Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam: An toàn, hiệu quả của thị trường chứng khoán là mục tiêu hàng đầu

23:11 | 18/06/2021 Print
(TBTCVN) - Mặc dù chịu tác động từ đại dịch Covid-19, tuy nhiên, nhờ công tác phòng chống dịch quyết liệt, hiệu quả, triển vọng kinh tế vĩ mô tích cực và sự phục hồi của doanh nghiệp,… đã hỗ trợ thị trường chứng khoán Việt Nam duy trì đà tăng trưởng cả điểm số, quy mô và thanh khoản.

ck30

Ông Nguyễn Sơn – Chủ tịch HĐQT Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam phát biểu trong chương trình Tọa đàm triển khai Quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện.

Trong bối cảnh đó, qua gần 6 tháng đầu năm, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) cũng đã đạt được những kết quả tích cực.

Đảm bảo cho thị trường vận hành an toàn, thông suốt và hiệu quả

Qua gần 6 tháng đầu năm 2021, VSD đã thực hiện tốt các mặt hoạt động nghiệp vụ. Theo đó, trên thị trường chứng khoán (TTCK) cơ sở, tính tới thời điểm 31/5/2021, tổng số chứng khoán đăng ký tại VSD là 183,68 tỷ chứng khoán, tăng gần 3% so với cuối năm 2020. Số lượng chứng khoán lưu ký tại VSD đạt gần 104 tỷ chứng khoán, tăng hơn 3% so với cuối 2020.

Tính đến ngày 31/5/2021, số tài khoản lưu ký của nhà đầu tư do VSD quản lý thông tin sở hữu là 3.254.169 tài khoản; trong đó 5 tháng đầu năm 2021 số tài khoản mở mới là 490.500 tài khoản, tăng 267,3% so với cùng kỳ năm 2020. Tính cùng thời điểm, VSD đã cấp 38.323 mã số giao dịch cho nhà đầu tư nước ngoài bao gồm 4.940 tổ chức và 33.383 cá nhân. Trong 5 tháng đầu năm 2021, tổng giá trị thanh toán tiền giao dịch chứng khoán qua VSD đạt gần 2.143.648 tỷ đồng, tăng gần 29% so với cùng kỳ năm 2020.

b30

Còn trên TTCK phái sinh, tính đến ngày 31/5/2021 đã có 330.195 tài khoản của nhà đầu tư được đăng ký trên hệ thống bù trừ, thanh toán chứng khoán phái sinh của VSD, tăng 92% so với cuối năm 2020. Số lượng hợp đồng mở có hiệu lực đến thời điểm ngày 31/5/2021 là 9 hợp đồng. Trong 5 tháng đầu năm 2021, tổng giá trị giao dịch đạt gần 2.214.457 tỷ đồng; tổng giá trị thanh toán qua VSD đạt gần 4 nghìn tỷ đồng, tăng gần 85% về giá trị giao dịch và tăng 135,7% về giá trị thanh toán so với cùng kỳ, hoạt động bù trừ giao dịch ký quỹ và thanh toán giao dịch được VSD thực hiện an toàn, suôn sẻ, hiệu quả.

Về hoạt động dịch vụ quỹ, trong kỳ, VSD đã ký hợp đồng cung cấp dịch vụ cho 1 quỹ mở mới. Hiện tại, VSD đang cung cấp dịch vụ cho 30 quỹ mở, 3 quỹ hưu trí, 7 quỹ ETF và 3 quỹ đóng, đảm bảo hệ thống vận hành an toàn và thông suốt.

Góp phần thiết thực cho các giải pháp phát triển thị trường

Cùng với việc thực hiện tốt vai trò “người lo hậu kỳ”, trong thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Bộ Tài chính, VSD đã hoàn thiện Phương án đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho VSD giai đoạn 2021 - 2025 sau khi có ý kiến góp ý của Bộ Tài chính; tham gia ý kiến dự thảo tờ trình và quyết định của Thủ tướng Chính phủ về thành lập, tổ chức và hoạt động của Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam. Hiện nay, VSD đã sẵn sàng công tác chuẩn bị để chuyển đổi sang mô hình Tổng công ty sau khi có quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Đây sẽ là dấu ấn trong chặng đường 15 năm thành lập và đi vào hoạt động của VSD, góp phần vào việc đưa TTCK Việt Nam ngày càng phát triển.

Cùng với đó, với vai trò là một trong những đơn vị thụ hưởng, trong 6 tháng đầu năm 2021, VSD đã phối hợp chặt chẽ với các sở giao dịch chứng khoán, đặc biệt là chủ đầu tư HOSE và phía nhà thầu KRX hoàn thành một số công việc chuẩn bị cho việc kiểm thử, đào tạo vận hành hệ thống gói thầu “Thiết kế, lắp đặt cung cấp và chuyển giao hệ thống công nghệ thông tin” (gói thầu 04). Hệ thống mới đi vào hoạt động sẽ góp phần nâng cao năng lực tổ chức, quản lý và vận hành thị trường, góp phần phát triển các sản phẩm dịch vụ mới và hướng tới các thông lệ và chuẩn mực quốc tế.

Năm 2020, VSD đã hoàn thành về mặt hệ thống cho tới hoàn thiện quy chế, quy trình hướng dẫn cho quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện đi vào hoạt động theo Nghị định 88/2016/NĐ-CP. Tiếp nối nhiệm vụ đó, tháng 4/2021, VSD đã chính thức cung cấp dịch vụ này với Chương trình Dragon Capital Hưu Trí An Vui của Công ty CP Quản lý quỹ Đầu tư Dragon Capital Việt Nam. Đây là một dấu mốc về nỗ lực của tất cả các bên trong việc đưa các chính sách mới của Chính phủ trở thành các hoạt động thực tế trên thị trường, góp phần nâng cao giá trị các sản phẩm trên thị trường và đóng góp thiết thực cho thị trường vốn của Việt Nam.

Bên cạnh đó, trong thời gian qua, VSD đã xây dựng và hoàn thiện hệ thống cho dịch vụ đăng ký biện pháp bảo đảm đối với chứng khoán đã đăng ký tập trung tại VSD theo yêu cầu của khách hàng và hoàn thiện xây dựng hệ thống cổng giao tiếp điện tử với tổ chức phát hành. Dự kiến các hệ thống này sẽ đi vào hoạt động năm 2021 sau khi các quy chế nghiệp vụ liên quan được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) chấp thuận. Đồng thời, VSD nghiên cứu triển khai mô hình đối tác bù trừ thanh toán trung tâm cho TTCK cơ sở; nghiệp vụ giao dịch trong ngày, thanh toán chứng khoán chờ về, dự kiến triển khai sau khi gói thầu 4 đi vào hoạt động.

Ngoài ra, VSD đã và đang tích cực phối hợp với UBCKNN trong việc triển khai xây dựng Đề án Chiến lược phát triển TTCK Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030. Mặt khác, VSD đã chủ động nghiên cứu một số dịch vụ, sản phẩm mới để đưa vào ứng dụng tại VSD như nghiên cứu: ứng dụng công nghệ Blockchain trong các hoạt động nghiệp vụ; dịch vụ sổ cổ đông điện tử (E-passbook); cơ chế quản lý hoạt động lưu ký đối với chứng khoán niêm yết, giao dịch ở nước ngoài;...

Phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cả năm

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 và cùng với những thay đổi, yêu cầu ngày càng cao của TTCK Việt Nam, để hoàn thành nhiệm vụ được giao, VSD còn phải triển khai nhiều nhiệm vụ trọng tâm trong nửa cuối năm 2021.

Theo đó, VSD tiếp tục triển khai các công việc liên quan đến chuyển đổi sang mô hình Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam theo Luật Chứng khoán năm 2019. Đồng thời, VSD sẽ tiếp tục hoàn thành hệ thống công nghệ thông tin hỗ trợ sau giao dịch trong gói thầu “Thiết kế, giải pháp, cung cấp lắp đặt và chuyển giao hệ thống công nghệ thông tin”, tiến tới triển khai mô hình đối tác bù trừ thanh toán trung tâm cho TTCK cơ sở và triển khai nghiệp vụ giao dịch trong ngày và thanh toán chứng khoán chờ về.

Song song với đó, VSD sẽ triển khai cung cấp một số sản phẩm/dịch vụ mới như: bù trừ thanh toán cho sản phẩm hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ 10 năm; vận hành cổng giao tiếp điện tử với tổ chức phát hành đăng ký chứng khoán tại VSD; cung cấp dịch vụ quản lý chứng khoán thế chấp và đăng ký biện pháp bảo đảm đối với chứng khoán đã đăng ký tập trung tại VSD.

Khối lượng công việc 6 tháng cuối năm của VSD là không nhỏ, song VSD tin tưởng rằng, dưới sự chỉ đạo sát sao của cơ quan quản lý, với sự hỗ trợ, sát cánh của thành viên, tổ chức phát hành và sự ủng hộ, đồng hành của các nhà đầu tư trong và ngoài nước cũng như của các đối tác, VSD sẽ tiếp tục vững bước, vượt qua những khó khăn, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ đặt ra cho năm 2021, lập thành tích chào mừng 15 năm đi vào hoạt động của VSD cũng như góp phần thiết thực vào sự ổn định và phát triển của TTCK Việt Nam.

Hải Băng

Hải Băng

© Thời báo Tài chính Việt Nam