Phái sinh: Tiền vào nhiều hơn tìm kiếm cơ hội khi thị trường cơ sở chững lại

09:08 | 24/03/2021 Print
Các hợp đồng tương lai và chỉ số cơ sở đều giảm đóng cửa trong sắc đỏ. Tuy nhiên thanh khoản thị trường phái sinh lại cải thiện. Điều này phần nào phản ánh dòng tiền của nhà giao dịch tích cực tìm kiếm cơ hội tại thị trường tương lai trong bối cảnh thị trường cơ sở đang chững lại.

Trên thị trường phái sinh phiên 23/3, các hợp đồng tương lai tiếp tục chứng kiến một phiên giảm điểm, tuy nhiên mức giảm có phần ít hơn so với phiên kế trước. Chỉ số cơ sở cũng đóng cửa trong sắc đỏ và cao hơn 3 hợp đồng ngắn hạn. Theo đó, các hợp đồng tương lai giảm từ -6,5 điểm đến -13,6 điểm; còn chỉ số cơ sở giảm -11,56 điểm.

phái sinh

Hợp đồng tháng 4 đảo chiều từ vùng giá xanh trong phiên sáng về dưới tham chiếu trong phiên chiều, trước diễn biến đi xuống của thị trường cơ sở. Mặc dù vậy, VN30F2104 giảm -7,9 điểm lúc đóng cửa, song thấp hơn so với biên độ của VN30, qua đó thu hẹp khoảng cách chênh lệch âm về -2,48 điểm. Các hợp đồng còn lại cùng chung trạng thái chênh lệch âm tuy nhiên biên độ không đáng kể, nằm từ -1,68 điểm đến -1,18 điểm.

phái sinh

Thanh khoản thị trường phái sinh cải thiện nhẹ so với phiên kế trước. Theo đó, giá trị giao dịch hợp đồng tương lai đạt 138.965 hợp đồng, tăng 8,8% so với phiên trước. Giá trị giao dịch cũng tăng tương tự, đạt 16.507 tỷ đồng. Điều này phần nào phản ánh dòng tiền của nhà giao dịch tích cực tìm kiếm cơ hội tại thị trường tương lai trong bối cảnh thị trường cơ sở đang chững lại. Khối lượng giao dịch mở tiếp tục tăng, đạt 27.696 hợp đồng.

Thị trường cơ sở giảm trên diện rộng với sự đi xuống của hầu hết các chỉ số thành phần. VN-Index giao dịch toàn thời gian dưới tham chiếu, ghi nhận mức thấp nhất tại 1.177,1 điểm; tuy nhiên cầu kích hoạt từ vùng này giúp chỉ số thu hẹp đà giảm và đóng cửa tại 1.183,45 điểm (-0,92%).

Độ rộng thị trường nghiêng hẳn về nhóm giảm với 359 mã vượt trội hơn 110 mã tăng. Tác động giảm nhiều nhất vẫn đến từ sự sụt giảm của nhóm VN30, trong đó có đến 26/30 mã mất điểm gồm nhiều trụ cột như VCB (-1,2%), BID (-2,1%), TCB (-2,1%), VIC (-0,7%)…

Nhóm Ngân hàng diễn biến kém khả quan nhất khi hầu hết các mã trong nhóm đều giảm sau những phiên đóng vai trò dẫn dắt... Các nhóm ngành khác cũng không cho thấy diễn biến tích cực vượt trội ngoại trừ một số nhân tố tích cực đơn lẻ.

Thanh khoản thị trường tiếp tục duy trì ở mức ổn định. Trên HOSE, khối lượng giao dịch khớp lệnh đạt 626 triệu đơn vị và giá trị giao dịch đạt 13.967 tỷ đồng cao hơn một chút so với phiên kế trước. Khối ngoại vẫn bán ròng với tổng giá trị -288,24 tỷ, tập trung nhiều nhất tại nhóm VN30.

phái sinh

Theo SSI Research, chỉ số VN30 tiếp tục giảm 0,96% khi tiệm cận biên trên của vùng đi ngang 1.150 - 1.200 điểm. Khối lượng giao dịch không biến động đáng kể so với phiên kế trước nên nhiều khả năng chỉ số vẫn sẽ tiếp tục dao động trong vùng 1.150 – 1.200 điểm trước khi hình thành xu hướng tiếp theo./.

Thái Duy

Thái Duy

© Thời báo Tài chính Việt Nam