Thị trường chứng khoán 2020: Vượt đại dịch Covid-19 thành công và phục hồi tích cực

18:43 | 07/01/2021 Print
Chung xu hướng với thế giới, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng chịu những tác động nhất định do đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, tính chung cả năm 2020, thị trường chứng khoán Việt Nam về cơ bản đã vượt đại dịch thành công và phục hồi tích cực.

Top 10 thị trường có mức tăng trưởng tốt nhất thế giới

Báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, dưới tác động của đại dịch Covid-19, thị trường chứng khoán (TTCK) toàn cầu quý I/2020 đã trải qua những biến động lớn chưa từng thấy kể từ sau cuộc Đại khủng hoảng năm 1939, với những phiên ngắt mạch giao dịch liên tục diễn ra tại nhiều thị trường như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Philippines…

Mặc dù TTCK đã có sự phục hồi mạnh mẽ nhưng diễn biến mới của làn sóng dịch Covid-19 lần 2 khiến kế hoạch mở cửa kinh tế chậm lại và có những ảnh hưởng không tích cực tới xu hướng phát triển của TTCK toàn cầu.

Không nằm ngoài xu hướng đó, TTCK Việt Nam cũng chịu những tác động nhất định, nhưng nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Bộ Tài chính, sự nỗ lực của thành viên thị trường, doanh nghiệp và niềm tin của nhà đầu tư, TTCK Việt Nam trong năm 2020 về cơ bản đã thành công khi vượt qua giai đoạn khó khăn nhất và phục hồi tích cực.

chứng khoán 2020
Việt Nam thuộc top 10 TTCK tăng trưởng tốt nhất thế giới. Ảnh: Duy Dũng.

Cập nhật số liệu tới ngày 31/12/2020, TTCK Việt Nam đã kết thúc một năm tăng trưởng ấn tượng với chỉ số VN-Index đạt 1.103,87 điểm, tăng mạnh tới 67% so với thời điểm thấp nhất của năm 2020 (ngày 24/3/2020, đóng cửa ở mức 659,21 điểm), tăng 14,9% so với thời điểm cuối năm 2019.

Chỉ số HNX Index cũng đã có một năm tăng trưởng rất mạnh. Kết thúc phiên giao dịch năm 2020, chỉ số HNX-Index tăng gần 119% so với thời điểm cuối quý I/2020 và tăng 98,1% so với cuối năm 2019.

Nhờ những kết quả đó, TTCK Việt Nam được đánh giá là thị trường phục hồi mạnh nhất Đông Nam Á, nằm trong danh sách 10 TTCK có mức tăng trưởng tốt nhất trên thế giới.

Hoàn thiện khung pháp lý và chính sách phát triển thị trường

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ và trực tiếp là Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã nỗ lực, tích cực trong công tác chỉ đạo, điều hành, chủ động triển khai các giải pháp, nhiệm vụ, tích cực chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan và các đơn vị thuộc Bộ trong công tác quản lý, giám sát, xây dựng chính sách phát triển thị trường.

Theo đó, trong năm 2020, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ danh mục văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Chứng khoán năm 2019. Ngày 6/1/2020, Thủ tướng Chính phủ đã kí Quyết định số 24/QĐ-TTg ban hành danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, bộ luật, nghị quyết được Quốc hội khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 8. Trên cơ sở đó, UBCKNN đã tổ chức xây dựng kế hoạch soạn thảo và đã tích cực triển khai xây dựng, trình các cấp có thẩm quyền ban hành 3 nghị định, 11 thông tư quy định chi tiết Luật Chứng khoán (có hiệu lực thi hành từ đầu năm 2021).

Nhằm hoàn thiện và tạo thuận lợi cho việc triển khai các nghiệp vụ mua lại, hoán đổi trái phiếu chính phủ (TPCP) để tái cơ cấu danh mục nợ TPCP, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 81/2020/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 110/2018/TT-BTC ngày 15/11/2018 hướng dẫn việc mua lại, hoán đổi TPCP, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 81/2020/NĐ-CP ngày 9/7/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 163/2018/NĐ-CP ngày 4/12/2018 quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) theo hướng nâng cao điều kiện phát hành, hạn chế nhà đầu tư cá nhân mua TPDN riêng lẻ để thực hiện từ 1/9/2020. Qua đó, đã hạn chế rủi ro cho cả doanh nghiệp phát hành và nhà đầu tư mua trái phiếu trong bối cảnh thị trường TPDN tăng trưởng nhanh. Bộ Tài chính cũng đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 153/2020/NĐ-CP thay thế Nghị định số 163/2018/NĐ-CP và Nghị định số 81/2020/NĐ-CP (có hiệu lực thi hành từ 01/01/2021) để hướng dẫn Luật Chứng khoán và Luật Doanh nghiệp mới.

Bộ Tài chính cho biết thêm, hiện nay, Bộ cũng đang tập trung nghiên cứu, xây dựng 3 đề án mới, bao gồm: Đề án nghiên cứu khuôn khổ pháp lý cho hoạt động chứng khoán hóa các khoản nợ và khả năng áp dụng để chuyển đổi các khoản nợ xấu thành chứng khoán giao dịch trên TTCK theo Quyết định số 2071/QĐ-BTC ngày 16/10/2017 về kế hoạch hành động của Bộ Tài chính triển khai Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020”; Đề án Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2030; và Đề án thành lập sàn giao dịch vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo./.

Duy Thái

Duy Thái

© Thời báo Tài chính Việt Nam