Chứng khoán 24/11: Xả mạnh hàng đầu cơ

16:50 | 24/11/2014 Print
Thị trường hôm nay bắt đầu phản ứng rõ hơn trước ảnh hưởng của Thông tư 36. Cả hai ngày cuối tuần, nhà đầu tư tha hồ tham khảo đủ loại phân tích, bình luận về Thông tư này. Rốt cục thị trường vẫn là nơi phản ánh chính xác nhất quan điểm.

chứng khoánCổ phiếu đầu cơ rơi thảm

Tác động mạnh nhất của việc làm chặt hơn việc cấp tín dụng cho thị trường chứng khoán có nhiều quan điểm khác nhau. Tuy nhiên điểm chung là các cổ phiếu đầu cơ lâu nay được đánh lên bằng nguồn vốn margin quá lớn được cho là sẽ bị ảnh hưởng.

Quả thực hôm nay nhiều cổ phiếu bắt đầu có dấu hiệu bị bán ra rất mạnh.

Hai cổ phiếu đầu cơ đáng chú ý nhất là FLC trên HSX và KLF trên HNX phiên này biến động rất lớn. Tâm điểm của thị trường tuần trước là FLC, với lượng vốn tích lũy trong 3 ngày liên tục lên tới gần 1.443 tỷ đồng. Đây là lượng vốn thuần túy mà nhà đầu tư phải có trong tài khoản để mua, và chưa thể quay vòng được do chưa hết vòng quay tiền-hàng để có thể bán được cổ phiếu.

Lượng vốn khổng lồ này chắc chắn có yếu tố đòn bẩy cao. Do đó, tác động nhìn thấy hôm nay là hoạt động bán ra mạnh. Cổ phiếu này ngay lúc mở cửa đã giảm 3,13% do lượng hàng xả tăng vọt. Tuy nhiên cầu bắt đáy cũng khá tốt, có lúc đẩy giá lên, chỉ còn giảm 0,78%. Đến lúc đóng cửa FLC bị xả trên 2 triệu cổ giá ATC, giá sụt giảm 3,91%.

Tổng hợp cả phiên, FLC giao dịch 19 triệu cổ, đạt 236,6 tỷ đồng, chiếm trên 13% giá trị sàn HSX.

KLF tại sàn HNX thậm chí có lúc còn được đẩy lên trên tham chiếu. Rõ ràng là lòng tham vẫn rất cao, chấp nhận cuộc chơi ở những thời điểm rủi ro nhất. Nhà đầu tư tháo đòn bẩy ở KLF được dịp tốt để thoát ra với giá “hữu nghị” mà người mua tạo ra. KLF càng về cuối phiên càng giảm sâu, đóng cửa mất 6,67%.

Xả mạnh hàng đầu cơ
Nhà đầu cơ bắt đầu tháo bớt đòn bẩy với các mã nóng.

Cũng có khoảng 1,3 triệu cổ được tống ra bằng giá ATC, đẩy thanh khoản cả phiên của KLF lên 11,5 triệu cổ, tương đương 167,4 tỷ đồng. KLF chiếm hơn 22% giá trị sàn.

Không chỉ có FLC, KLF bị xả hàng lớn và giảm giá, hàng loạt cổ phiếu đầu cơ đình đám gần đây cũng rơi vào cảnh tương tự: VIX giảm 9,26%, PLC giảm 4,94%, VHG giảm 6,79%, HAR giảm 5,04%, OGC giảm 3,3%, HVG giảm 2,57%...

Thống kê hai sàn hôm nay có 320 cổ phiếu giảm với 25 mã sàn. ASA, PPE, L44, SRC, QBS, HAI, KSA, GTN… là những cổ phiếu giảm sàn tiêu biểu, bất chấp phiên trước biến động thế nào.

5 cổ phiếu đạt giá trị giao dịch cao nhất

Thanh khoản sụt giảm, nhà đầu tư phòng thủ

Cho đến hôm nay, không thể nói là thị trường không biết đến Thông tư 36. Đủ loại phân tích được tung ra, từ phát ngôn chính thức lẫn trên các cộng đồng mạng. Vì thế, phiên hôm nay là phiên phản ánh hai thái cực đánh giá về Thông tư này.

Nếu nhà đầu tư nhìn nhận sự tích cực trong Thông tư 36 và thị trường không bị ảnh hưởng, họ sẽ tận dụng cơ hội để mua vào. Ngược lại, nếu nhà đầu tư lo ngại rủi ro ngắn hạn do tác động xấu, họ sẽ bán ra.

Một điều khá bất ngờ là đa số phân tích từ cơ quan chuyên môn, chẳng hạn giới ngân hàng hay công ty chứng khoán đều nhìn nhận lạc quan. Tuy nhiên thị trường lại phản ứng khác. Tới 320 cổ phiếu giảm giá trên hai sàn, sau khi phiên cuối tuần trước đã có 323 mã cũng giảm, thì không thể nói là phản ứng tích cực được.

VN-Index đã có lúc phục hồi khá tốt, thậm chí HSX30 còn lên gần tham chiếu. Về cuối phiên, diễn biến giảm lại chiếm ưu thế.

Đặc biệt là giá giảm hôm nay đi cùng với thanh khoản suy yếu rất rõ. Tổng giá trị khớp lệnh thị trường giảm 30% so với phiên trước, chỉ đạt 2.553,8 tỷ đồng.

Thanh khoản kém nhất 12 phiên và VN-Index bốc hơi 0,94%, HNX-Index bốc hơi 1,26%. Đó là biểu hiện của việc nhà đầu tư từ chối mua vào.

Bên cạnh số nhà đầu tư thể hiện quan điểm với Thông tư 13 bằng cách mua hoặc bán, vẫn còn số lớn nhà đầu tư đứng ngoài theo dõi. Những người này không có quan điểm cụ thể mà dựa vào phản ứng của thị trường để hành động. Nếu thị trường xấu đi, họ sẽ gia nhập vào phe người bán. Vì thế một lượng hàng tiền ẩn vẫn chưa thực sự xuất hiện.

Khánh Nhi

Khánh Nhi

© Thời báo Tài chính Việt Nam