Chứng khoán tuần: Dòng tiền nội vượt trội, khối ngoại ngày càng lép vế

16:16 | 05/06/2021 Print
VN-Index bước sang tuần tăng thứ 5 liên tiếp, về mặt quy luật là nằm trong chu kỳ kéo dài bình quân của thị trường. Mức tối đa được ghi nhận là 11 tuần tăng liên tiếp trong quý 4/2020 và đầu 2021.

CK

Bên cạnh các yếu tố cơ bản như kết quả kinh doanh hay định giá thị trường, điểm chung giữa thời điểm quý 4/2020 và hiện tại là dòng tiền. Thậm chí, thời điểm hiện tại dòng tiền còn mạnh hơn đáng kể.

Con số dễ nhận thấy và thu hút chú ý nhất gần đây là lượng tài khoản mở mới. Trong 5 tháng đầu năm 2021, số tài khoản riêng nhà đầu tư cá nhân trong nước mở mới đã lên tới 479.857 tài khoản, cao hơn 22% so với số tài khoản mới trong cả năm 2020. Nếu so riêng với 5 tháng cuối năm 2020 thì số tài khoảng mở mới cao gấp 2,4 lần.

Vì vậy thị trường đang đạt một cấp độ mới của dòng tiền. Những tài khoản mới sẽ đem đến dòng tiền mới, cộng với các tài khoản cũ được nạp thêm tiền. Chưa kể nhu cầu sử dụng margin của các tài khoản mới cũng sẽ gia tăng nhanh chóng. Theo thống kê đến cuối tháng 5/2021 thì quy mô margin vào khoảng 112,1 ngàn tỷ đồng. Năng lực margin bị khống chế bởi quy định không gấp 2 lần vốn chủ sở hữu của công ty chứng khoán) nhưng khả năng vay mượn vẫn có thể gia tăng bằng nhiều cách.

Dòng tiền của nhà đầu tư trong nước đang gia tăng với cấp độ mà thị trường chưa từng được chứng kiến. Biểu hiện đầu tiên là thanh khoản hàng ngày lên cao. Do hệ thống giao dịch có giới hạn, nên ngay cả thanh khoản cũng không phản ánh hết được quy mô dòng tiền thật sự. Tuy vậy liên tục các tuần phá kỷ lục lịch sử về giá trị giao dịch đã cho thấy sức mạnh của dòng tiền mới lớn như thế nào.

Tuần cuối tháng 5 vừa qua sàn HoSE và HNX chính thức vượt qua quy mô khớp lệnh trung bình tỷ USD, với giá trị bình quân mỗi ngày đạt 24.438 tỷ đồng. Tuy nhiên đến tuần đầu tháng 6, quy mô đã vọt lên 29.813 tỷ đồng/ngày. Nếu tính cả thỏa thuận trên hai sàn thì giá trị bình quân xấp xỉ 31.578 tỷ đồng/ngày.

Biểu hiện thứ hai là tỷ trọng ngày càng lép vế của dòng vốn ngoại. Dòng vốn này xả ròng liên tục. Riêng tuần đầu tháng 5, quy mô bán ròng hai sàn đã tới 6.252 tỷ đồng. Tuy nhiên điều quan tâm hơn là phía mua, dòng vốn ngoại đang chiếm tỷ trọng ngày càng nhỏ trên thị trường.

PE
Tỷ lệ P/E của thị trường. Nguồn FinnPro

Thống kê riêng với giao dịch khớp lệnh sàn HoSE, từ tháng 5 đến nay tỷ trọng giá trị mua hàng của nhà đầu tư nước ngoài so với tổng giá trị khớp của sàn này càng thấp. Nếu như cuối tháng 4/2021, tỷ trọng trung bình tuần vào khoảng 9% thì sang tháng 5 giảm xuống còn 6% và hơn 4%. Tuần qua tỷ trọng giảm tiếp còn 3,8%.

Thanh khoản ngày một cao, lượng tiền mua từ khối ngoại ngày càng chiếm tỷ trọng thấp đi, tức là dòng vốn trong nước ngày càng gia tăng. Xu hướng thay đổi của tỷ trọng các dòng vốn trên thị trường cũng phù hợp với xu hướng gia tăng số lượng tài khoản nhà đầu tư cá nhân trong nước như mới đề cập.

Ảnh hưởng của dòng tiền hiện tại là quá lớn và lấn át các yếu tố thông tin khác trên thị trường. Điều này đã từng diễn ra hồi cuối năm 2020 khi đà tăng trưởng của thị trường vượt xa tất cả các dự báo trước đó. Thực ra đây là quy luật cung cầu thông thường của thị trường và không phải lúc này mới xuất hiện. Ví dụ giai đoạn 2007, quy mô thị trường lúc đó rất nhỏ trong khi dòng tiền đổ vào quá lớn. Chỉ khác là giai đoạn đó nhà đầu tư nước ngoài là sức mạnh chủ lực. Hiện tại quy mô cổ phiếu sẵn sàng giao dịch cũng đang nhỏ hơn nhu cầu mua của dòng tiền mới, bao gồm cả tiền thực lẫn tiền vay margin.

Tuy nhiên dòng tiền hiện cũng đang đẩy giá một vài nhóm cổ phiếu lên rất cao, trong đó tiêu biểu là các mã ngân hàng. Trong 5 tuần tăng trưởng liên tục, VN-Index đạt tỷ suất lợi nhuận khoảng 13% thì gần hai phần ba (18/24) số mã ngân hàng trên 3 sàn đạt lợi nhuận vượt 30%. Cổ phiếu ngân hàng là tiêu biểu cho hiện tượng từ đầu tư chuyển thành đầu cơ. Yếu tố hỗ trợ cơ bản là có, nên cổ phiếu ngân hàng thu hút dòng tiền vào, nhưng tiền vào quá nhiều thì mọi thứ đều tăng với cấp độ không bình thường.

Vì vậy rủi ro của thị trường lúc này không phải là điều chỉnh, mà là điều chỉnh ở các nhóm cổ phiếu đã tăng giá quá nhiều trong ngắn hạn. Động lực tăng của các cổ phiếu/nhóm cổ phiếu dựa chủ yếu trên dòng tiền vào quá mạnh, nên hoàn toàn có khả năng dòng tiền đó chốt lời và chuyển sang các cổ phiếu khác. Thị trường nhìn từ góc độ chỉ số VN-Index sẽ bị ảnh hưởng như thế nào còn tùy thuộc vào vốn hóa của các cổ phiếu đó.

Trọng Nghĩa

Trọng Nghĩa

© Thời báo Tài chính Việt Nam