Thị trường giằng co, thanh khoản giảm

16:12 | 12/01/2021 Print
Ngay cả khi VN-Index tăng được trên 7 điểm hôm nay thì tình thế vẫn chỉ là giằng co đối với cổ phiếu. Điểm số chủ đạo vẫn do các mã vốn hóa lớn kéo lên.

CKNhiều cổ phiếu lớn gặp kháng cự mạnh

Hiện tượng điểm số cứ tăng nhưng cổ phiếu gặp khó khăn đang xuất hiện ngày càng nhiều. Chuỗi phiên băng băng tăng giá ở đại đa số cổ phiếu đã không còn. Việc nhìn vào đà tăng của VN-Index có thể khiến nhà đầu tư không có đánh giá đúng về cổ phiếu.

VN-Index đi cao thêm 7,39 điểm hôm nay có vai trò rất lớn của HPG tăng 4,3%, VCB tăng 1,05%, SAB tăng 1,58%, BID tăng 1,04%. Thực ra tình thế có thể thay đổi vì đến đợt ATC nhiều mã không giao dịch được. Cả rổ VN30 chỉ khớp lệnh hơn 10 tỷ đồng. Thậm chí SAB còn không giao dịch và giá đóng cửa là giá cuối cùng ở đợt liên tục. VCB cũng chỉ có giao dịch 100 cổ là mức tối thiểu.

Dù vậy chỉ số vẫn được chốt tăng mạnh lên mức 1.192,28 điểm tương đương tăng 0,62% so với tham chiếu. Chỉ số VN30-Index kém hơn, tăng nhẹ 0,48%. Có thể thấy cổ phiếu blue-chips tương đối yếu về xung lực so với những phiên trước. Đúng hơn, nhiều mã đã thiết lập một đỉnh cao ngắn hạn hoặc đang gặp khó khăn ở ngưỡng cản kỹ thuật mạnh.

Lấy ví dụ VCB, cổ phiếu kéo chỉ số khá nhiều hôm nay. VCB tăng 1,05% lên 105.600 đồng. Nhìn một phiên thì VCB tăng tốt, nhưng hai phiên trước VCB đã có đỉnh 108.000 đồng – 108.500 đồng. BID cũng vậy, đỉnh cao trong 3 phiên trước vẫn còn nguyên. VNM chững lại hôm nay, tăng 0,35% sau phiên tăng 3,5% hôm qua một phần là do giá đang gặp lại đỉnh cao nhất từ 2019. SAB tăng 1,6% nhưng vẫn là lần thứ 3 gặp lại kháng cự quanh 210.000 đồng, đã chặn được đà tăng giá hồi tháng 7 và đầu tháng 12 vừa qua.

Khi nhìn vào các cổ phiếu riêng lẻ thì biến động tăng giá không thật sự tạo nên sự đột biến khác biệt nào rõ rệt. Kể cả khi VN-Index đột phá qua đỉnh cao lịch sử 1.200 điểm thì chưa chắc cổ phiếu đã có thể tăng tương xứng với chỉ số. Đó là hiện tượng phân hóa về sức mạnh, do ảnh hưởng của các cổ phiếu vốn hóa lớn đang ngày càng rõ hơn.

Dĩ nhiên thị trường vẫn có những cổ phiếu mạnh cá biệt. Chẳng hạn VHM hay HPG, FPT, REE vẫn đang trên đường tìm đỉnh cao lịch sử mới. Điều này thể hiện rằng sự lựa chọn cổ phiếu lúc này sẽ đóng vai trò quyết định ở thời khắc VN-Index vượt đỉnh lịch sử. Giai đoạn cổ phiếu tăng đồng loạt đã không còn nữa.

Thanh khoản sụt giảm

Hệ thống giao dịch vẫn lặp lại hiện tượng nghẽn về cuối phiên và hôm nay nghẽn ngay từ 1h45 trở đi. Nếu có gì đó khác lạ thì chính là điểm nghẽn xuất hiện khi thanh khoản tương đối thấp. Thực vậy, cả phiên hôm nay tổng giá trị giao dịch ở sàn HSX mới hơn 15,8 ngàn tỷ đồng còn mức khớp lệnh thậm chí thấp nhất 7 phiên với gần 14,78 ngàn tỷ đồng.

Các phiên tuần trước, hiện tượng nghẽn hệ thống xảy ra khi giao dịch khớp lệnh đạt tới quanh mốc 15 ngàn tỷ đồng, hoặc như hôm qua tới 16 ngàn tỷ đồng. Điều này khiến thanh khoản chung sụt giảm khoảng 7% trên cả hai sàn, đạt 17.138 tỷ đồng. Tính cả thỏa thuận giá trị cũng chỉ đạt 18.134 tỷ đồng.

Thanh khoản trong bối cảnh hệ thống trục trặc thì cũng không có nhiều ý nghĩa. Tuy vậy nếu như hiện tượng nghẽn xảy ra với quy mô nhỏ hơn nữa thì nhà đầu tư sẽ rất khó để giao dịch. Điều này có thể dẫn tới đà tăng giá “nhân tạo” vì áp lực bán không đủ để đáp ứng nhu cầu mua. Về lý thuyết rõ ràng là giá cứ lên thì nhà đầu tư sẽ hưởng lợi, nhưng đó là một xu hướng giá không phản ánh đúng về tính chất giao dịch bình thường của thị trường. Khi tăng giá, việc nghẽn hệ thống không tạo ra nhiều bất lợi nên nhà đầu tư không phản ứng mạnh, nhưng khi bất lợi của hệ thống tạo nên thua lỗ, tình thế lúc đó sẽ khác.

chứng khoán 12-1

HSX

HNX

Giá trị Khớp lệnh

Khối lượng Khớp lệnh

Giá trị Khớp lệnh

Khối lượng Khớp lệnh

14.777 tỷ đồng (-10%)

683,3 triệu (-12%)

2.360 tỷ đồng (+12%)

166,5 triệu (+21%)

Khánh Nhi

Khánh Nhi

© Thời báo Tài chính Việt Nam