Tiền bắt đáy blue-chips mạnh hơn, thị trường phục hồi phiên thứ 2 liên tiếp

16:42 | 28/04/2021 Print
Áp lực bán tháo đã tạm dừng lại hôm nay và bên mua phản công khá tích cực trên hầu hết cổ phiếu. Việc chỉ số đảo chiều tăng không quan trọng bằng số lượng mã tăng. Hôm nay là một ngày phục hồi trên diện rộng.

CKVNM giảm cực mạnh

Hiện tượng phân hóa đã nhạt đi đáng kể phiên này. Trên toàn sàn HSX, cứ 1 cổ phiếu giảm giá có 2,35 mã tăng. Đây là yếu tố tích cực nhất. Ngay cả phiên đảo chiều hôm qua, số mã giảm vẫn cao hơn nhiều mã tăng. Điều đó chứng tỏ nhà đầu tư đã bắt đáy với nhiều cổ phiếu hơn và cầu đủ để đảo chiều số lượng lớn cổ phiếu.

Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là không có cổ phiếu thất bại. HSX vẫn có 137 mã giảm giá. Ngay trong rổ VN30 cũng có 7 mã giảm. VNM là cổ phiếu gây tiếc nuối nhất, khi thay vì đỡ chỉ số, lại kéo VN-Index mất tới gần 2 điểm.

VNM bị bán tháo mạnh mẽ trong phiên chiều khi giá xuống thấp hơn đáy hỗ trợ tháng 1 vừa qua. Đây là tín hiệu kỹ thuật rất bất lợi. Khối lượng giao dịch tăng tới 60% so với hôm qua và giá đóng cửa giảm 2,09%. Đây là mức giảm sâu nhất một ngày kể từ đầu tháng 3/2021.

Với diễn biến thủng đáy, VNM có thể còn chịu áp lực lớn những phiên tới, vì rất nhiều nhà đầu tư rơi vào cảnh thua lỗ trầm trọng. VNM là một blue-chips ổn định về cơ bản, nên các nhà đầu tư thường nắm giữ như một tài sản. Đáng tiếc là từ đầu năm tới giờ VNM chỉ đem lại thua lỗ.

Ngoài VNM, các mã giảm giá còn lại không gây nhiều thiệt hại: VIC giảm 0,45%, HPG giảm 0,53%, MWG giảm 1,34%, PDR giảm 0,97%, PNJ giảm 0,31%, VJC giảm 0,94%.

Nhóm tăng cũng không có nhiều mã xuất sắc. Đặc biệt tại các trụ, đà tăng rất nhẹ. GAS tăng 0,49%, VHM tăng 0,9%, BID tăng 0,62%. Tuy nhiên những mã trung bình lại khá ấn tượng: MBB tăng 2,2%, TCB tăng 1,14%, VPB tăng 3,38%, MSN tăng 1,02%, NVL tăng 5,35%, PLX tăng 2,88%, STB tăng 4,76%, VRE tăng 2,94%.

Dễ nhận thấy là nhóm ngân hàng chiếm số lớn trong các mã tăng mạnh nói trên. Thậm chí như STB, VPB đều vượt đỉnh. Tuy vậy hầu hết các mã tăng cũng chỉ là đảo chiều đi lên sau những phiên giảm trước đó.

VN30-Index đóng cửa tăng 0,8%, VN-Index cũng tăng 0,8%. Tuy nhiên nhóm cổ phiếu nhỏ mới là các mã tăng tốt nhất. VNMidcap tăng tới 1,44%, Smallcap tăng 1,13%. Hơn 15 mã kịch trần thuộc hai nhóm cổ phiếu này. Một số thanh khoản khá lớn như AMD, FTM, TSC, DAH...

Thanh khoản phục hồi

Cùng với số lượng cổ phiếu tăng giá nhiều hơn, thanh khoản phiên này cũng cải thiện. Đó là sự kết hợp tích cực của hai yếu tố quan trọng là giá và thanh khoản. Để có được sự kết hợp này, nhà đầu tư phải giải ngân nhiều hơn, nâng giá mua cao hơn.

Các phiên tăng giá với thanh khoản tăng theo luôn là sự chiến thắng của bên mua. Sau các phiên lao dốc, tuy chỉ số chưa giảm nhiều nhưng cổ phiếu điều chỉnh khá mạnh. Vì vậy cổ phiếu sẽ chạm ngưỡng hỗ trợ trước chỉ số. Phiên này nhiều mã đảo chiều tăng sau nhịp rơi sâu.

Nhóm ngân hàng với BID hay dầu khí với GAS, PLX là ví dụ. BID giảm 15 phiên tới ngày hôm qua đã bốc hơi 11,8% giá trị. Một tiêu chuẩn “bất thành văn” của điều chỉnh ngắn hạn là giảm khoảng 10%. Hay như GAS, từ đỉnh tháng 3 đến hôm qua đã giảm đâu đó 14,2%, PLX giảm khoảng 16,8%. Trừ VNM giảm thủng đáy, nhiều blue-chips chạm mức hỗ trợ đã thu hút dòng tiền bắt đáy vào.

Tổng giá trị giao dịch khớp lệnh hai sàn phiên này tăng 8% so với hôm qua, đạt 15.952 tỷ đồng. Mức tăng này là tốt, nhưng thực ra thanh khoản vẫn còn đuối. Giao dịch trung bình các tuần trước đều trên 21-22 ngàn tỷ đồng mỗi ngày. Vì vậy thị trường có thể đạt cân bằng trong một vài phiên, nhưng chưa đủ cơ sở để khẳng định đã điều chỉnh xong.

Mặt khác, hôm nay có yếu tố nước ngoài mua là thay đổi đáng chú ý. Hôm qua khối ngoại mua ròng 389 tỷ đồng với cổ phiếu. Hôm nay sàn HSX lại có thêm 393 tỷ đồng vào ròng nữa. VHM, STB, MSN, NVL, HDB, VIC, PNJ thu hút vốn ngoại rất tốt.

chứng khoán 28-4

HSX

HNX

Giá trị Khớp lệnh

Khối lượng Khớp lệnh

Giá trị Khớp lệnh

Khối lượng Khớp lệnh

14.248 tỷ đồng (+9%)

589,5 triệu (+8%)

1.705 tỷ đồng (+2%)

85,7 triệu (-15%)

Khánh Nhi

Khánh Nhi

© Thời báo Tài chính Việt Nam