Thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài

18:38 | 13/01/2021 Print
Các chuyên gia chứng khoán cho rằng việc hoàn thiện thể chế là một điều cực kỳ quan trọng trong tiến trình nâng hạng thị trường. Điều này không chỉ giúp các nhà đầu tư cá nhân trong nước mà còn giúp các nhà đầu tư ngoại yên tâm hơn khi rót vốn vào thị trường chứng khoán Việt Nam.

Phóng viên TBTCO đã có cuộc trao đổi với ông Phan Linh - CEO Công ty TNHH Tư vấn và Đầu tư Take Profit Việt Nam xung quanh vấn đề này.

TTCK Việt Nam vẫn là 1 điểm đến hấp dẫn cho những nhà đầu tư nước ngoài. Dòng tiền đầu tư toàn cầu sẽ thường chú ý đến những thị trường cận biên hoặc mới nổi có tốc độ tăng trưởng nhanh.

ong phan linh

Ông Phan Linh

* PV: Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam năm 2020 đã có giai đoạn sụt giảm sâu do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng đã hồi phục mạnh mẽ trong những tháng cuối năm. Ông có thể chia sẻ về cái nhìn tổng quan về thị trường chứng khoán năm 2020?

Ông Phan Linh: TTCK Việt Nam cũng như thị trường tài chính thế giới đã trải qua một năm lịch sử, một năm khó đoán định thậm chí với rất nhiều chuyên gia.

Đầu năm, do tác động của dịch Covid-19 làm thị trường rơi xuống mốc 650 và đến giờ đã quay trở lại vượt đỉnh trước Covid-19 ở mốc gần 1.200 điểm.

Đầu năm mọi người lo sợ về một cuộc suy thoái, tuy nhiên thị trường đã phản ứng hoàn toàn khác. Với mức lãi suất thấp đã khiến dòng tiền không chỉ chảy vào TTCK mà còn vào các loại tài sản khác như vàng, bất động sản… Chưa khi nào tất cả các lớp tài sản đều đồng loạt tăng giá mạnh đến như vậy.

* PV: Nhằm hỗ trợ thị trường chứng khoán trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, Bộ Tài chính đã có chính sách giảm giá và miễn hoàn toàn không thu phí đối với 15 loại dịch vụ chứng khoán. Ông đánh giá như thế nào về những chính sách này đối với sự phát triển của thị trường thời gian qua?

Ông Phan Linh: Đây có thể nói là một thông tin hỗ trợ rất tốt đối với các nhà đầu tư hiện nay. Động thái này cũng một phần thúc đẩy các nhà đầu tư mới tham gia thị trường.

* PV: Cuối năm 2020 dòng tiền từ nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam khá mạnh. Liệu trong năm 2021 dòng tiền từ nhà đầu tư nước ngoài có tiếp tục chảy vào TTCK Việt Nam. Đâu là những yếu tố TTCK Việt Nam có thể thu hút được dòng tiền này, thưa ông?

Ông Phan Linh: TTCK Việt Nam vẫn là một điểm đến hấp dẫn cho những nhà đầu tư nước ngoài. Dòng tiền đầu tư toàn cầu sẽ thường chú ý đến những thị trường cận biên hoặc mới nổi có tốc độ tăng trưởng nhanh.

Việt Nam là một trong những điểm đầu tư đầy hứa hẹn trong thời gian qua và cả thời gian tới. Tỷ giá , vĩ mô, chính trị ổn định trong 1 thời gian dài. Kiểm soát dịch tốt và nền kinh tế phục hồi thuộc top nhanh nhất thế giới.

Bên cạnh đó, định giá P/E toàn thị trường so với khu vực vẫn ở mức rẻ.

Với những lợi thế như vậy tôi tin rằng TTCK Việt Nam sẽ thu hút được nhiều dòng vốn ngoại trong thời gian tới.

* PV: Năm 2021, TTCK Việt Nam sẽ có nhiều thay đổi về chính sách khi Luật chứng khoán 2019 và một loạt các văn bản dưới luật có hiệu lực. Ông kỳ vọng gì vào sự phát triển của thị trường chứng khoán trong năm?

Ông Phan Linh: Việc hoàn thiện thể chế là một điều cực kỳ quan trọng trong tiến trình nâng hạng thị trường. Điều này không chỉ giúp các nhà đầu tư cá nhân trong nước mà còn giúp các nhà đầu tư ngoại yên tâm hơn khi rót vốn vào TTCK Việt Nam. Thu hút thêm dòng vốn từ các quỹ ETF ngoại vào thị trường.

* PV: Đại dịch Covid-19 mang đến nhiều thử thách cho "sức khỏe" nền kinh tế nhưng cũng mở ra rất nhiều cơ hội cho thị trường chứng khoán nhờ sự kiểm soát tốt dịch bệnh và sự gia nhập của dòng tiền mới. Theo ông nhóm ngành nào sẽ là nhóm ngành nhà đầu tư nên quan tâm trong năm 2021?

Ông Phan Linh: Đại dịch Covid-19 đúng là "thuốc thử" cho nền kinh tế. Tuy nhiên, nó lại mở ra rất nhiều cơ hội trong đầu tư. Thực tế thị trường cho thấy, có những cổ phiếu tốt "bị oan" khi cả thị trường chung giảm. Nhưng cũng có những cổ phiếu lại nhờ Covid-19 mà tăng trưởng mạnh mẽ. Cũng nhờ Covid-19 mà nhà đầu tư mới có cơ hội được sở hữu những cổ phiếu giá trị mà trước đây vì định giá quá cao không thể mua.

Với những tín hiệu tích cực của thị trường, theo tôi những ngành tiềm năng trong năm tới đó là dầu khí, bất động sản, bất động sản khu công nghiệp, chứng khoán, doanh nghiệp tập trung xuất khẩu được "hưởng lợi" từ chiến tranh thương mại.

* PV: Xin cảm ơn ông!

Hồng Quyên (thực hiện)

Hồng Quyên (thực hiện)

© Thời báo Tài chính Việt Nam