Năm 2015: Tập trung huy động trái phiếu chính phủ từ 5 năm trở lên

21:12 | 05/02/2015 Print
Nhiệm vụ chiến lược phát triển thị trường TPCP 2015 là đảm bảo huy động được nguồn vốn cho ngân sách nhà nước và đầu tư phát triển theo chỉ tiêu đã đặt ra, với kỳ hạn dài hơn, từ 5 năm trở lên.

Đây là phát biểu của Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà tại Hội nghị Thành viên thị trường trái phiếu chính phủ (TPCP) năm 2015 do Sở GDCK Hà Nội (HNX) phối hợp với một số đơn vị thuộc Bộ Tài chính tổ chức.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà đã biểu dương và đánh giá cao những nỗ lực của các thành viên thị trường, các tổ chức phát hành, HNX, VSD trong việc xây dựng, vận hành thị trường trái phiếu ngày càng phát triển.

Thứ Trưởng nhấn mạnh, nhiệm vụ chiến lược phát triển thị trường TPCP 2015 là đảm bảo huy động được nguồn vốn cho ngân sách nhà nước và đầu tư phát triển theo chỉ tiêu đã đặt ra, với kỳ hạn dài hơn, từ 5 năm trở lên; thúc đẩy thanh khoản của thị trường, nâng cao chất lượng của thị trường theo hướng minh bạch, hiệu quả; chuẩn bị cơ sở vật chất, hành lang pháp lý, hàng hóa cho thị trường phái sinh.

Đồng thời, năm 2015 sẽ nâng cao sự phối kết hợp giữa Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước để hoạch định chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, Thứ trưởng cho biết thêm.

Tổng khối lượng trái phiếu thực hiện đấu thầu qua HNX năm 2014 đạt hơn 240.840 tỷ đồng. Tỷ lệ đấu thầu thành công tính trung bình giữa các tổ chức phát hành đạt 64,5%. Kỳ hạn phát hành bình quân đạt 5,05 năm.

Năm 2014, kỳ hạn 5 năm chiếm 32% tổng quy mô phát hành năm 2014; kỳ hạn 10 và 15 năm lần lượt đạt 12% và 6%.

Lãi suất trúng thầu liên tục giảm từ đầu năm cho tới giữa tháng 10/2014 và sau đó xuất hiện xu hướng tăng nhẹ trở lại đến hết cuối năm.

Trên thứ cấp, năm 2014, tổng khối lượng niêm yết đạt hơn 691 nghìn tỷ, tăng 24%. Tỷ trọng giá trị niêm yết/GDP giữ được mức tăng đồng đều qua các năm, xấp xỉ 3%/năm. Tổng giá trị giao dịch năm 2014 tăng hơn gấp đôi so với năm 2013; đồng thời, giá trị giao dịch bình phiên năm 2014 đạt 3.571 tỷ đồng/phiên. Hệ số thanh khoản năm 2014 đạt 1,05, tăng 7% so với năm 2013.

Năm 2015, Bộ Tài chính đã giao cho KBNN thực hiện nhiệm vụ huy động vốn thông qua phát hành TPCP là 250.000 tỷ đồng. Trên cơ sở nhiệm vụ huy động vốn năm 2015 được giao, KBNN dự kiến phân khai kế hoạch huy động vốn theo kỳ hạn trái phiếu như sau: kỳ hạn 5 năm: 180.000 tỷ đồng, kỳ hạn 10 năm: 50.000 tỷ đồng, kỳ hạn 15 năm: 20.000 tỷ đồng.

Hội nghị thành viên thị trường TPCP 2015 thực sự đã là “cầu nối” khi cơ quan quản lý (Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước) đưa ra các thông điệp về chính sách, kế hoạch phát hành vào dịp đầu năm đến toàn thể thành viên; các thành viên đã nêu các ý kiến, đóng góp ý tưởng về việc phát triển một thị trường TPCP chuyên nghiệp, hiện đại, về việc mong muốn tổ chức thị trường giao dịch trái phiếu doanh nghiệp trong thời gian tới…

Về phía HNX, năm 2015, HNX sẽ tập trung phát triển thị trường TPCP cả chiều rộng và chiều sâu, tăng về giá trị giao dịch và thanh khoản, hỗ trợ tích cực cho huy động vốn của Ngân sách Nhà nước và đầu tư phát triển của đất nước.

tpcp

Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc HNX trao bằng khen cho 5 thành viên thị trường TPCP 2014

Hệ thống giao dịch TPCP trực tuyến trên nền Internet, kết nối với Bloomberg sẽ được hoàn thiện với tốc độ xử lý, tiện ích cho thành viên, nhà đầu tư, thông tin thị trường được tăng cường lên cấp độ mới. HNX cũng sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan tập trung phát triển sản phẩm mới như trái phiếu không trả lãi định kỳ (Zero Coupon Bond), bộ sản phẩm Repo…cũng như chuẩn bị hệ thống, hoàn thiện khung pháp lý, sản phẩm cho thị trường phái sinh TPCP theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Đề án Thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng sẽ là một “mũi nhọn” mà HNX phải có đầu tư nghiên cứu, đề xuất phương án và trình Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trong năm nay, đáp ứng mong mỏi của thành viên thị trường, đại diện HNX cho biết thêm./.

Top 5 thành viên thị trường TPCP 2014

1. CTCP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam
2. Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam
3. Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam
4. Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam
5. Ngân hàng TMCP Á Châu

Top 3 nhà tạo lập thị trường (VBMA bình chọn)

Nhà tạo lập thị trường chào giá tốt nhất
1. Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam
2. Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam
3. Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam

Nhà tạo lập thị trường có khối lượng giao dịch nhiều nhất
1. Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam
2. Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam
3. Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam.

D.T

D.T

© Thời báo Tài chính Việt Nam