HNX tiến gần tới mục tiêu trở thành sở giao dịch chứng khoán hiện đại

23:01 | 18/06/2021 Print
(TBTCVN) - Trước khi khoác lên mình “chiếc áo mới” mang tên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), Trung tâm GDCK Hà Nội khi đó được biết đến là đơn vị tổ chức các cuộc hoạt động đấu giá cho các doanh nghiệp để cổ phần hóa, vân hành 1 thị trường thứ cấp duy nhất là thị trường cổ phiếu niêm yết.

ck

Trụ sở Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội.

Sau 12 năm chuyển đổi mô hình (24/6/2009 – 24/6/2021), đến nay HNX đã không ngừng phát triển, vận hành hiệu quả cùng lúc nhiều thị trường quan trọng: cổ phiếu niêm yết, cổ phiếu đăng ký giao dịch (UPCoM), trái phiếu chính phủ và chứng khoán phái sinh.

Thị trường cổ phiếu tăng trưởng quy mô và thanh khoản

Sau 12 năm chuyển đổi thành Sở Giao dịch Chứng khoán (GDCK) Hà Nội (HNX), thị trường cổ phiếu HNX từng bước phát triển ổn định với chất lượng ngày một nâng lên. Trên thị trường cổ phiếu niêm yết, đến nay, số lượng doanh nghiệp (DN) niêm yết tính đến ngày 14/6/2021 là 363 DN, tăng gấp 2 lần so với cuối năm 2008. Giá trị vốn hóa thị trường cũng tăng từ 81,15 nghìn tỷ đồng cuối năm 2009 lên 394 nghìn tỷ đồng tại thời điểm ngày 14/6/2021. Thanh khoản thị trường được duy trì ở mức khá, giá trị giao dịch bình quân 3 năm gần đây đạt khoảng 700 tỷ đồng/phiên, đặc biệt trong tháng 6/2021, giá trị giao dịch tăng mạnh mẽ, bình quân đạt 4.578 tỷ đồng/phiên, có phiên thanh khoản còn lên tới 5.690 tỷ đồng.

12 năm qua, các DN niêm yết (DNNY) trên HNX đã huy động được hơn 133 nghìn tỷ đồng vốn cho đầu tư, sản xuất, kinh doanh thông qua hoạt động phát hành cổ phiếu trên thị trường chứng khoán (TTCK), tăng gấp hơn 12 lần so với giá trị vốn huy động được trong giai đoạn từ khi thành lập đến cuối năm 2008. Kênh dẫn vốn này đã hỗ trợ đắc lực cho các DN bên cạnh việc tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng, đặc biệt trong các giai đoạn mặt bằng lãi suất ngân hàng ở mức cao.

Không chỉ phát triển quy mô thị trường, HNX còn luôn chú trọng nâng cao chất lượng hàng hóa, đa dạng hóa sản phẩm, xem đây là những điều kiện tiên quyết để phát triển bền vững TTCK.

Trên thị trường UPCoM cũng có sự tăng trưởng mạnh mẽ cả về thanh khoản và vốn hóa. Với sứ mệnh thu hẹp thị trường tự do, mở rộng thị trường giao dịch có tổ chức, UPCoM đã quy tụ các cổ phiếu của các công ty chưa niêm yết về một đầu mối quản lý thống nhất, tạo ra cơ hội giao dịch chứng khoán công khai, minh bạch, an toàn và thuận lợi cho nhà đầu tư. Từ đó đến nay, UPCoM liên tục có những cải tiến, thay đổi linh hoạt để tăng tính minh bạch, hấp dẫn và trở thành nơi tập dượt cho các DN trước khi lên niêm yết trên 2 Sở GDCK.

Từ một thị trường ban đầu có 10 công ty đăng ký giao dịch (ĐKGD), đến nay, số lượng DN ĐKGD trên thị trường đã đạt 914 DN (tăng gấp 30 lần so với năm 2009); quy mô ĐKGD đã tăng trưởng mạnh, đạt 380 nghìn tỷ đồng, giá trị vốn hóa tại ngày 14/6/2021 đạt 1.120 tỷ đồng. Thanh khoản trên thị trường theo đó cũng tăng trưởng mạnh mẽ, giá trị giao dịch bình quân từ tháng 5/2021 đạt hơn 375 tỷ đồng/phiên, tăng gần 94 lần so với năm 2009.

Với những kết quả đạt được, UPCoM đã trở thành thị trường được các quốc gia đã và đang phát triển trong khu vực dành nhiều sự quan tâm, trao đổi kinh nghiệm vận hành quản lý như Singapore, Thái Lan, Lào.

Thị trường trái phiếu chính phủ phát triển với nhiều đột phá

Năm 2009 cũng chứng kiến sự ra đời của thị trường trái phiếu chính phủ (TPCP) chuyên biệt. Thị trường TPCP đã có sự phát triền bền vững, khẳng định là kênh huy động vốn hiệu quả cho ngân sách nhà nước, hỗ trợ tốt cho công tác điều hành chính sách tài chính vĩ mô của Chính phủ. Trong 12 năm qua, hoạt động đấu thầu tại HNX đã huy động 2.157 nghìn tỷ đồng cho ngân sách nhà nước.

Quy mô thị trường TPCP tăng trưởng mạnh. Tính đến ngày 14/6/2021, giá trị vốn hóa thị trường đạt trên 1.377 nghìn tỷ đồng, tương đương 17,6% GDP, tăng hơn 8,6 lần so với năm 2009. Giá trị giao dịch TPCP tăng mạnh mẽ, đặc biệt từ năm 2011 đến nay, liên tục năm sau tăng gần gấp đôi năm trước, giá trị giao dịch bình quân khoảng 3 năm gần đây đạt trên 10.000 tỷ đồng/phiên.

Thị trường trái phiếu Việt Nam thực sự trở thành kênh dẫn vốn quan trọng của Chính phủ, mang lại lợi ích cho thành viên, nhà đầu tư và được Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đánh giá là tăng trưởng theo quý nhanh nhất Đông Á những năm gần đây.

Thị trường phái sinh tăng trưởng vượt bậc

Sau nhiều năm nghiên cứu và chuẩn bị kỹ lưỡng, ngày 10/8/2017, TTCK phái sinh – thị trường thứ cấp thứ 3 do HNX vận hành và quản lý đã chính thức khai trương. Đến nay, mới chỉ sau gần 4 năm vận hành, TTCK phái sinh đã có sự phát triển mạnh mẽ, vượt các kỳ vọng đặt ra, thể hiện rõ vai trò là công cụ phòng ngừa rủi ro, góp phần tích cực vào việc ổn định thị trường cơ sở.

Tính đến hết tháng 5/2021, đã có tổng số hơn 67,9 triệu hợp đồng tương lai được giao dịch. Hoạt động trên TTCK phái sinh đặc biệt sôi động vào những thời điểm thị trường cơ sở có biến động mạnh. Thanh khoản thị trường liên tục vượt qua các mốc đã đạt được trước đó. Khối lượng giao dịch bình quân trên TTCK phái sinh 5 tháng đầu năm 2021 đạt 185.945 hợp đồng/phiên, tăng gấp 17 lần so với thời kỳ mới khai trương.

Mức tăng trưởng ngoạn mục về doanh số giao dịch của TTCK phái sinh Việt Nam như trên là con số mà nhiều thị trường phát triển trước đó phải mất nhiều năm mới đạt được. Chẳng hạn như: Sở Giao dịch Hợp đồng tương lai Đài Loan (TAIFEX) phải mất 13 năm; hay Sở GDCK phái sinh Thái Lan (TFEX) phải mất hơn 7 năm, mới đạt được số lượng hợp đồng giao dịch như TTCK phái sinh Việt Nam đạt được hiện nay.

Hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp công bố thông tin minh bạch

Lấy yếu tố công khai, minh bạch làm kim chỉ nam, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ, thúc đẩy các doanh nghiệp niêm yết công bố thông tin minh bạch và quản trị công ty theo các thông lệ tốt. Đặc biệt từ năm 2013, chương trình đánh giá công bố thông tin và minh bạch của HNX được tổ chức thường niên đã nhận được sự quan tâm rất lớn của các doanh nghiệp và nhà đầu tư. Doanh nghiệp ngày càng nhận thức rõ hơn sự cần thiết của hoạt động quản trị công ty và công bố thông tin minh bạch. Nhờ đó, hoạt động công bố thông tin của các doanh nghiệp mỗi năm một tốt hơn, chất lượng công bố thông tin cũng từng bước được cải thiện.

Hương Xuân

Hương Xuân

© Thời báo Tài chính Việt Nam