Biến thách thức thành cơ hội cho các ngân hàng khi áp dụng IFRS

07:53 | 19/06/2019 Print
Việc chuyển đổi sang chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế 9 (IFRS 9) sẽ có không ít thách thức; tuy nhiên, nếu có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, những thay đổi mà chuẩn mực này mang lại có thể trở thành cơ hội cho các ngân hàng.

Đây là nhận định chung tại chương trình đào tạo “IFRS 9: Tiếp cận trong thực tiễn và kinh nghiệm triển khai cho ngân hàng tại Việt Nam” do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) tổ chức ngày 18/6 với sự tham gia của các chuyên gia đến từ Công ty TNHH PwC Việt Nam, PwC Malaysia và SAS (công ty chuyên về phần mềm và dịch vụ phân tích thông tin doanh nghiệp).

Cột mốc năm 2025 là một thách thức lớn với ngân hàng

Chương trình thu hút hơn 120 lãnh đạo và đại diện đến từ các bộ phận quản lý rủi ro, kế toán và tài chính của các ngân hàng thương mại Việt Nam, để lắng nghe các chuyên gia của PwC và SAS chia sẻ về tính phức tạp của IFRS 9 và cùng thảo luận các giải pháp cho những thay đổi mà chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế này mang đến.

IFRS 9
Toàn cảnh chương trình đào tạo thu hút rất nhiều người tham gia. Ảnh: PwC.

Theo dự thảo lộ trình IFRS do Bộ Tài chính công bố tháng 3/2019, từ sau năm 2025 trở đi việc áp dụng IFRS là bắt buộc đối với báo cáo tài chính hợp nhất của tất cả các công ty niêm yết, các công ty đại chúng có quy mô lớn chưa niêm yết, và các công ty, tập đoàn kinh tế nhà nước. Các chuyên gia tại sự kiện cho rằng, mặc dù còn 6 năm nữa, nhưng cột mốc 2025 sẽ là một thách thức lớn đối với các ngân hàng Việt Nam nếu họ không bắt đầu chuẩn bị ngay từ bây giờ.

“Đối với chuẩn mực IFRS 9 - Công cụ tài chính, các tổ chức tài chính sẽ cần đầu tư nhiều thời gian và nỗ lực để đánh giá tác động (cả tác động tài chính và tác động vào hoạt động), chuẩn bị khả năng đáp ứng các yêu cầu của chuẩn mực, lập các đề xuất thay đổi với sự bảo trợ của các bên liên quan, và thực thi các dự án triển khai. Đây là bài học kinh nghiệm từ quá trình chúng tôi tư vấn triển khai IFRS 9 tại các quốc gia khác” - ông Trần Hồng Kiên - Phó Tổng giám đốc Dịch vụ kiểm toán kiêm Lãnh đạo mảng dịch vụ IFRS tại PwC Việt Nam cho biết.

“Lý do chủ yếu là IFRS 9 sẽ có tác động sâu hơn và rộng hơn lên các ngân hàng trên nhiều khía cạnh, từ lợi nhuận đến quy trình quản lý rủi ro và hệ thống công nghệ thông tin” - ông Kiên nhận định.

Lên kế hoạch sớm để tránh bị “sốc” khi áp dụng

IFRS 9 thay đổi cách phân loại, đo lường tài sản tài chính và bao gồm các hướng dẫn mới về kế toán phòng ngừa rủi ro. Hơn nữa, mô hình tổn thất tín dụng trong IFRS 9 yêu cầu các ngân hàng phải trích lập dự phòng cho các khoản tổn thất trong tương lai (mô hình tổn thất tín dụng dự kiến - ECL), thay vì chỉ trích lập dự phòng cho các tổn thất đã phát sinh. Sự thay đổi này được cho là có tác động đáng kể nhất đối với các tổ chức tài chính.

Theo bà Stefanie Tang - Giám đốc Dịch vụ tư vấn tài chính tại PwC Malaysia, IFRS 9 sẽ thay đổi cách các ngân hàng trích lập dự phòng cho các tài sản tài chính của mình. Các ngân hàng nên lường trước các biến động về chi phí dự phòng, ngay sau khi áp dụng IFRS 9, mức dự phòng có thể sẽ cao hơn. Thực tế, mức độ ảnh hưởng lên các ngân hàng sẽ khác nhau tùy thuộc vào sự kết hợp danh mục của ngân hàng, hồ sơ rủi ro của người vay, mức độ vững chắc của các mô hình tổn thất tín dụng dự kiến, ....

Bà Stefanie Tang chia sẻ thêm, nhận thức được tính phức tạp của IFRS 9, hầu hết các ngân hàng trong khu vực, bao gồm cả ở Malaysia, đã bắt đầu triển khai dự án thực hiện IFRS 9 ít nhất một năm trước ngày chuẩn mực này có hiệu lực (1/1/2018). Giờ đây, trọng tâm của các ngân hàng khu vực đã chuyển từ các khía cạnh định lượng sang định tính, bao gồm nâng cấp mô hình, quy trình quản trị mô hình và giám sát mô hình.

“Để đảm bảo quá trình chuyển đổi sang IFRS 9 diễn ra suôn sẻ, các ngân hàng Việt Nam nên lên kế hoạch sớm và cân nhắc việc lập báo cáo song song theo hai chuẩn mực kế toán Việt Nam và quốc tế để tránh các cú sốc khi áp dụng IFRS 9 chính thức” - bà Stefanie Tang nhấn mạnh.

Nhìn chung, IFRS 9 sẽ đòi hỏi dữ liệu, hệ thống và quy trình bài bản và sự phối hợp chặt chẽ hơn trong nội bộ mỗi tổ chức. Các tổ chức tài chính nên cân nhắc ứng dụng công nghệ phân tích dữ liệu nâng cao và tự động hóa để giải quyết các vấn đề phức tạp của chuẩn mực báo cáo này.

Ông Sheldon Goh - Lãnh đạo Phòng Giải pháp quản lý rủi ro tại SAS - Khu vực ASEAN nhận định, tính đến nay, IFRS 9 là một trong những thay đổi phức tạp nhất mà các tổ chức tài chính đã triển khai trong thập kỷ qua. Việc áp dụng IFRS 9 đi liền với những thay đổi về mô hình rủi ro tín dụng, tăng cường quản trị và kiểm soát quy trình kế toán, cũng như phối hợp chặt chẽ hơn giữa chức năng rủi ro và tài chính. Tuy nhiên, giá trị mà IFRS 9 đem lại vượt xa chi phí triển khai, vì tính minh bạch và khả năng phục hồi của các tổ chức tài chính sẽ được cải thiện.

Ông Nguyễn Thanh Sơn - Giám đốc Trung tâm đào tạo của VNBA cũng cho rằng, việc triển khai IFRS 9 là cần thiết để các ngân hàng Việt Nam có thể củng cố niềm tin của nhà đầu tư và cạnh tranh trên sân chơi quốc tế. Trên thực tế, ngày càng có nhiều ngân hàng tại Việt Nam đưa IFRS 9 vào chiến lược chuyển đổi của mình. Đối với các ngân hàng chưa làm điều này, giờ đây là lúc để bắt đầu. Nếu chậm trễ hơn, họ sẽ khó có thể ứng phó một cách hiệu quả và kịp thời trước những tác động lên báo cáo tài chính, hệ thống, quy trình và các hoạt động kiểm soát mà IFRS 9 tạo ra./.

D.T

D.T

© Thời báo Tài chính Việt Nam