Cả 3 chỉ số chứng khoán Mỹ đều mất điểm

11:48 | 02/05/2015 Print
Chứng khoán Mỹ đã có phiên hồi phục cuối tuần (thứ Sáu ngày 1/5) và lấy lại được phần nào những điểm số đã mất trong các phiên tuột dốc trước đó. Tuy nhiên, chốt lại cả tuần, cả ba chỉ số của chứng khoán Mỹ vẫn nằm trong “vùng đỏ”.

chung khoan my

Thông tin quan trọng nhất chi phối đến thị trường mạnh nhất là báo cáo đáng thất vọng về nền kinh tế Mỹ (với GDP chỉ tăng trưởng 0,2% trong quý I/2015).

Trong đó, chỉ số Dow Jones Industrial Average để mất 56,08 điểm trong cả tuần, tương đương giảm 0,31% xuống kết tuần ở 18.024,06 điểm. Tương tự, S&P 500 trượt giảm 9,40 điểm (0,44%) xuống 2.108,29 điểm và Nasdaq giảm mạnh nhất, mất 86,69 điểm trong cả tuần (1,70%) xuống 5.005,39 điểm.

Nổi bật trong tuần qua là các báo cáo kết quả lợi nhuận của một số doanh nghiệp lớn, các báo cáo kinh tế và cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), trong đó thông tin quan trọng nhất chi phối đến thị trường mạnh nhất là báo cáo đáng thất vọng về nền kinh tế Mỹ (với GDP chỉ tăng trưởng 0,2% trong quý I/2015).

Báo cáo gây bất ngờ khá lớn cho các nhà đầu tư, dù phần nào được cho là do ảnh hưởng bởi mùa Đông lạnh giá cùng cuộc đình công ở cảng West Coast. Sau báo cáo gây thất vọng trên, thị trường lại tiếp nhận thêm một báo cáo từ Fed cho rằng việc kinh tế Mỹ tăng trưởng chậm lại trong quý I vừa qua có phần là do những yếu tố mang tính nhất thời và nền kinh tế sẽ tăng trưởng với nhịp độ "khiêm tốn" trong thời gian tới.

Nhận định trên của Fed cho thấy thể chế tài chính này vẫn có kế hoạch bắt đầu nâng dần lãi suất trong những tháng tới, dù có thể không phải là thực hiện sớm ngay trong tháng Sáu.

Theo Scott Wren, chiến lược gia về chứng khoán toàn cầu tại Wells Fargo Investment Institute, thì thị trường đã "tiêu hóa một cách khó khăn" số liệu xấu về tăng trưởng GDP quý I, song chỉ sau hai ngày, nhà đầu tư đã "rũ bỏ" được sự quan ngại của họ và thị trường đã trở nên tốt hơn, khi biết rằng Fed sẽ không can thiệp quá nhiều vào tình hình và nền kinh tế Mỹ sẽ vẫn tiếp tục tăng trưởng khiêm tốn.

Các số liệu kinh tế khác được công bố trong tuần qua đan xen giữa tốt và xấu, trong đó chỉ số niềm tin người tiêu dùng trong tháng Tư giảm xuống 95,2 so với mức 101,4 trong tháng Ba, hoạt động chế tạo không mấy khởi sắc trong tháng Tư. Trong khi đó, chi tiêu tiêu dùng trong tháng Ba lại tăng nhẹ, doanh số bán xe ô tô tháng Tư cũng tăng.

Trong tuần tới, thị trường chứng khoán Mỹ sẽ đón nhận khá nhiều thông tin kinh tế quan trọng, trong đó có báo cáo lợi nhuận quý I của một số doanh nghiệp niêm yết lớn như Disney và 21st Century Fox, các chỉ số kinh tế chủ chốt như báo cáo việc làm tháng Tư của Bộ Lao động Mỹ./.

Thùy Chi (Theo AFP)

Thùy Chi (Theo AFP)

© Thời báo Tài chính Việt Nam