Quỹ ngoại xả ròng ngàn tỷ, VN-Index vẫn tăng hơn 6 điểm

15:50 | 17/03/2021 Print
Thị trường có phiên tăng khá tốt hôm nay, bất chấp đợt tái cơ cấu danh mục của các quỹ ETF ngoại dường như được thực hiện sớm hơn. Sau quá 3/4 thời gian của phiên chao đảo, VN-Index cuối cùng cũng tăng dứt khoát hơn 6 điểm.

CKKhối ngoại xả ròng ngàn tỷ

Tuần này cả hai quỹ ETF ngoại sẽ thực hiện tái cơ cấu và tổng thể là bán ròng do tỷ lệ nắm giữ hiện tại cao hơn quy định. Thông thường các quỹ này sẽ đổ lệnh vào ngày thứ sáu trong đợt ATC. Tuy nhiên với tình hình hệ thống không tải nổi, có thể các quỹ ngoại cũng lo lắng. Phiên hôm nay chứng kiến giá trị bán ròng gia tăng đột biến ở sàn HSX.

Chỉ riêng phiên sáng, khối ngoại đã ghi nhận bán ra 1.412,2 tỷ đồng trên sàn HSX và mức bán ròng khoảng 756 tỷ đồng. Đến cuối ngày, tổng giá trị bán vọt lên 2.116,7 tỷ đồng và mức bán ròng tới 1.015 tỷ đồng.

Như vậy sau hơn 1 tuần hạ nhiệt, hôm nay thị trường lại chứng kiến một ngày bán ròng cỡ ngàn tỷ. Ở các phiên từ 5 - 9/3 vừa qua, nhà đầu tư nước ngoài cũng ghi nhận mức bán ròng dữ dội với cổ phiếu HSX, thấp nhất cũng hơn 1.200 tỷ đồng/ngày.

Hôm nay lực bán dồn lớn vào các blue-chips thuộc rổ VN30. Điều này cũng không có gì lạ vì các quỹ ETF chủ yếu nắm giữ blue-chips. VN30 ghi nhận tổng giá trị bán trong phiên tới 1.670 tỷ đồng và mức bán ròng là 921 tỷ đồng.

POW xuất hiện lượng bán ra tới gần 10,8 triệu cổ phiếu và gần như không được mua. Lượng bán này chiếm 42% thanh khoản của POW. Cổ phiếu này đóng cửa vẫn tăng 2,57% so với tham chiếu. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là lực bán không gây áp lực. POW có lúc đạt mức tăng tới 4,41% so với tham chiếu. Như vậy lực bán cũng khiến POW bị thụt lùi khoảng 1,76% so với giá đỉnh.

Hàng loạt blue-chips cũng chứng kiến áp lực bán lớn từ khối ngoại và giá suy yếu. VNM bị bán ròng hơn 2 triệu cổ phiếu và lượng bán từ nhà đầu tư nước ngoài chiếm gần 65% thanh khoản. VNM đóng cửa giảm 0,5%. Chỉ trong 4 phiên vừa qua VNM đã rơi 2,24% giá trị. VHM, VCB, VIC cũng là các mã trụ bị bán ròng nhiều và giá giảm.

Tuy nhiên, cũng có nhiều cổ phiếu được lực mua từ nhà đầu tư trong nước tốt, chống chọi lại lực bán từ khối ngoại và tăng. CTG tăng 4,91% là tiêu biểu cho nhóm này. Khối ngoại xả hơn 6,72 triệu CTG và mức ròng là 5,87 triệu cổ phiếu. CTG vẫn có được một phiên tăng mạnh nhất kể từ đầu tháng 2 tới nay. VRE, HPG, MSB, HSG cũng nằm trong danh sách các mã bị bán ròng hàng triệu cổ nhưng giá cũng tăng.

Tính chung chỉ từ đầu tháng 3 tới nay, cổ phiếu sàn HSX đã bị nhà đầu tư nước ngoài bán ròng trị giá hơn 8.000 tỷ đồng. Hai tháng đầu năm 2021, mức bán ròng cổ phiếu đã là gần 6.400 tỷ đồng.

Hết áp lực ETF, thị trường sẽ rộng đường tăng?

Việc bán ra sớm của các quỹ ngoại có thể giúp thị trường giải tỏa nhanh hơn lo lắng về lượng cung mang tính thời điểm lúc này. Thậm chí có quan điểm còn cho rằng vì còn vướng đợt tái cơ cấu này mà thị trường chưa thể bùng nổ được. Nếu vậy, tuần tới sẽ là thời gian để thị trường chứng minh.

Thực ra lực bán từ các quỹ ETF chỉ là một yếu tố trong tổng cung hàng ngày. Như đã nói ở trên, không chỉ vào đợt tái cơ cấu này nhà đầu tư nước ngoài mới ghi nhận mức bán ròng lớn. Dòng vốn ngoại vẫn đang trong xu hướng rút ra mạnh mẽ và cần dòng vốn trong nước nâng đỡ để duy trì thị trường không sụt giảm.

Vì vậy, ngay cả khi các quỹ ETF kết thúc giao dịch thì các quỹ ngoại chủ động vẫn có thể tiếp tục bán ra. Động lực tăng của thị trường cần dựa vào dòng tiền của nhà đầu tư trong nước. Thanh khoản hai sàn hôm nay cũng không có gì đặc biệt khi giá trị khớp lệnh vẫn chỉ giới hạn ở 16.540 tỷ đồng, tăng nhẹ 2,2% so với hôm qua. Tuy nhiên, điểm tích cực là thanh khoản tại HSX tăng 5% và giao dịch tại rổ VN30 tăng 12%, đạt 6.881,3 tỷ đồng. Đây là mức khớp cao nhất 8 phiên của rổ này. Trong khi đó Midcap và Smallcap lại cùng giảm thanh khoản.

chứng khoán 17-3

HSX

HNX

Giá trị Khớp lệnh

Khối lượng Khớp lệnh

Giá trị Khớp lệnh

Khối lượng Khớp lệnh

14.142 tỷ đồng (+5%)

648,8 triệu (+3%)

2.398 tỷ đồng (-10%)

142,9 triệu (-13%)

Khánh Nhi

Khánh Nhi

© Thời báo Tài chính Việt Nam