Theo vết những khoản đầu tư tài chính đen đủi của Gemadept

14:31 | 05/07/2021 Print
Công ty cổ phần Gemadept (mã GMD, sàn HOSE) đã hé lộ vài con số kinh doanh ước tính 6 tháng với doanh thu và lợi nhuận đều tăng khá. Điều này ít nhiều cũng xoa dịu bớt những muộn phiền về các cuộc phiêu lưu đầu tư tài chính sa lầy.

gemadept

Trong quý I/2021, cảng Gemalink khai thác lỗ, nhưng bắt đầu có lãi từ quý II/2021. Ảnh T.L

Lợi nhuận 6 tháng tăng trưởng 38%

Theo chia sẻ mới đây của Gemadept, doanh nghiệp ước doanh thu 6 tháng đầu năm 2021 đạt 1.439 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế 388 tỷ đồng, tăng 38% so với 6 tháng đầu năm ngoái.

Theo kế hoạch kinh doanh năm 2021, Gemadept đặt ra 2 kịch bản kinh doanh. Kịch bản 1 đặt ra mục tiêu doanh thu hợp nhất năm 2021 dự kiến 2.800 tỷ đồng, tăng 7%; lợi nhuận trước thuế 700 tỷ đồng, tăng 37% so với thực hiện năm 2020. Ở kịch bản thận trọng hơn, doanh thu mục tiêu tăng nhẹ 4% lên 2.700 tỷ đồng và lợi nhuận tăng 23% lên 630 tỷ đồng. Như vậy sau nửa năm, Gemadept đã đạt 51% kế hoạch doanh thu và 55% kế hoạch lợi nhuận theo kịch bản 1.

Một trong những động lực của Gemadept trong năm 2021 là Cảng nước sâu Gemalink đã đón con tàu đầu tiên vào tháng 1/2021.

Cảng Gemalink được khởi công xây dựng từ tháng 2/2019, có khả năng tiếp nhận tàu trọng tải lớn lên đến 200.000 DWT. Tổng vốn đầu tư cho Gemalink là 520 triệu USD cho hai giai đoạn, giai đoạn 1 là 330 triệu USD và giai đoạn 2 là 190 triệu USD.

Năng lực xếp dỡ của cảng trong giai đoạn 1 là 1,5 triệu TEU/năm và toàn dự án là 2,4 triệu TEU/năm. Trong giai đoạn 1, cảng khai thác 800 m cầu bến chính, có khả năng tiếp nhận cùng lúc 2 tàu mẹ và 230 m bến dành cho tàu tiếp vận và sà lan, trên diện tích 33 ha.

Đến giữa năm 2021, Gemalink đã hoạt động 90% công suất và từ quý III/2021 sẽ hoạt động tối đa công suất giai đoạn 1. Tương ứng, doanh thu đóng góp 40 triệu USD, lợi nhuận 1,7-1,8 triệu USD cho năm 2021.

Những “khúc xương” từ đầu tư tài chính

Cảng nước sâu Gemalink tuy mở ra nhiều kỳ vọng mới cho đại gia ngành cảng biển Gemadept, nhưng bức tranh tài chính chung của doanh nghiệp ngành cảng biển này chưa thể hoàn hảo bởi những khoản đầu tư tài chính… không đâu vào đâu.

Giá trị đầu tư tài chính ngắn hạn của Gemadept tính đến cuối quý I/2021 là 56,8 tỷ đồng, trong đó số tiền doanh nghiệp bỏ vào cuộc chơi với chứng khoán kinh doanh là hơn 45,7 tỷ đồng. Tuy nhiên, Gemadept tỏ ra không được mát tay cho lắm với đầu tư chứng khoán nên hầu hết các khoản đầu tư đều bị sụt giảm giá trị. Số tiền phải trích lập dự phòng tính đến cuối quý I lên tới 26,4 tỷ đồng, chiếm tới gần 58% so với giá gốc đầu tư ban đầu.

Một trong những khoản đầu tư thất bát nhất của Gemadept phải kể đến là khoản đầu tư giá gốc 14,2 tỷ đồng vào Công ty cổ phần Khoáng sản Magan, nhưng giá trị hợp lý ghi nhận đến cuối quý I là không còn đồng nào. Khoản đầu tư này đã xuất hiện trên báo cáo tài chính năm 2015 và treo lay lắt suốt nhiều năm qua với giá trị hợp lý càng ngày càng teo tóp dần theo từng năm.

Trong khi đó, một khoản đầu tư tài chính kém may mắn khác của Gemadept là khoản góp 31,5 tỷ đồng vào Công ty cổ phần thép Thủ Đức, nhưng giá trị hợp lý đến thời điểm gần đây chỉ còn 19,3 tỷ đồng, bốc hơi mất hơn 12 tỷ đồng.

Ngoài những khoản đầu tư vẫn còn dang dở như trên, đầu năm 2021, Gemadept cũng đã thanh lý được một khoản đầu tư vào cổ phiếu NCB của Ngân hàng TMCP Quốc dân. Đây cũng là một khoản đầu tư dai dẳng nhiều năm và gây ra nhiều mất mát về tài chính cho Gemadept.

Giá trị gốc mà Gemadept mua NCB là gần 95 tỷ đồng, nhưng có thời tăm tối nhất vào cuối năm 2016, giá trị hợp lý của số cổ phiếu này được đánh giá chỉ còn 33,6 tỷ đồng, mất tới gần 2/3 giá trị.

Trong các giai đoạn sau, từ 2017 – 2018, giá trị khoản đầu tư này có lúc cũng phục hồi ít nhiều, nhưng cũng vẫn trong trạng thái thấp hơn giá trị gốc đến vài chục tỷ đồng. Năm 2019, Gemadept thoát bớt hàng một phần khi bán bớt hơn 4,2 triệu cổ phiếu NCB, giá trị gốc đến cuối 2019 chỉ còn 37,8 tỷ đồng và giá trị hợp lý là hơn 26 tỷ đồng. Trong năm 2019, Gemadept phải ghi nhận khoản lỗ 17 tỷ đồng từ thanh lý các khoản đầu tư chứng khoán.

Năm 2020, Gemadept tiếp tục bán tiếp hơn 2,5 triệu cổ phiếu NCB và giá trị gốc đến thời điểm cuối 2020 chỉ còn hơn 3,5 tỷ đồng, lỗ thanh lý các khoản đầu tư chứng khoán trong năm 2020 ghi nhận số tiền hơn 12 tỷ đồng. Số cổ phiếu NCB còn lại được công ty thoát hàng nốt vào đầu 2021, chấm dứt khoản đầu tư nhiều duyên nợ nhưng cũng lắm trái ngang của công ty với cổ phiếu ngân hàng này./.

Gemadept là một doanh nghiệp ngành cảng biển và logistics, cổ phiếu GMD hiện đang giao dịch với thị giá khoảng 45.000 đồng/cổ phiếu. Thị giá của cổ phiếu GMD hiện thấp hơn cổ phiếu TMS của Transimex (hiện khoảng gần 58.000 đồng/cổ phiếu) và xấp xỉ với VNT của Giao nhận vận tải Ngoại thương (hơn 46.000 đồng/cổ phiếu), nhưng cao hơn hầu hết các cổ phiếu cùng ngành khác như SFI (Vận tải Safi), PRC (Logistic Portserco, STG (Kho vận miền Nam), HAH (Vận tải xếp dỡ Hải An), VNL (Logistics Vinalink)….

Chí Tín

Chí Tín

© Thời báo Tài chính Việt Nam