Phái sinh: Thanh khoản bật tăng trong khi điểm số giảm trở lại

10:14 | 12/05/2021 Print
Sau phiên tăng ấn tượng, các hợp đồng tương lai quay lại phiên giảm. Các hợp đồng giảm mạnh hơn nhiều so với chỉ số cơ sở. Trong khi đó, thanh khoản bật tăng rất mạnh, khi thị trường tương lai dao động mạnh và thị trường cơ sở giao dịch thận trọng.

Trên thị trường phái sinh phiên 11/5, các hợp đồng tương lai giảm mạnh trở lại sau phiên tăng rất ấn tượng đầu tuần. Các hợp đồng tương lai giảm từ -15,7 điểm đến -24,9 điểm – mức này cao hơn nhiều so với mức -11,47 điểm của chỉ số VN30.

phái sinh

Nỗ lực của bên Long chỉ giúp hợp đồng tháng 5 quay lại trên tham chiếu vào đầu phiên chiều. Tuy nhiên, trước khi áp lực từ bên Short gia tăng mạnh trong khoảng thời gian còn lại, khiến VN30F2105 giảm -24,9 điểm lúc đóng cửa. Đây cũng là trạng thái chung của các hợp đồng còn lại, khiến khoảng cách chênh lệch âm ghi nhận từ -26,2 điểm đến -9,0 điểm. Điều này phản ánh sự thận trọng của một bộ phận nhà giao dịch về thị trường trong ngắn hạn.

phái sinh

Trong khi đó, thanh khoản thị trường bật tăng mạnh trở lại. Điều này có được là nhờ thị trường tương lai dao động với biên độ lớn, bên cạnh diễn biến thận trọng của thị trường cơ sở. Khối lượng giao dịch hợp đồng tương lai tăng 44,7% lên mức 275.977 hợp đồng. Giá trị giao dịch vì thế cũng tăng cao, đạt 37.758 tỷ đồng. Ngược lại, khối lượng hợp đồng mở giảm khá mạnh, về mức 32.740 hợp đồng.

Trên thị trường cơ sở, các chỉ số chính tiếp tục diễn biến tích cực và ghi nhận mức cao nhất trong ngày tương ứng 1.272,55 điểm và 1.382,06 điểm, cung chốt lời được kích hoạt khiến 2 chỉ số thu hẹp dần đà tăng. Đóng cửa, chỉ số VN-Index và VN30-Index mất lần lượt 3,54 điểm (-0,28%) và 11,47 điểm (-0,84%) về còn 1.256,04 điểm và 1.359,19 điểm.

Các mã TCB, VNM, HPG, VIC, HDB, MBB khiến chỉ số VN30 giảm mạnh hơn; trong đó các mã ngân hàng chịu cung chốt lời do đã tăng rất tốt trong những phiên vừa qua. Ngược lại, STB, VPB, VIB vẫn thu hút cầu giá cao… bên cạnh sự nâng đỡ của GVR đã giúp VN-Index hạn chế biến động mạnh. Diễn biến này không bất thường khi chỉ số VN30 đã tăng tốt nhất trong tháng 4 và tuần đầu tháng 5 khiến cung chốt lời rõ nét hơn ở nhóm này.

VN30

Dòng tiền tổng thể được duy trì và có sự phân hóa với tín hiệu xoay vòng ở nhóm vốn hóa lớn. Tính chung trên HOSE, số mã tăng vẫn chiếm ưu thế với 201 mã so với 135 mã giảm. Khối ngoại quay lại trạng thái bán ròng, với giá trị bán ròng trên HOSE ghi nhận -294 tỷ đồng.

Các chuyên gia SSI Research cho rằng, chỉ số VN30 đã điều chỉnh về gần vùng hỗ trợ 1.362 điểm. Trong khi đó, khối lượng giao dịch giảm trở lại cho thấy nhịp điều chỉnh sẽ sớm kết thúc và chỉ số VN30 sẽ đi lên trở lại hướng đến vùng giá mục tiêu tại 1.375 – 1.400 điểm./.

Thái Duy

Thái Duy

© Thời báo Tài chính Việt Nam