HSBC: Cho vay sẽ chưa tăng mạnh trong hai năm tới

16:53 | 05/08/2014 Print
Báo cáo triển vọng kinh tế vĩ mô tháng 8 của HSBC đã phân tích về mối quan hệ “tay ba” giữa tăng trưởng, tín dụng và lạm phát trong nền kinh tế Việt Nam để đưa ra các dự báo về triển vọng kinh tế thời gian tới.

TT

Nghịch lý tín dụng thấp, tăng trưởng vẫn khá tốt

Theo báo cáo, hoạt động bán lẻ đã giảm mạnh trong tháng 7 xuống còn 1,6% so với cùng kỳ năm ngoái, từ mức 24,1% trong tháng 6, trong khi tăng trưởng tín dụng chậm chạp. Các phân tích cho thấy tăng trưởng cho vay thấp dẫn đến lực cầu và lạm phát thấp.

Tại Việt Nam, trong năm 2013, tổng dư nợ của nền kinh tế chiếm khoảng 97%. Dù đây là con số lớn theo nhiều thước đo, nhưng tổng dư nợ của nền kinh tế cũng đã giảm đáng kể từ năm 2010 khi mà con số này đạt đỉnh điểm là 115% GDP. Từ đầu năm 2014 đến nay, tín dụng tăng 3,6% so với cuối năm 2013 và khoảng 11% so với cùng kỳ năm trước. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đặt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho năm nay là từ 12 – 14%, trong khi HSBC dự báo tăng trưởng là 10%.

Tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng GDP danh nghĩa có mối tương quan chặt chẽ. Khi Chính phủ nỗ lực đưa Việt Nam thoát khỏi nền kinh tế tăng trưởng chủ yếu dựa vào tín dụng, tăng trưởng có thể chậm lại trong quá trình thay đổi này.

Hiện nay, Việt Nam vẫn đang trong quá trình giảm lượng nợ xấu tích lũy cao từ những năm 1990 và quá trình này sẽ tiếp tục đến năm 2016. Thông thường, nếu quý 1 tốc độ tăng trưởng cho vay quá thấp so với chỉ tiêu thì việc cho vay sẽ được đẩy mạnh vào nửa cuối năm. Ngược lại, tốc độ tăng trưởng được điều chỉnh chậm lại trong nửa cuối năm nếu nửa đầu năm đã phát triển quá mạnh.

Tuy nhiên, tăng trưởng GDP của Việt Nam vẫn còn khá tốt dù tăng trưởng tín dụng thấp. Giải thích về nghịch lý này, các chuyên gia cho rằng ngành sản xuất là một trong những nguyên nhân giúp nền kinh tế vẫn tăng trưởng ở mức 5% đến 5,% trong những năm gần đây.

Năm nay, ngành sản xuất đã tăng trưởng vững chắc cho dù có vài giai đoạn suy giảm. Xuất khẩu giúp hỗ trợ nền kinh tế tăng trưởng 14,1% tính từ đầu năm đến tháng 7. Dự báo tăng trưởng sản xuất sẽ tiếp tục trong năm 2015, khi các dự án đầu tư FDI mới bắt đầu hoạt động cũng như sự hồi phục của kinh tế toàn cầu.

Áp lực lạm phát hai năm tới không lớn

Tăng trưởng tín dụng cũng có mối liên hệ mật thiết với lạm phát toàn phần. Theo phân tích, áp lực giá sẽ dịu lại khi không có lượng lớn tín dụng được bơm vào nền kinh tế. Trong hai năm tới, tín dụng sẽ chưa tăng mạnh khi Chính phủ nỗ lực chấm dứt những đầu tư lãng phí ở những khu vực kém hiệu quả nhất. Vì vậy, lạm phát trong thời gian tới, sau khi loại trừ những yếu tố dao động theo mùa, cũng sẽ giữ trong khoảng từ 4,5% đến 6,5%.

Tuy nhiên, phân tích về thói quen vay mượn cũng như mối liên hệ với GDP, lạm phát và các lựa chọn đầu tư khác, các chuyên gia của HSBC cho rằng vòng quay của đòn bẩy tài chính này sẽ khả quan cho nền kinh tế Việt Nam trong dài hạn.

Trong nhiều năm sau, Việt Nam sẽ tiếp tục sử dụng các đòn bẩy tài chính. Trong thời gian này, nhiều cải cách để cải thiện hiệu quả của hệ thống ngân hàng và đầu tư nhà nước sẽ được tiến hành. Chính vì khối nhà nước chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế, sự sụt giảm của khối này sẽ có nhiều tác động đến tiêu dùng, đầu tư, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, kéo sự tăng trưởng nói chung đi xuống.

“Những gì đang cản trở Việt Nam không đạt mức tăng trưởng trên 7% là những yếu tố bên trong của nền kinh tế. Cải cách, đặc biệt là cải cách khu vực ngân hàng, đang được thực hiện ở tốc độ chậm chạp, chưa đủ để tạo ấn tượng về một tương lai phía trước tươi sáng hơn”, báo cáo nhận định.

Hoàng Yến

Hoàng Yến

© Thời báo Tài chính Việt Nam