh tranh giữa các ngân hàng. Ngân hàng nào có lãi suất tốt sẽ giữ chân được khách gửi tiền.

Báo cáo về hoạt động ngân hàng vừa được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố cho thấy, tính đến ngày 30/9/2014, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay bằng VND đã giảm 0,5-1,5%/năm so với cuối năm 2013, góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh nhưng vẫn đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát và ổn định thị trường tiền tệ. Đến ngày 30/9, tổng phương tiện thanh toán tăng 10,73%, huy động vốn tăng 11,01%; trong đó, huy động bằng VND tăng 12,37%, huy động bằng ngoại tệ tăng 2,78% so với cuối năm 2013. Thanh khoản của các tổ chức tín dụng (TCTD) tiếp tục được đảm bảo và dư thừa. Lãi suất thị trường liên ngân hàng giảm và ổn định ở mức thấp.

Cũng theo báo cáo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh đối với các TCTD và chi nhánh ngân hàng nước ngoài của Việt Nam vừa được NHNN công bố, 100% các TCTD là ngân hàng đều lạc quan nhận định trạng thái thanh khoản của họ sẽ tiếp tục duy trì ổn định hoặc cải thiện trong Quý IV/2014 và cả năm 2014 so với năm 2013. Đặc biệt đa số các TCTD thuộc nhóm NHTM nhà nước nhận định tình hình thanh khoản của họ cải thiện mạnh. Kết quả cuộc điều tra cho thấy có 85-88% TCTD cho rằng mặt bằng lãi suất huy động và cho vay VND tiếp tục duy trì ổn định hoặc giảm trong 3 tháng cuối năm 2014.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, nhiều chuyên gia lo ngại khi mặt bằng lãi suất huy động xuống thấp thì người dân sẽ chuyển hướng đầu tư sang các kênh sinh lời tốt hơn như đầu tư vào vàng, bất động sản, chứng khoán…. Và tới lúc đó, những thị trường này lại có cơ hội “có sóng” trở lại./.

Theo TTXVN

Theo TTXVN

© Thời báo Tài chính Việt Nam