Vượt T+3, VN-Index tăng mạnh hơn 28 điểm

16:25 | 11/06/2021 Print
Nhóm cổ phiếu blue-chips được dẫn dắt bởi các mã ngân hàng đã đẩy thị trường tăng rực rỡ. Động lực từ nhóm ngân hàng rất quan trọng, vì không chỉ là những mã tạo điểm số, mà còn là những mã chịu áp lực bán ngắn hạn mạnh nhất.

CKBắt đáy cổ phiếu ngân hàng lãi lớn

Cho đến hôm qua, thị trường vẫn còn lo ngại về “bong bóng” cổ phiếu ngân hàng. Những phiên tháo chạy đầu tuần đẩy cổ phiếu nhóm ngành này giảm tương đối mạnh. Đơn cử ACB giảm khoảng 12,4% chỉ trong 3 phiên; VCB giảm 6,3%, CTG giảm 9,3%, TCB giảm 9,34%, MBB giảm 10,2%...

Hôm 8/6, áp lực tháo chạy lên đến đỉnh điểm và đó cũng là phiên VN-Index bốc hơi gần 39 điểm. Lực cầu bắt đáy đã nhập cuộc, kéo nhiều cổ phiếu ngân hàng phục hồi thoát đáy. Hôm nay đúng là phiên lượng hàng bắt đáy về tài khoản. Do đó nếu cổ phiếu ngân hàng lại bị xả hàng giảm giá thì cũng là điều không bất ngờ.

Tuy vậy kịch bản bất ngờ lại xảy ra. Nhà đầu tư chấp nhận mua vào ào ạt dù vẫn có khá nhiều người xả hàng. Thanh khoản nhiều mã ngân hàng khá lớn và đặc biệt là giá tăng cực mạnh.

CTG hôm nay tăng kịch trần là diễn biến bất ngờ nhất. Lực cầu mạnh đẩy giá tăng hết biên độ ngay từ cuối phiên sáng. Cổ phiếu này cũng không có bất kỳ nhịp giảm nào mà tăng ngay từ khi mở cửa. Dư mua trần kéo dài cả phiên chiều, tạo điều kiện cho nhà đầu tư chốt lời T3 thoải mái. Lợi nhuận T3 của CTG đạt khoảng 7,96%.

Hàng loạt cổ phiếu ngân hàng khác cũng tăng mạnh phiên này. Đáng kể nhất là STB tăng 5,54%, HDB tăng 5,35%, TCB tăng 4,99%, MBB tăng 3,96%, TPB tăng 3,83%, BID tăng 2,96%.

VPB lại là cổ phiếu ngân hàng duy nhất lạc điều trong phiên này, khi đóng cửa dưới tham chiếu 0,14%. Vấn đề của VPB có lẽ khác với tất cả các mã ngân hàng khác, khi tăng giá liên tục nhờ dòng tiền lớn mà chỉ điều chỉnh trong phiên. VPB không hề giảm trong hai phiên đầu tuần, nhưng ngày nào cũng tái diễn cảnh giảm trước, phục hồi sau. Vì vậy rất có thể VPB đã được nâng đỡ từ dòng tiền lớn.

Ngoài ngân hàng, nhóm chứng khoán cũng bật nảy với biên độ T+3 cực tốt. SSI nếu bắt đáy chuẩn thì hôm nay có lãi 13,86%. APS lãi T3 khoảng 11,5%, BSI lãi 12%, BVS lãi 11,5%, FTS lãi 10,6%, MBS lãi 9,8%...

Sàn HOSE đóng cửa với số mã tăng giá nhiều gấp 2,8 lần số giảm. Điều đó nghĩa là rất nhiều cổ phiếu cũng tăng giá phiên này, dù cơ hội T3 khác nhau. Những trụ hỗ trợ ngân hàng như VHM tăng 1,83%, VIC tăng 1,29%, GAS tăng 1,05%. Thế nhưng các mã này lợi nhuận T3 không ấn tượng, như VHM chỉ tăng 0,66%, VIC còn giảm 1,5%, GAS giảm 1,25%.

Cơ hội kiểm tra đỉnh cũ

Phiên tăng ấn tượng vượt ngày T+3 hôm nay đem lại hi vọng nhất định rằng thị trường đã kết thúc điều chỉnh. Thực ra nếu tính cả tuần, cổ phiếu vẫn giảm giá rất nhiều. Chẳng hạn ngay tại nhóm ngân hàng, ngoài VPB, tất cả số còn lại đều giảm so với cuối tuần trước, trong đó 3 mã giảm trên 10%, 11 mã khác giảm từ 5% đến dưới 10%, 8 mã giảm từ 2% đến dưới 5%...

VN-Index cũng vậy, mức tăng 28,16 điểm hôm nay tuy mạnh, nhưng cả tuần chỉ số vẫn giảm 22,31%. Điều đó có nghĩa là phiên tăng cuối tuần chỉ như một ngày bật ngược mang tính kỹ thuật. Ít nhất chỉ số cũng phải vượt qua đỉnh tuần trước thì mới có thể đi tiếp. Đa số cổ phiếu cũng như vậy, tăng T+3 tốt nhưng vẫn đang gây thua lỗ nặng trong ngắn hạn.

Điều khá ấn tượng là nhu cầu bắt đáy rất mạnh và tâm lý thay đổi rất nhanh. Mới hôm qua mức giảm giá còn khiến nhà đầu tư chán nản thì hôm nay đã xuất hiện tình trạng đuổi giá. Như vậy lòng tham vẫn đang thường trực trên thị trường.

Thanh khoản phiên hôm nay khá cao, đạt 22.583 tỷ đồng khớp lệnh trên sàn HoSE, chỉ giảm hơn 3% so với hôm qua. Nhóm ngân hàng thanh khoản cao có VPB, TCB, STB. Ngoài ra HPG và SSI cũng thuộc Top 5. Như vậy dòng tiền vẫn đang chầu chực ở các cổ phiếu/nhóm cổ phiếu quen thuộc mà chưa dứt bỏ.

chứng khoán 11-6

HSX

HNX

Giá trị Khớp lệnh

Khối lượng Khớp lệnh

Giá trị Khớp lệnh

Khối lượng Khớp lệnh

22.583 tỷ đồng (-3%)

705 triệu (+5%)

3.514 tỷ đồng (+2%)

149,8 triệu (+5%)

Khánh Nhi

Khánh Nhi

© Thời báo Tài chính Việt Nam