Chứng khoán tuần: Bắt đáy, nên không?

11:07 | 18/07/2021 Print
Thị trường lại có thêm một tuần giảm dữ dội nữa, VN-Index mất 47,83 điểm tương đương 3,6%. Như vậy nhịp điều chỉnh từ ngày 2/7 đến hết tuần qua, chỉ số giảm khoảng 8,52%.

CK

Thực tế mức điều chỉnh đã mạnh hơn con số thống kê nói trên. Ngưỡng dao động của VN-Index là rất lớn và xuất hiện hai phiên đảo chiều cuối tuần. Cụ thể, nếu tính biên độ tối đa, VN-Index đạt đỉnh cao lịch sử hôm 2/7 ở 1424,28 điểm và đáy thấp nhất chỉ số chạm tới tuần qua là 1264,68 điểm. Mức điều chỉnh mà nhà đầu tư phải trải qua đâu đó 11,2%.

Đối với cổ phiếu, mức điều chỉnh còn khủng khiếp hơn nhiều. Chỉ số VN-Index là một tập hợp của tất cả các mã sàn HoSE nên các mã tăng giảm khác nhau sẽ giúp giảm cường độ điều chỉnh của chỉ số. Vì vậy thông thường biến động của VN-Index mang tính đại diện, còn không phản ánh chính xác được mức điều chỉnh ở cổ phiếu.

Mặc dù VN-Index chạm đỉnh cao lịch sử vào ngày 2/7 vừa qua, nhưng đỉnh của các cổ phiếu thì rất khác nhau. Khá nhiều mã cũng có một đỉnh lịch sử tương ứng với VN-Index hoặc lệch chỉ 1-2 phiên trước hoặc sau, như VPB, HDB, MBB, TCB, VCB, FPT, MWG, PNJ... Tuy vậy cũng có không ít cổ phiếu tạo đỉnh sớm ngay từ hàng tháng trước. Do đó mức điều chỉnh của cổ phiếu trong tương quan so sánh với VN-Index cũng không phản ánh hết cường độ giảm giá.

Nếu tính đơn giản, VN-Index chốt tháng 6 ở mức 1408,55 điểm và ngưỡng thấp nhất trong tháng 7 là 1264.68 điểm, thì mức điều chỉnh nhịp này tương đương 10,21%. Thống kê với các cổ phiếu thuộc VNAllshare trong thời gian tương ứng, thì có 11 mã giảm trên 25% giá trị (chiếm 4,2% rổ); 75 mã giảm trong khoảng 15-25% (chiếm 28,7%); 72 mã giảm từ 10%-15% (chiếm 27,6%).

Như vậy tương đương khoảng 61% số cổ phiếu sàn HoSE (trên cơ sở rổ VNALLSHARES) giảm xấp xỉ bằng và cao hơn mức giảm của chỉ số VN-Index. Tỷ lệ này xác nhận một xu hướng điều chỉnh chung.

Việc thị trường điều chỉnh khoảng 10% vẫn được xem là điều chỉnh ngắn hạn hạn. Thực tế từ đáy chu kỳ tăng hiện tại hồi tháng 3/2020 đến nay, VN-Index cũng đã trải qua 2 nhịp điều chỉnh ngắn hạn trên dưới 10% và sau đó tiếp tục đi lên. Do đó nếu coi nhịp điều chỉnh hiện tại là giảm để tăng tiếp lên đỉnh cao hơn thì vẫn có cơ sở.

Mặt khác, việc giá cổ phiếu sụt giảm trên 15% là rất mạnh (giảm 20% được xem là rơi vào thị trường gấu), từ đó nảy sinh tâm lý bắt đáy cũng là hoàn toàn bình thường. Rất nhiều cổ phiếu chạm đáy ngắn hạn trong tuần qua và có phục hồi. Ví dụ thống kê ở rổ VNALLSHARES, tuần qua có 211 cổ phiếu (chiếm 80,8%) nảy lên từ đáy, tức là chốt phiên giá cao hơn giá thấp nhất trong tuần. Có 77 mã (29,5%) đạt mức nảy tăng từ đáy hơn 2%. Rõ ràng phải có lực cầu bắt đáy mới tạo được diễn biến giá như vậy.

VNI

Vậy bắt đáy có hợp lý lúc này hay không? Câu trả lời là còn tùy vào mục đích của giao dịch bắt đáy là gì. Bắt đáy là một phần trong các chiến lược giao dịch khác nhau: Đơn giản nhất là bắt đáy để giao dịch T+3, tức là đầu cơ vào nhịp bật kỹ thuật đơn thuần; Bắt đáy để “cưa chân bàn” giảm giá vốn khối lượng cổ phiếu đang mắc kẹt; Bắt đáy để lướt sóng T+ (ngắn hạn hơn T+3); Bắt đáy vì tin rằng thị trường đã tạo đáy, giờ là lúc VN-Index lên 1.500 điểm...

Như đã nói ở trên, cơ sở cho chiến lược bắt đáy là có, giá cổ phiếu giảm sâu trong thời gian ngắn thì bật tăng trở lại là điều bình thường. Các nhà đầu tư đánh giá cơ hội đó khác nhau nên có những hành động khác nhau.

Bằng chứng rõ ràng nhất tuần qua là thanh khoản sụt giảm xuống mức rất thấp những phiên cuối tuần, cũng là những phiên giá cổ phiếu đa số phục hồi tăng trở lại. Tuần qua trung bình mỗi ngày giá trị khớp lệnh hai sàn khoảng 20.180 tỷ đồng, mức thấp nhất 11 tuần liên tiếp. Không chỉ vậy, chênh lệch thanh khoản hàng ngày cũng rất khác biệt. Phiên đầu tuần giao dịch tới trên 33.000 tỷ đồng nhưng phiên cuối tuần chỉ còn 15.691 tỷ đồng. Nếu chiến lược bắt đáy là phổ biến thì thanh khoản không thể sụt giảm nhiều như vậy.

Về mặt kỹ thuật, đối với các nhà đầu tư theo trường phái sóng Elliott thì bối cảnh thị trường khá rõ rằng VN-Index đã trải qua 3 nhịp tăng và xen kẽ 2 nhịp giảm, tức là có khả năng rất cao đã hoàn thành một chu kỳ đầu tiên. Nhịp giảm từ đầu tháng 7 đến nay rất có thể là khởi đầu của một sóng giảm trước khi VN-Index có thể bước vào một chu kỳ tăng 5 sóng mới.

Tuy nhiên trong sóng giảm thì vẫn có thể có nhịp phục hồi xen kẽ, chẳng hạn theo lý thuyết sóng A-B-C (xem đồ thị). Theo lý thuyết này thì có thể ước đoán mức độ phục hồi dựa trên các tỷ lệ. Chẳng hạn giả định là nhịp giảm đầu tiên đã kết thúc ở mức VN-Index thì mức phục hồi so với đỉnh 1424.28 có thể tương đương 50% mức giảm (đạt 1344,5 điểm) hoặc 61,8% (đạt 1363.3 điểm). Thậm chí nếu mạnh hơn nữa, chỉ số có thể quay lại đỉnh 1424,28 điểm (phục hồi 100%). Thị trường sẽ xác nhận thật sự kết thúc sóng giảm khi vượt đỉnh lịch sử và bước vào chu kỳ tăng mới.

10 cổ phiếu biến động tăng/giảm lớn nhất trên HSX trong tuần

Mã CK

Giá đóng cửa ngày 16/7

Giá đóng cửa ngày 9/7

Mức giảm (%)

Mã CK

Giá đóng cửa ngày 16/7

Giá đóng cửa ngày 9/7

Mức tăng (%)

BCM

43.1

53.5

-19.44

SII

18.35

14.25

28.77

MHC

9.32

11.2

-16.79

HCD

6.9

5.8

18.97

VIB

44.85

52.4

-14.41

PHC

20

17.6

13.64

LAF

13.9

16.2

-14.2

TEG

15.95

14.2

12.32

FIT

14.4

16.65

-13.51

PSH

25.65

22.85

12.25

SHI

19.8

22.85

-13.35

PLP

10.05

9.1

10.44

PGD

28.6

32.9

-13.07

HDG

50.4

45.8

10.04

PTL

4.39

5

-12.2

HAP

12.1

11

10

ASG

27.4

30.8

-11.04

TN1

61

56.1

8.73

CIG

6.75

7.56

-10.71

VSC

64.4

59.3

8.6

10 cổ phiếu biến động tăng/giảm lớn nhất trên HNX trong tuần

Mã CK

Giá đóng cửa ngày 16/7

Giá đóng cửa ngày 9/7

Mức giảm (%)

Mã CK

Giá đóng cửa ngày 16/7

Giá đóng cửa ngày 9/7

Mức tăng (%)

VGP

32

47.9

-33.19

CET

6.4

5.2

23.08

VHE

7.7

10.4

-25.96

MED

45.1

37.5

20.27

VE9

2.3

2.8

-17.86

DPS

0.6

0.5

20

PGT

4.5

5.4

-16.67

SJC

2.4

2.1

14.29

L62

5

6

-16.67

VC2

20.5

18.1

13.26

BST

15

17.9

-16.2

BCF

43

38.33

12.17

DL1

6.6

7.7

-14.29

VMI

1

0.9

11.11

AAV

12

13.7

-12.41

SDN

36.5

32.9

10.94

HHG

3.1

3.5

-11.43

DPC

17.7

16

10.63

SCI

31.9

35.8

-10.89

VE3

8.4

7.6

10.53

Việc bắt đáy cũng được hỗ trợ nhất định từ yếu tố cơ bản khi kết quả kinh doanh quý 2 bắt đầu được công bố chính thức dồn dập. Những blue-chips lớn nhất dự kiến công bố lợi nhuận trong 2 tuần tới nên có triển vọng tăng giá. Nhóm vốn hóa lớn tăng thì VN-Index có cơ hội tăng.

Do đó chiến lược bắt đáy thực chất là chiến lược đặt cược vào quan điểm kỹ thuật cũng như kỳ vọng một yếu tố hỗ trợ đủ tốt để tạo giá tăng ngắn hạn. Trừ những nhà đầu tư kỳ vọng lớn, rằng thị trường thực sự đã điều chỉnh xong và sắp lên 1.500 điểm, những nhà đầu tư bắt đáy đều có quan điểm ngắn hạn và sẵn sàng thoát khỏi thị trường nếu tình hình không như dự kiến. Hoạt động bắt đáy ngắn hạn sẽ phụ thuộc vào 2 yếu tố chính: Khả năng lựa chọn cổ phiếu có biên độ tăng giá tốt hơn VN-Index để đạt lợi nhuận cao trong thời gian phục hồi giả định bị giới hạn; và thị trường hoàn toàn có thể không phục hồi đủ mạnh do các tác động xấu từ bên ngoài mạnh hơn yếu tố hỗ trợ nội tại là kết quả kinh doanh.

Quy mô giao dịch toàn thị trường 2 tuần vừa qua

Ngày

Tổng giá trị khớp lệnh (tỉ đồng)

Tổng giá trị Nước ngoài mua (tỉ đồng)

Tổng giá trị Nước ngoài bán (tỉ đồng)

5.7.2021

29,260.9

1,224.5

1,293.2

6.7.2021

30,913.0

1,346.4

1,327.5

7.7.2021

27,948.6

3,142.2

1,365.0

8.7.2021

21,200.8

1,584.0

1,776.4

9.7.2021

26,184.9

2,132.5

1,324.5

12.7.2021

33,008.0

2,615.9

1,223.9

13.7.2021

16,291.4

1,134.5

1,352.6

14.7.2021

18,908.9

1,960.9

1,650.3

15.7.2021

16,190.7

1,970.9

1,240.2

16.7.2021

15,691.2

1,059.6

1,039.2

Trọng Nghĩa

Trọng Nghĩa

© Thời báo Tài chính Việt Nam