Mất trụ, nỗ lực phục hồi bất thành

16:11 | 09/04/2021 Print
Thị trường phiên cuối tuần đã cân bằng hơn trong giao dịch cổ phiếu, nhưng đáng tiếc là VN-Index không thể phục hồi khi mất đi sức mạnh của nhóm dẫn dắt.

CKVCB lỗ nặng T+3

Một số mã ngân hàng hôm nay vẫn tăng, số khác giảm nhẹ chưa đến mức khiến nhà đầu cơ ngắn hạn thua lỗ nhiều. Riêng với VCB, đà giảm quá sốc hai ngày cuối tuần đã khiến những ai mua phải tại đỉnh ngắn hạn thua lỗ rất nhanh.

Hôm qua VCB đã bốc hơi 1,9% và hôm nay cũng không thể hồi được. Cổ phiếu này giảm liên tục trọn phiên, những nhịp nảy ngắn trong ngày cũng bị nhấn chìm rất nhanh do áp lực bán lớn. Kết phiên VCB giảm tiếp 2,5% nữa, đẩy các nhà đầu tư T+3 vào tình thế rủi ro cao. Trong các mã ngân hàng, VCB là cổ phiếu kém nhất.

VCB cũng là mã vốn hóa rất lớn (chỉ sau VIC) nên ảnh hưởng đến chỉ số là nghiêm trọng. VN-Index bị mã này kéo xuống suốt cả ngày. Ngoài ra BID cũng giảm 1,12% hôm nay, đẩy mức lỗ T+3 lên 3,2%. TCB, CTG là các cổ ngân hàng lớn khác giảm nhẹ và vẫn còn khá tích cực trong ngắn hạn.

Nhóm ngân hàng tăng có MBB tăng 0,48%, VPB tăng 1,07% và STB tăng 2,25% là đáng chú ý. VPB là cổ phiếu mạnh nhất vì vẫn đang trong xu hướng đi lên rõ ràng, chưa hề gặp phải điều chỉnh trong vài phiên vừa qua như số còn lại. Kể cả STB tăng cao nhất thì vẫn đang thua lỗ gần 2% trong vòng 4 phiên gần nhất.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng được xem là các mã đang có nhiều thông tin hỗ trợ nhất liên quan đến kết quả kinh doanh. Thế nhưng việc trồi sụt khác nhau, thậm chí là mức tăng khác nhau trong 2 tuần qua cũng cho thấy việc đầu cơ theo tin dạng này cũng không hề dễ dàng. Như VCB mới tăng được 2 phiên đầu tháng 4 gần 5,3% thì hôm qua và hôm nay đã mất hơn 4,3%. Kết quả kinh doanh thường là yếu tố ít tạo lực tăng nhất khi được công bố mà chủ yếu là tăng trước. Mức độ phản ứng của nhà đầu tư với thông tin cũng rất khó đoán.

Ngoài VCB các cổ phiếu lớn còn lại cũng không tốt hôm nay. Có tới 8/10 cổ phiếu lớn nhất thị trường giảm giá. VIC cũng giảm 0,4%, VHM giảm 0,8%, TCB giảm 0,83%, CTG giảm 0,23%, BID giảm 1,12% gây áp lực nhiều nhất.

VN-Index kết thúc phiên hôm nay với mức giảm 3,23 điểm, chủ đạo là do nhóm dẫn dắt kém. VN30-Index vẫn còn tăng được 0,12% vì có FPT, VPB làm trụ. Trong khi đó Midcap tăng 0,21%, Smallcap tăng 0,48%. Đặc biệt là nhiều mã đầu cơ vẫn đang được đánh lên dữ dội như ROS, AMD, HAI, QCG đều kịch trần với hàng triệu đơn vị giao dịch.

Nhà đầu tư đang tái cơ cấu danh mục?

Thị trường hiện đã bước vào mua báo cáo kết quả kinh doanh quý I. Lịch sử cho thấy thời điểm này thị trường luôn có sự phân hóa, vì nhà đầu tư nhảy nhót giữa các mã để đón đầu kết quả kinh doanh. Xu hướng tăng giá trong thời gian này thường không bền mà chỉ mang tính ngắn hạn vài tuần hoặc vài vòng T+3.

Do doanh nghiệp thường có xu hướng công bố ước tính lợi nhuận trước con số chính thức, nhất là khi trùng vào đại hội cổ đông, nên thông tin xuất hiện rải rác. Nhà đầu tư nhanh nhẹn sẽ đầu cơ trước và chốt lời khi đạt ngưỡng lợi nhuận tích cực và quay sang tìm kiếm các cổ phiếu khác thay vì nắm giữ để chờ con sóng dài. Tình trạng mua bán liên tục nên giá cổ phiếu biến động nhanh và không có mã nào tăng dễ dàng liên tục.

Trong số các nhóm cổ phiếu thì ngân hàng đã xuất hiện khá nhiều số liệu lợi nhuận (dù chưa chính thức toàn bộ) nhưng sẽ không có khác biệt là mấy. Vì vậy coi như con số ước tính là con số cuối cùng. Giá nhiều mã ngân hàng cũng đã tăng liên tục 2 tuần nay nên việc chốt lời có thể thấy rất rõ từ cuối tuần này. Kịch bản với các mã ngân hàng có thể lặp lại với các cổ phiếu khác.

Các mã lớn như VIC, VHM, VNM, GAS, MSN... chưa báo cáo lợi nhuận nên có thể dư địa tăng vẫn còn. Tuy vậy sự thiếu cộng hưởng giữa các mã đang là vấn đề chính với VN-Index. Thực ra khi chỉ số vượt đỉnh lịch sử, nhà đầu tư thường mơ mộng tới các con số cao hơn, nhưng nếu các trụ không tăng nhiều thì điều đó là bất khả thi. VIC đã tăng rất nhanh trong 3 tuần trước tức là sắp có thông tin bất ngờ nào đó. Vì vậy khi tin đó xuất hiện, cổ phiếu sẽ khó tìm thấy động lực tăng nào khác trong ngắn hạn.

chứng khoán 9-4

HSX

HNX

Giá trị Khớp lệnh

Khối lượng Khớp lệnh

Giá trị Khớp lệnh

Khối lượng Khớp lệnh

14.138 tỷ đồng (+7%)

655,8 triệu (+4%)

2.757 tỷ đồng (-5%)

160,7 triệu (-10%)

Khánh Nhi

Khánh Nhi

© Thời báo Tài chính Việt Nam