Cần tiến hành kiểm toán đặc biệt các ngân hàng để xác định nợ xấu

09:17 | 03/09/2014 Print
Đây là một đề xuất cải cách được coi là cấp bách nhất mà các chuyên gia Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) khuyến nghị nhằm tăng cường thực hiện cải cách thị trường tài chính Việt Nam.

no xau

Ảnh T.L minh họa

Kiểm toán đánh giá khả năng xử lý nợ

Chương trình cải cách theo đề xuất của WB và IMF đưa ra trong FSA (Báo cáo đánh giá khu vực tài chính) bao gồm 3 giai đoạn. Trong đó, biện pháp cấp bách nhất phải thực hiện trong giai đoạn đầu là tiến hành kiểm toán tài chính đặc biệt để đo lường chính xác tỷ lệ nợ xấu và kiểm toán hoạt động của các ngân hàng thương mại (NHTM) nhà nước.

Theo các chuyên gia, các đợt kiểm toán này sẽ đánh giá chất lượng danh mục cho vay, hồ sơ khách hàng vay, các loại tài sản thế chấp và giá trị ước tính, cũng như hình thức liên kết giữa các ngân hàng và khách hàng vay. Kết quả kiểm toán sẽ cho phép Chính phủ và NHNN xác định được nhu cầu cấp vốn bổ sung và các nguồn cấp vốn khác nhau. Ví dụ với các NHTM nhà nước là khả năng hỗ trợ từ ngân sách và cho phép các nhà đầu tư tư nhân chiến lược tham gia nhiều hơn.

Các NHTM nhà nước cũng sẽ phải được kiểm toán hoạt động đặc biệt, bao gồm cả kiểm toán về khả năng xử lý nợ và tái cơ cấu DN. Đối với các ngân hàng cổ phần tư nhân, cần phải đánh giá khả năng đi đầu trong việc xử lý nợ.

Giai đoạn cải cách đầu tiên này cũng sẽ bao gồm cả các biện pháp tạm thời để bảo vệ sự ổn định của hệ thống tài chính trong thời kỳ cải cách, bao gồm tăng mức bảo hiểm tiền gửi và thành lập quỹ hỗ trợ thanh khoản.

Loại bỏ một cách trật tự các ngân hàng yếu kém

Đối với giai đoạn 2 của cải cách, biện pháp chính sách quan trọng nhất là cấp vốn bổ sung cho các ngân hàng còn khả năng hoạt động để đáp ứng các quy định về an toàn vốn tối thiểu, và loại bỏ một cách trật tự các ngân hàng yếu kém. Việc cấp vốn sẽ được thực hiện cùng với thoái vốn tại các ngân hàng khác, hoặc chuyển cho VAMC hoặc SCIC để sau này thoái vốn theo điều kiện thị trường.

Với các NHTM nhà nước, các chuyên gia cho rằng cần cân nhắc thay đổi ban điều hành và lựa chọn công ty tư vấn quốc tế để thực hiện tái cơ cấu. Đối với các ngân hàng tư nhân, đây là cơ hội để thoái vốn của DNNN và làm sạch sở hữu chéo giữa các ngân hàng với nhau và giữa ngân hàng với các tập đoàn kinh tế tư nhân lớn. Các ngân hàng nhỏ hơn và không còn khả năng hoạt động có thể được đưa vào chương trình xử lý ngân hàng theo trật tự.

Trong giai đoạn này, cần cải thiện cơ sở hạ tầng và các quy định tài chính, chuẩn bị cho các cải cách về quản lý và giám sát toàn diện hơn của giai đoạn sau. Chính phủ và NHNN cũng có thể cân nhắc sửa đổi chiến lược xử lý nợ và sửa đổi cấu trúc pháp lý, tôn chỉ hoạt động của VAMC mới.

Tách nghĩa vụ chính sách ra khỏi ngân hàng thương mại nhà nước

Cuối cùng, các chuyên gia đề xuất khởi xướng chương trình phát triển thị trường vốn và các tổ chức tài chính phi ngân hàng với việc triển khai đầy đủ lộ trình phát triển thị trường trái phiếu chính phủ. Đây được coi là chương trình rất quan trọng với Việt Nam.

Giai đoạn cuối sẽ là củng cố chương trình cải cách. Khi đó, chương trình xử lý nợ sẽ được triển khai đầy đủ, với những quy định tăng cường cho VAMC. Thời điểm này, Chính phủ và NHNN cần thực hiện các biện pháp để giải phóng nghĩa vụ chính sách cho các NHTM nhà nước và đảm bảo hoạt động quản trị lành mạnh cho cả NHTM nhà nước và tư nhân.

Các NHTM nhà nước cần hoạt động với nghĩa vụ, mục tiêu và cấu trúc quản trị rõ ràng. Lý tưởng nhất là hầu hết các nghĩa vụ và chức năng chính sách sẽ được chuyển giao cho các ngân hàng chính sách, các ngân hàng này sẽ được tái cơ cấu về tài chính và hoạt động để thực hiện vai trò này hiệu quả.

Sự phát triển của trái phiếu DN và trái phiếu cơ sở hạ tầng cũng sẽ góp phần giải phóng các NHTM nhà nước khỏi nghĩa vụ thực hiện chức năng chính sách và cho vay theo chỉ định, như vậy sẽ nâng cao tính minh bạch.

Giai đoạn này cũng sẽ bao gồm cả việc tăng cường thực hiện chương trình phát triển thị trường vốn và cải cách toàn diện cơ sở hạ tầng tài chính và pháp lý, nhằm đạt những tiến bộ đáng kể trong việc triển khai lộ trình phát triển thị trường trái phiếu Chính phủ, và có thể đưa ra các trái phiếu mới như trái phiếu bảo đảm và trái phiếu cơ sở hạ tầng./.

Hoàng Yến

Hoàng Yến

© Thời báo Tài chính Việt Nam