Chứng khoán Việt vẫn hấp dẫn nhà đầu tư ngoại trong dài hạn

15:38 | 09/06/2021 Print
Rất khó nói về thời điểm khối ngoại sẽ mua ròng trở lại trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Tuy nhiên theo các chuyên gia, chứng khoán Việt Nam vẫn là thị trường quan trọng của nhà đầu tư nước ngoài và họ sẽ tiếp tục rót vốn vào Việt Nam để tìm kiếm cơ hội sinh lợi.

VN-Index kiểm định lại vùng 1.300 điểm

Trong báo cáo mới được công bố, Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam nhận định tình hình kinh tế vĩ mô trong tháng 5 nhìn chung bị gián đoạn phần nào do đợt bùng phát dịch Covid-19 lần 4.

Theo đó, tình hình đầu tư FDI có phần chững lại sau giai đoạn tăng mạnh vào tháng 3, tổng vốn FDI đăng ký trong 5 tháng đầu năm 2021 đạt gần 14 tỷ USD, tăng 0,8% so với cùng kỳ.

Kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 5/2021 ước đạt 54 tỷ USD, tăng 44,5% so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên đã giảm nhẹ 0,6% so với tháng 4/2021. Lũy kế 5 tháng đầu năm 2021, xuất nhập khẩu ước đạt hơn 262 tỷ USD, tăng 33,2% so với cùng kỳ.

Trong tháng 5 ghi nhận chỉ số CPI tăng 2,9% so với tháng 5/2020, đồng thời tăng 0,16% so với tháng trước đó. Dẫn đầu tiếp tục là nhóm giao thông với mức tăng 21,2% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, chỉ số giá nhà ở và vật liệu xây dựng cũng tiếp đà tăng mạnh 2,93% so với tháng 5/2021, xuất phát từ việc nguồn cung bất động sản hạn chế cùng với giá thép tăng mạnh.

Hoạt động sản xuất công nghiệp trong tháng đã tiếp tục duy trì đà tăng trưởng từ tháng 3 nhưng chậm lại. Yuanta cho rằng, các đợt bùng phát dịch trong thời điểm hiện tại hoặc tương lai sẽ làm chậm tốc độ hồi phục kinh tế do tắc nghẽn ở đầu vào sản xuất, từ đó ảnh hưởng tới lĩnh vực sản xuất trong tháng 6, nhất là tình trạng dịch tại TP. Hồ Chí Minh, Bắc Giang và một số tỉnh phía Bắc vẫn diễn biến phức tạp.

Cũng do làn sóng mới của dịch bệnh, tổng mức bán lẻ cả nước trong tháng 5/2021 ước đạt 393,6 nghìn tỷ đồng, giảm nhẹ 3,9% so với tháng trước đó. Lũy kế 5 tháng ước đạt gần 2.100 nghìn tỷ đồng, tăng 7,6% so với cùng kỳ 2020.

Tỷ giá tiếp tục hạ nhiệt trong tháng 5; đáng chú ý là tỷ giá trên thị trường tự do đã giảm mạnh 1,91% so với tháng 4/2021.

Về dự báo kịch bản cho tháng 6/2021, chỉ số đánh giá mối quan hệ giữa giá thị trường của cổ phiếu và thu nhập trên một cổ phiếu (P/E) của chỉ số VN-Index đã gần mức P/E mục tiêu là 18.x, cho thấy thị trường đã dần bước vào giai đoạn không còn “rẻ”.

Yuanta cho rằng, chỉ số VN-Index có thể sẽ bước vào giai đoạn điều chỉnh với vùng hỗ trợ gần nhất 1.283 – 1.300 điểm. Đồng thời, với việc đánh giá nhóm cổ phiếu ngân hàng và thép không còn nhiều dư địa tăng trưởng ngắn và trung hạn. Yuanta khuyến nghị các nhà đầu tư tiếp tục nắm giữ và hạn chế mua vào, thậm chí có thể bán một phần tỷ trọng cổ phiếu.

Vẫn là thị trường hấp dẫn trong dài hạn

Cũng theo báo cáo của Yuanta, khối ngoại bán ròng hơn 11.500 tỷ đồng trong tháng 5/2021, trong đó, lượng tiền bị rút ra mạnh nhất là nhóm cổ phiếu ngân hàng, thép và bất động sản. Đặc biệt, HPG của Tập đoàn Hòa Phát là cổ phiếu bị khối ngoại xả mạnh nhất trong tháng với giá trị bán ròng gần 4.000 tỷ đồng.

Tính từ đầu năm, lượng bán ròng của khối ngoại đã vượt xa lượng bán ròng trong cả năm 2020 và 2016 cộng lại. Đáng chú ý, năm 2016 và 2020 cũng là hai năm mà khối ngoại bán ròng trong thập kỷ qua. Riêng tuần giao dịch đầu tháng 6 (31/5 – 4/6), khối ngoại đã bán ròng 6.071 tỷ đồng trên HOSE và là con số bán ròng kỷ lục trong một tuần.

Trao đổi với phóng viên TBTCVN, ông Trần Trương Mạnh Hiếu, Trưởng nhóm Phân tích chiến lược, Công ty cổ phần Chứng khoán KIS Việt Nam cho biết, xu hướng bán ròng của khối ngoại bắt đầu từ năm 2020, theo đó khối này liên tục bán ròng trong thời gian vừa qua. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng bán ròng của khối như: khối này đang tiến hành cơ cấu lại danh mục; điều chỉnh dòng vốn vào những tài sản khác như trái phiếu khi lợi tức trái phiếu Mỹ có xu hướng tăng trở lại trong thời gian qua; chuyển dòng vốn về khi xu hướng tăng của thị trường chứng khoán ở nước ngoài vẫn duy trì với tỷ suất sinh lợi ổn định. Sự dịch chuyển từ cổ phiếu sang các quỹ ETF để phân tán rủi ro.

Theo ông Hiếu: "Rất khó nói về thời điểm khối ngoại sẽ mua ròng trở lại trên thị trường. Tuy nhiên, tôi chắc chắn rằng Việt Nam vẫn là thị trường quan trọng của nhà đầu tư nước ngoài và họ sẽ tiếp tục rót vốn vào Việt Nam để tìm kiếm cơ hội sinh lợi. Minh chứng là dòng vốn từ các quỹ ETF vẫn liên tục chảy vào Việt Nam thông qua các quỹ ETF nội và ngoại, trong đó nổi bật nhất là thành công của VFMVN DIAMOND ETF (ETF đầu tư vào các cổ phiếu kín room dành cho khối ngoại trên thị trường). Bên cạnh đó, một ETF ngoại khác là FUBON FTSE VIETNAM ETF đã huy động được hơn 370 triệu USD từ thị trường Đài Loan để đầu tư vào Việt Nam".

Còn ông Phan Khánh Linh, Chủ tịch Công ty TNHH Tư vấn và Đầu tư Take Profit Việt Nam cho biết, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng không chỉ ở thị trường chứng khoán Việt Nam mà nhìn xa các thị trường khác như Thái Lan, Malaysia đều có hiện tượng bán ròng, chỉ có Ấn Độ, Indonesia là mua ròng.

Theo nhận định của ông Linh, nhà đầu tư nước ngoài thường hành động trước và luôn phòng ngừa rủi ro. Những rủi ro họ nhận thấy là khả năng siết vốn vào thị trường tài chính hoặc FED siết chặt bảng cân đối và tăng lãi suất, do đó gây áp lực ngân hàng trung ương các quốc gia cũng phải siết chính sách tiền tệ của mình.

Nhìn về dài hạn, nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng tốt kể cả khi có đại dịch, cùng với dân số trẻ và thói quen chi tiêu tăng thì Việt Nam vẫn là thị trường tiềm năng với nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên trong ngắn hạn, xác suất nhỏ nhà đầu tư ngoại mua ròng bởi đa phần cổ phiếu ngân hàng, bán lẻ cũng đã tăng tương đối, định giá không còn đủ hấp đẫn để họ quay lại./.

Hồng Quyên

Hồng Quyên

© Thời báo Tài chính Việt Nam