Doanh nghiệp được bán trước cổ phần cho người lao động

19:03 | 12/05/2015 Print
Đó là một nội dung mới đáng chú ý tại dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 127/2014/TT-BTC ngày 05/09/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn xử lý tài chính và xác định giá trị doanh nghiệp (DN) khi thực hiện chuyển DN 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần.

Về một số nguyên tắc khi thực hiện cổ phần hóa (Điều 3), dự thảo bổ sung thêm khoản 10, với những quy định như sau:

Những DN đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa nhưng chưa có điều kiện IPO ngay thì được bán trước cổ phần cho người lao động, tổ chức công đoàn trong DN (tạm gọi là nội bộ), với giá bán cổ phiếu không thấp hơn giá khởi điểm dự kiến sẽ bán ra bên ngoài (trong phương án đã duyệt), trừ đi các ưu đãi được hưởng theo quy định.

Giá khởi điểm bán ra bên ngoài làm cơ sở xác định giá bán nội bộ do cơ quan phê duyệt phương án quyết định; trường hợp cần thiết thì được phép thuê tổ chức tư vấn có chức năng thẩm định giá xác định.

Chênh lệch giữa giá bán nội bộ so với mệnh giá cổ phần được trừ vào giá trị phần vốn nhà nước khi quyết toán, tại thời điểm DN chính thức chuyển thành công ty cổ phần.

Trong vòng 12 tháng sau khi chuyển sang công ty cổ phần, DN phải thực hiện IPO theo đúng quy định.

Đồng thời, trong xử lý tài chính khi xác định giá trị doanh nghiệp (Điều 9), phần các khoản dự phòng, lỗ hoặc lãi (khoản 5), dự thảo sửa đổi, bổ sung:

Tại thời điểm xác định giá trị DN, trên bảng cân đối kế toán vẫn còn số dư các khoản dự phòng thì DN được hoàn nhập vào kết quả kinh doanh và không phải thực hiện trích lập các khoản dự phòng, các khoản giảm giá hàng tồn kho, tổn thất các khoản đầu tư tài chính, nợ phải thu khó đòi; không phải trích trước chi phí sửa chữa tài sản cố định.

Riêng đối với chi phí bảo hành sản phẩm, hàng hoá, công trình xây lắp, DN không phải hoàn nhập và vẫn được trích chi phí bảo hành theo hợp đồng đã ký đến thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần thì số dư chi phí bảo hành được để lại để công ty cổ phần thực hiện bảo hành sản phẩm theo hợp đồng.

Việc xử lý quỹ dự phòng rủi ro của ngân hàng và dự phòng nghiệp vụ của bảo hiểm thực hiện theo quy định tại khoản 2, Điều 17 Nghị định số 59/2011/NĐ-CP.

Phần xử lý tài chính thời điểm DN chính thức chuyển thành công ty cổ phần, dự thảo bổ sung: DN cổ phần hóa được chậm nộp tiền thu về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp cổ phần hóa đối với giá trị tăng thêm do đánh giá lại các khoản đầu tư tài chính, đầu tư chứng khoán sau 30 ngày kể từ ngày DN nhận được tiền chuyển nhượng khoản đầu tư tài chính, đầu tư chứng khoán nhưng tối đa không quá 12 tháng kế từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh lần đầu.

Điều khoản thi hành: Đến thời điểm thông tư này có hiệu lực thi hành, các doanh nghiệp đã được cấp Giấy đăng ký kinh doanh lần đầu thì không thuộc đối tượng áp dụng của thông tư này.

Thanh Bình

Thanh Bình

© Thời báo Tài chính Việt Nam