DATC và VAMC: Nợ xấu bên nào sẽ tốt hơn?

15:39 | 20/12/2013 Print
Là hai công ty quốc gia chuyên về xử lý nợ xấu, tuy nhiên mô hình, mục tiêu hoạt động của DATC và VAMC có rất nhiều điểm khác biệt với những thế mạnh khác nhau.

Nhiều khác biệt về mô hình xử lý nợ

Ra đời năm 2004, Công ty mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (DATC) là một mô hình xử lý nợ xấu khá phổ biến trên thế giới. Trong khi đó, Công ty quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) ra đời năm 2013 với những đặc thù khá riêng của Việt Nam.

Dưới đây là một số điểm khác biệt về mô hình, mục tiêu của hai công ty này:

VAMC

DATC

- Mua nợ xấu theo từng ngân hàng, hoặc nhiều ngân hàng, tùy khoản.

-Mục tiêu lấy thu bù chi, không vì lợi nhuận.

- VAMC như một tổ chức xử lý nợ xấu quốc gia, tập trung xử lý nợ xấu của ngân hàng.

- Mua nợ chủ yếu theo giá trị ghi sổ, thanh toán bằng TPĐB, không lãi suất, ngân hàng phải tiếp tục trích lập dự phòng.

- Mua nợ mang tính bắt buộc với quy định TCTD có nợ xấu trên 3% là phải bán…

- Mua nợ xấu để vào kho, chờ thời gian xử lý. Nếu sau 5 năm chưa xử lý, có thể trả về TCTD xử lý, bằng khoản đã trích lập 100%.

- Mua nợ xấu chủ yếu theo đối tượng vay, chủ yếu là các DNNN, các DN CP.

- DATC phải kinh doanh hiệu quả, bảo toàn vốn nhà nước.

- DATC như một tổ chức tái thiết DN, mua nợ xấu thực hiện cơ cấu phục hồi doanh nghiệp vay nợ.

- Mua theo giá thị trường, thanh toán bằng tiền mặt, ngân hàng tất toán ngay khoản nợ.

- Mua nợ theo nguyên tắc tự nguyện đàm phán, trên cơ sở đánh giá hoạt động của cả người vay.

- DATC mua nợ xấu khi đã rà soát, đánh giá khách hàng và xác định được hướng thu hồi nợ. Mua nợ gắn với tái cấu trúc DN để thu hồi nợ.




Mua nhanh - mua chậm

Trao đổi về hoạt động xử lý nợ của DATC, ông Phạm Mạnh Thường, Phó Tổng giám đốc DATC cho biết, mục đích chính của DATC là thông qua việc mua bán xử lý nợ để hỗ trợ tái cơ cấu DNNN, đặc biệt là DN không đủ điều kiện cổ phần hóa. DATC mua lại quyền chủ nợ từ các ngân hàng với đối tượng là các khoản nợ xấu và thực hiện các giải pháp xử lý để thu nợ nhưng trọng tâm là cơ cấu lại doanh nghiệp vay để tạo giá trị gia tăng cho giao dịch mua bán nợ.

DATC mua nợ theo nguyên tắc tự nguyện, đàm phán theo giá thị trường. Sau đó, thông qua các biện pháp khác nhau như cơ cấu lại nợ, thu hồi nợ, hoán đổi tài sản, và đặc biệt là tập trung tái cấu trúc DN…

Ông Phạm Mạnh Thường

Đây là điểm khác biệt với VAMC khi công ty này mua nợ nhưng thực chất mối liên hệ giữa ngân hàng và con nợ vẫn còn, chưa giải quyết toàn diện mối quan hệ vay trả trên thị trường. Các TCTD sau khi bán nợ cho VAMC vẫn có trách nhiệm tiếp tục trích lập dự phòng và cùng VAMC thu hồi nợ.

Theo quy định, các ngân hàng có dư nợ xấu trên 3% phải bán nợ cho VAMC, giá mua theo giá trị ghi sổ trừ đi trích dự phòng và trả bằng trái phiếu đặc biệt. VAMC cũng "kén chọn" nợ xấu để mua với các tiêu chuẩn như phải có tài sản bảo đảm hợp pháp, khách hàng còn hoạt động.... Những quy định mang tính bắt buộc hành chính này giúp VAMC chỉ sau vài tháng hoạt động đã mua được gần 30.000 tỷ đồng nợ xấu, trong khi DATC từ khi thành lập đến nay mới mua để xử lý được khoảng 10.000 tỷ đồng nợ xấu.

Trong khi đó, DATC lại mua nợ theo nguyên tắc tự nguyện, đàm phán theo giá thị trường, và hoạt động mua bán nợ phải đảm bảo hiệu quả tài chính, bảo toàn vốn nhà nước và có lãi, chính điều này khiến tốc độ mua nợ của DATC không thể nhanh như VAMC. Được biết, giá mua nợ bình quân của DATC xấp xỉ 30% mệnh giá nợ xấu. Sau đó, thông qua các biện pháp khác nhau như cơ cấu lại nợ, thu hồi nợ, hoán đổi tài sản, và đặc biệt là tập trung tái cấu trúc DN… DATC đã thu hồi được khoảng 3.000 tỷ đồng, tương đương số tiền chi ra để mua nợ. Tuy nhiên, ngoài yếu tố hiệu quả tài chính, DATC còn giúp hàng hoạt DNNN chuyển đổi hoạt động theo mô hình CTCP, giúp hơn 30 tổng công ty nhà nước dọn dẹp tình trạng nợ nần để thuận lợi hơn khi làm cổ phần hóa.

Có thể thấy cách mua nợ của DATC gắn với thị trường nhiều hơn, hỗ trợ DN tái cơ cấu để thu hồi nợ, đảm bảo hiệu quả nguồn vốn. Trong khi đó, mục tiêu chính của VAMC là giúp các ngân hàng dọn dẹp bảng cân đối kế toán, kéo dài thời gian trích lập dự phòng, hỗ trợ thanh khoản cho ngân hàng. Điều này có thể thấy rõ khi gần thời điểm cuối năm, nhiều ngân hàng "xếp hàng bán nợ" cho VAMC để làm đẹp bảng cân đối, dù rằng các món nợ sau khi bán cho VAMC chỉ để đó chứ chưa cho phương án xử lý nào cụ thể. Đây là một mô hình mà các chuyên gia gọi là "tồn kho nợ xấu".

Hồi sinh nhiều doanh nghiệp

Được biết, trong số hơn 130 phương án mua bán nợ của DATC, có hơn 80 phương án xử lý theo hướng tái cấu trúc DN. Nhiều DN sau khi có sự tham gia xử lý nợ và cơ cấu của DATC đã phục hồi và làm ăn rất ổn định. DATC đã đưa lên sàn 3 DN sau khi tái cơ cấu và sắp đưa thêm một DN nữa lên sàn. Cả 3 DN được đưa lên sàn này đều nằm trong top 1.000 DN đóng thuế thu nhập lớn nhất Việt Nam trong mấy năm gần đây.

Cách làm của DATC cho thấy, việc mua nợ và xử lý thu hồi nhưng phải đảm bảo làm cho doanh nghiệp hồi sinh và phát triển hơn. Vì vậy, ngoài mục đích kinh tế của chính DATC - thì việc mua nợ của DATC cũng tạo ra lợi ích cho xã hội, đảm bảo đời sống, công ăn việc làm cho người lao động.

Ngoài việc xử lý nợ xấu theo cách thức thị trường như trên, DATC còn hỗ trợ xử lý nợ phải trả của DNNN. Mới đây nhất, công ty này đã thực hiện 2 đợt phát hành trái phiếu dưới sự bảo lãnh của Chính phủ để tái cấu trúc nợ phải trả của Vinashin. Đợt đầu để xử lý khoảng 17.500 tỷ đồng nợ xấu Vinashin vay các tổ chức tín dụng trong nước. Đợt 2 là phát hành trái phiếu quốc tế để xử lý khoản nợ 627 triệu đô la Mỹ Vinashin vay từ nước ngoài.

Còn với VAMC, việc ra đời của mô hình này đã mang lại một sự kỳ vọng lớn cho vấn đề nợ xấu ở các ngân hàng thương mại hiện nay. Vì còn mới ra đời nên chưa thể nói tới kết quả ngay lúc này, cũng như chưa thể đánh giá được "khách nợ" của bên nào sẽ tốt hơn bên nào nếu đem so sánh giữa DATC và VAMC.

Nhưng qua những kết quả bước đầu của DATC có thể thấy, cả DATC VAMC ra đời đã làm cho mô hình xử lý nợ xấu của Việt Nam có sự thay đổi, dịch chuyển dần từ mô hình phân tán sang mô hình tập trung. Cả hai mô hình này cũng được kỳ vọng sẽ góp phần xử lý mối họa nợ xấu đang làm chậm bước phát triển của nền kinh tế đất nước./.

Hoàng Yến

Hoàng Yến

© Thời báo Tài chính Việt Nam