Tiếp tục xả cổ phiếu ngân hàng, VHM giữ nhịp chỉ số

16:42 | 14/06/2021 Print
Phiên giao dịch đầu tuần là thời điểm kiểm chứng liệu sức mạnh của dòng tiền ngắn hạn bắt đáy có thực sự đẩy giá cổ phiếu vượt qua chu kỳ T+3 hay không. Đã nhiều lần cổ phiếu tăng giá rất mạnh ngày T+3, nhưng lại bị xả vào ngày T+4.

CKCổ ngân hàng tăng trước giảm sau

Nhóm cổ phiếu ngân hàng dĩ nhiên vẫn là các mã bị chú ý nhiều nhất. Có hai lý do khiến nhóm này có nguy cơ bị bán rất cao. Thứ nhất là đến hết phiên T+3 (tức là hàng bắt đáy về đầy đủ), giá vẫn tiếp tục tăng cao hơn nữa và ít người chốt lời ngay. Điều đó nghĩa là hôm nay (ngày T+4) nếu giữ lại và tăng tiếp, lợi nhuận còn tốt hơn. Thứ hai là mức bật giá có 4 phiên nhưng nhiều mã đã hồi gần về đỉnh cũ tuần trước, tức là những ai đang mắc kẹt bất ngờ được “giải cứu”.

Diễn biến nhóm ngân hàng hôm nay đúng như vậy, tạo thuận lợi rất lớn cho nhà đầu tư nắm giữ T+4. Hàng loạt cổ phiếu tăng tiếp một nhịp nữa, thậm chí khá cao: CTG tăng 2,08%, TCB tăng 1,33%, STB tăng 2,62%, TPB tăng 1,09%. Các mã nhỏ còn tăng dữ dội: BVB tăng 5,33%, NVB tăng 3,11%.

Nhà đầu tư có cơ hội rất tốt để chốt lời T+4 thay vì T+3, vì không ít nhà đầu tư nghĩ rằng khi hàng bắt đáy về tài khoản mà không bị chốt lời tức là được “giam lại”, đồng nghĩa với giá có cơ hội tăng cao hơn. Thế nhưng hoàn toàn có khả năng các nhà đầu cơ lợi dụng chính tâm lý đó, để đẩy thời điểm chốt lời sang T+4 thay vì T+3 như bình thường.

Mặt khác, do cổ phiếu ngân hàng vẫn đang thu hút chú ý lớn nên luôn thường trực lực cầu bắt đáy. Chính vì vậy cơ hội để chốt lời giá tốt luôn hiện hữu, thay vì phải bán giá giảm.

Nhịp tăng cao hơn ở cổ phiếu ngân hàng hầu hết diễn ra đầu phiên. Sau đó lực bán xuất hiện đẩy giá giảm xuống. Trừ VPB, tất cả các cổ phiếu ngân hàng từ lớn tới nhỏ đều tăng giá trên tham chiếu trước, sau đó đi lùi và giảm dưới tham chiếu lúc đóng cửa. Số tăng đến phút cuối chỉ còn STB và TCB, nhưng đều phải trả lại đáng kể mức tăng trước đó.

Số giảm giá dưới tham chiếu đáng kể là ACB giảm 1,59%, HDB giảm 1,02%, KLB giảm 1,11%, LPB giảm 1,76%, NVB giảm 2,59%, SHB giảm 2,01%, TPB giảm 0,82%, VCB giảm 0,78%, VIB giảm 1,71%, VPB giảm 1,12%...

Ảnh hưởng của cổ phiếu ngân hàng khá đậm nét dù những mã lớn nhất giảm chưa nhiều. VCB, BID, CTG giảm dưới 1%. Tuy vậy nhóm 5 mã khiến VN-Index mất điểm nhiều nhất vẫn là cổ phiếu ngân hàng.

Dòng tiền tìm kiếm cơ hội

VN-Index chỉ bị mất khoảng 7 điểm so với đỉnh ở thời điểm cuối phiên. Cổ phiếu ngân hàng dĩ nhiên là lý do quan trọng. Tuy nhiên chỉ số vẫn tăng chung cuộc gần 10 điểm là nhờ nhóm cổ phiếu Vin cực mạnh: VHM tăng tới 3,68%, VRE tăng 1,43% và VIC tăng 1,69%. Đó là chưa kể GAS cũng tăng 2,87%, HPG tăng 0,94%, MSN tăng 0,85%...

Thực tế hôm nay số cổ phiếu tăng giá khá nhiều, sàn HSX cứ 1 mã giảm có tới 1,34 mã tăng. Trong nhóm blue-chips VN30 số mã tăng cũng áp đảo gấp gần 3 lần số mã giảm. Điều đó cho thấy chỉ riêng nhóm ngân hàng có biểu hiện bị chốt lời và suy yếu, nhưng thị trường đã không tỏ ra lo lắng nhiều.

Nhóm cổ phiếu chứng khoán hôm nay bùng nổ trở lại là một ví dụ tiêu biểu. Các mã này không khác gì ngân hàng, cũng vừa trải qua một đợt chốt lời ngắn hạn và phục hồi T+3 tương tự. Tuy nhiên cổ phiếu chứng khoán hôm nay lại bùng nổ thành công với nhiều cổ phiếu tăng rất tốt. Có thể kể tới SSI tăng 5,79%, HCM tăng 6,98%, VCI tăng 6,75%, VND tăng 9,3%, FTS tăng 6,97%...

Thanh khoản ở các cổ phiếu chứng khoán cũng có sự bùng nổ tương tự cổ phiếu ngân hàng trước đây. Dĩ nhiên về quy mô, cổ phiếu chứng khoán còn lâu mới đạt cỡ ngàn tỷ đồng mỗi ngày. Điều quan trọng là các mã chứng khoán đã tăng thanh khoản so với chính nó. Nhiều mã giao dịch khá cao như SSI khớp lệnh hơn 960 tỷ đồng, HCM, SHS khớp hơn 500 tỷ đồng...

Tổng giá trị khớp lệnh hai sàn phiên này vẫn tăng nhẹ 4% so với phiên trước, đạt 27.225 tỷ đồng. Đây là con số đủ lớn để thấy dòng tiền vẫn đang cố gắng tìm kiếm cơ hội, không nhất thiết chỉ “bâu quanh” cổ phiếu ngân hàng.

chứng khoán 14-6

HSX

HNX

Giá trị Khớp lệnh

Khối lượng Khớp lệnh

Giá trị Khớp lệnh

Khối lượng Khớp lệnh

23.228 tỷ đồng (+3%)

715,6 triệu (+2%)

3.997 tỷ đồng (+14%)

165,1 triệu (+10%)

Khánh Nhi

Khánh Nhi

© Thời báo Tài chính Việt Nam