Việt Nam sẽ sớm gia nhập “câu lạc bộ phái sinh” lớn nhất thế giới

14:58 | 24/02/2021 Print
(TBTCVN) - Thị trường chứng khoán phái sinh Việt Nam tiếp tục cho thấy tốc độ tăng trưởng ấn tượng trong năm 2020. Với tốc độ tăng trưởng bình quân gần 200% mỗi năm như hiện nay, Việt Nam sẽ sớm gia nhập “câu lạc bộ” Top thị trường chứng khoán phái sinh lớn nhất thế giới.

50

Với đội ngũ chuyên gia từ Đài Loan và nền tảng công nghệ hiện đại, PHS đặt mục tiêu dẫn đầu trong lĩnh vực “Digital Brokers” trên thị trường phái sinh.

Dù vậy, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn khá non trẻ và còn tiềm năng rất lớn. Đây là cơ hội cho các công ty chứng khoán, trong đó có Công ty Cổ phần Chứng khoán Phú Hưng (PHS). Đây là nhận định của ông Chen Chia Ken – Tổng giám đốc PHS, khi trao đổi với phóng viên TBTCVN.

PV: Cùng với thị trường cơ sở, thị trường chứng khoán phái sinh của Việt Nam năm 2020 cũng tạo nhiều ấn tượng. Ông đánh giá thế nào về thị trường phái sinh trong năm qua?

Ông Chen Chia Ken: Vâng, tăng trưởng ấn tượng là điều có thể nói đến đầu tiên đối với thị trường chứng khoán phái sinh của Việt Nam trong năm 2020. Chỉ tính riêng hợp đồng tương lai chỉ số VN30, khối lượng giao dịch đạt hơn 39,9 triệu hợp đồng, gấp hơn 1,8 lần so với năm 2019. Theo tôi đây là con số vô cùng ấn tượng. Mới chỉ gần 4 năm mà khối lượng hợp đồng giao dịch trên thị trường chứng khoán phái sinh của Việt Nam đã đạt đến con số mà thị trường tương lai của Đài Loan (Taiwan Futures Exchanges) phải mất đến 10 năm mới đạt được (từ năm 1998 đến năm 2008).

chen
Ông Chen Chia Ken

Hiện thị trường tương lai của Đài Loan nằm trong Top 20 thị trường chứng khoán phái sinh lớn nhất trên toàn thế giới (tính theo số lượng hợp đồng giao dịch) và tôi tin rằng, với tốc độ tăng trưởng bình quân gần 200% mỗi năm như hiện nay, Việt Nam sẽ sớm gia nhập câu lạc bộ này.

PV: Bên cạnh điểm số, thanh khoản, số lượng tài khoản nhà đầu tư… đều lập nhiều kỷ lục, thì thị trường phái sinh năm qua đã thể hiện rất rõ nét vai trò công cụ phòng vệ. Theo ông, vai trò này đã thể hiện như thế nào trong năm qua; điều này nói lên điều gì về sự trưởng thành thị trường phái sinh Việt Nam dù còn non trẻ?

Ông Chen Chia Ken: Chúng ta đều biết rằng, thị trường chứng khoán phái sinh ra đời góp phần hoàn thiện cấu trúc hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam theo thông lệ quốc tế. Ngoài việc là công cụ đầu tư hấp dẫn với tỷ lệ đòn bẩy cao, thị trường chứng khoán phái sinh nhiều năm qua cũng đã thể hiện ngày càng rõ nét hơn vai trò phòng vệ của mình, đặc biệt trong hai đợt giảm mạnh của thị trường do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, với sự gia tăng đột biến khối lượng giao dịch của hợp đồng tương lai chỉ số VN30.

Ngoài ra, tôi cho rằng, sự thay đổi trong cơ cấu nhà đầu tư với chiều hướng gia tăng tỷ trọng giao dịch của nhà đầu tư tổ chức đã nói lên điều này khi mục đích của họ thường là để phòng vệ rủi ro.

bieu

Theo số liệu từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), nếu như năm 2019, tỷ trọng tham gia của nhà đầu tư cá nhân trong nước là 92,51% và nhà đầu tư tổ chức trong nước là 7,03%, thì trong năm 2020, các tỷ lệ này là 85,86% và 13,29%. Tỷ trọng giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài trong năm 2020 dù còn thấp nhưng cũng đã tăng gấp đôi so với năm 2019, đạt 0,85% khối lượng giao dịch toàn thị trường. Các công ty chứng khoán trong nước và nước ngoài cũng tiếp tục gia tăng tỷ trọng giao dịch và chiếm 2,11%.

Tỷ trọng nhà đầu tư tổ chức ngày càng tăng lên cũng thể hiện sự trưởng thành của thị trường chứng khoán phái sinh Việt Nam. Dù vậy, thị trường vẫn còn rất non trẻ khi nhà đầu tư cá nhân chiếm tỷ trọng tới hơn 80% giao dịch trên thị trường và nhà đầu tư tổ chức thì chỉ chiếm dưới 20%. Trong khi đó, ở các thị trường đã phát triển thì tỷ lệ này sẽ đảo ngược với 80% tỷ trọng giao dịch thuộc về nhà đầu tư tổ chức và nhà đầu tư cá nhân chỉ chiếm khoảng 20%.

Tôi tin rằng, với sự lớn mạnh của các quỹ đầu tư như quỹ tương hỗ, quỹ phòng vệ, quỹ hưu trí cũng như các quỹ đầu tư chỉ số trong thời gian tới cơ cấu nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán phái sinh sẽ tiếp tục dịch chuyển với tỷ trọng giao dịch ngày càng cao hơn của nhà đầu tư tổ chức.

PV: Dù có sự tăng trưởng nhanh, nhưng tiềm năng của thị trường chứng khoán phái sinh còn rất lớn, trong khi đó, việc cung cấp dịch vụ phái sinh hiện nay chủ yếu thuộc về các công ty chứng khoán top trên và cũng chịu sự cạnh tranh không hề nhỏ. Theo ông, đâu là cơ hội cho các công ty chứng khoán chưa tham gia cung cấp dịch vụ thị trường phái sinh?

Ông Chen Chia Ken: Chính sự non trẻ của thị trường chứng khoán phái sinh với tiềm năng tăng trưởng còn rất lớn là cơ hội cho tất cả các công ty chứng khoán, dù đã hoặc sắp tham gia cung cấp dịch vụ thị trường phái sinh.

Chỉ cần làm một phép tính nho nhỏ chúng ta đã có thể thấy tiềm năng của thị trường chứng khoán phái sinh lớn đến mức nào. Chúng tôi ước tính quy mô của các thị trường phái sinh chính trên thế giới gấp khoảng 10 lần quy mô GDP toàn cầu trong khi tỷ lệ này ở Việt Nam mới chỉ 1 phần nghìn.

Như vậy, cơ hội là rất lớn và chia đều cho tất cả, vấn đề còn lại nằm ở từng công ty chứng khoán sẽ hoạch định chiến lược và hành động như thế nào để nắm bắt được cơ hội này.

PV: Với Chứng khoán Phú Hưng, đâu là thế mạnh để bước vào thị trường chứng khoán phái sinh sắp tới?

Ông Chen Chia Ken: Chúng tôi tin rằng, thập niên tiếp theo là giai đoạn của công nghệ và chuyển đổi số. Nhờ đó, thị trường chứng khoán Việt Nam, bao gồm cả thị trường chứng khoán phái sinh cũng sẽ có những bước phát triển nhanh chóng.

Nắm bắt được xu hướng này, chúng tôi đang đẩy mạnh đầu tư công nghệ chuẩn bị cho quá trình chuyển đổi số tại PHS. Cùng với kinh nghiệm phát triển dịch vụ chứng khoán phái sinh của đội ngũ chuyên gia từ thị trường Đài Loan, trên nền tảng công nghệ hiện đại, chúng tôi đặt mục tiêu dẫn đầu trong lĩnh vực “Digital Brokers” và sẽ tạo được bước đột phá trên thị trường còn mới mẻ này.

PV: Xin cảm ơn ông!

Duy Thái (thực hiện)

Duy Thái (thực hiện)

© Thời báo Tài chính Việt Nam